Nhiều dự án Hà Nội chậm tiến độ, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Sáu, 05/06/2020, 12:45
Trên địa bàn Hà Nội còn nhiều dự án chậm tiến độ trên 10 năm nhưng rất khó tháo gỡ do chủ đầu tư không phối hợp, và vi phạm sử dụng đất khó thu hồi.

Chủ đầu tư không đến dự họp khi được mời

Ngày 5/6, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về tình hình thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 của HĐND thành phố về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay cũng như kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật gắn với việc giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là nhiều dự án chậm tiến độ và trách nhiệm của người quản lý khi để xảy ra tình trạng này. Theo đại biểu Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai), cụm công nghiệp Bình Minh-Cao Viên thuộc huyện Thanh Oai đã được tỉnh Hà Tây cũ cấp giấy chứng nhận từ năm 2007 nhưng việc triển khai đến nay rất chậm.

Giải trình vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai thông tin, việc sử dụng đất của công ty cổ phần xây dựng Hà Tây, đơn vị được tỉnh Hà Tây trước đây cho phép đầu tư xây dựng cụm công nhiệp Bình Minh - Cao Viên.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai giải trình về cụm công nghiệp Bình Minh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Ooai, hiện đã bàn giao một phần đất cho doanh nghiệp tại xã Bích Hòa, diện tích đất còn lại nằm trên địa giới hành  chính 2 xã Cao Viên và Bình Minh chưa giải phóng mặt bằng, hiện trạng chủ yếu vẫn là đất sản xuất nông nghiệp. Phần đất được bàn giao, đến nay chưa được đầu tư xây dựng. Đến ngày 16/3/2018 doanh nghiệp có văn bản đề nghị tiếp tục giải phóng mặt bằng. Đến nay, theo chủ đầu tư báo cáo, đang liên hệ với Sở Kế hoạch, Đẩu tư, Sở Công thương để điều chỉnh dự án đầu tư và quyết định thành lập cụm theo hướng dẫn các sở, ngành. Như vậy, trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư trong việc phối hợp, chứng minh năng lực, cung cấp hồ sở để báo cáo cấp sở ngành thẩm quyền phê duyệt.

Liên quan cụm công nghiệp Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan trả lời thêm, do hợp nhất mở rộng Thủ đô năm 2008, cụm này nằm trong danh mục phải rà soát, tiếp đó là vướng cơ chế chính sách như Thông tư 31 của liên bộ Kế hoạch-Đầu tư-Công thương rồi quyết định 105 của Chính phủ rồi triển khai theo Nghị định 68 của Chính phủ do đó một số cơ chế, chính sách có sự thay đổi nên chủ đầu tư cũng phải thay đổi theo.

Việc giải phóng mặt bằng trong 10 năm vừa rồi như huyện Thanh Oai báo cáo được có 3,5 ha, rất là ít. Giấy chứng nhận đầu tư của chủ đầu tư đã hết hạn do đó năm 2018, chủ đầu tư mới đề xuất để khởi động lại dự án này, Sở TN&MT đã có văn bản trả lời rõ trong việc giải phóng mặt bằng và chưa tiếp tục thực hiện được là do giấy chứng nhận của chủ đầu tư đã hết hạn.

 “Hàng năm Sở Công Thương đều tổ chức hai cuộc tháo gỡ khó khăn cho cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố nhưng lần nào mời chủ đầu tư đều không đến dự cho nên việc phối hợp này rất khó khăn như huyện Thanh Oai báo cáo”, Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin.

Chưa xử lý dứt điểm vi phạm sử dụng đất sai mục đích 

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Ứng Hòa) nêu câu hỏi, trên cơ sở kiến nghị của cử tri, HĐND TP Hà Nội đã giám sát vào tháng 7/2018 và kiến nghị kiểm tra, đôn đốc xử lý các vi phạm đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm luật đất đai. Nhưng sau khi xử lý, các vi phạm về luật đất đai, nhiều diện tích đất ở dạng thu hồi vẫn tiếp tục chưa được xử lý dứt điểm còn tiếp tục sử dụng sai mục đích và chưa có phương án sử dụng hiệu quả. Ví dụ như khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình thuộc phường Mỹ Đình 2, phường Nam Từ Liêm, đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết nguyên nhân hạn chế nêu trên chưa được khắc phục triệt để, trách nhiệm thuộc về ai, nguyên nhân và giải pháp, lộ trình thực hiện trong thời gian tới?

Về dự án chậm triển khai khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết, diện tích khu vực trên là 10.200m2, trước đây thuộc dự án Khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình đã được UBND huyện Từ Liêm phê duyệt, TP có quyết định cho UBND xã Mỹ Đình cho thuê đất từ năm 2002.

Phiên giải trình diễn ra trong buổi sáng ngày 5-6.

Song sau khi được bàn giao đất, UBND xã có vi phạm, giao đất cho HTX Mỹ Đình triển khai thực hiện. HTX đã cho một số công ty thuê lại, sử dụng sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai.

Năm 2014, dự án này đã được Thanh tra Sở TNMT thanh tra, kết luận có vi phạm; trên cơ sở đó, UBND TP đã có quyết định thu hồi đất vi phạm, giao Trung tâm Quỹ đất quận Nam Từ Liêm quản lý và đề xuất phương án sử dụng đất đảm bảo quy định, giao UBND quận Nam Từ Liêm chỉ đạo thực hiện công tác GPMB tại đây.

Theo quyết định của TP, UBND quận đã chỉ đạo, các cơ quan của quận kịp thời triển khai. Tuy nhiên, do nhận thức không đúng của việc triển khai XHH trước đây dẫn đến tại khu vực này tồn tại một số công trình gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện thu hồi lại.

Để giải quyết, quận đã xin ý kiến tháo gỡ của Sở Tài chính, đồng thời xác định phải giải quyết từng bước. Năm 2015, quận đã cùng các sở ngành TP kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phân khu, để triển khai các dự án trường học.

Trong đó năm 2015, quận đã thực hiện một phần là 4.800m2 (trong tổng số 10.200m2) thực hiện 1 trường mầm non; còn lại 5.400m2, quận xác định sẽ đề xuất TP triển khai tiếp 1 dự án trường học.

Trong số diện tích này, quận đã thu hồi 1.700m2, còn lại 3.700m2 sẽ triển khai ngay khi được TP chấp thuận cho triển khai dự án trường học. UBND quận cùng Sở QHKT đã báo cáo TP cho phép triển khai dự án trường học, đồng thời thu hồi nốt phần đất còn lại. Đúng là thời gian qua quận có lúng túng, tới đây sẽ bám sát, dự kiến sẽ đưa ra tiến độ trong quý 3/2020.

Ngọc Yến
.
.
.