"Khui lộ" nhiều sai phạm về đất đai tại Kon Tum
Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng, các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trong công tác quy hoạch 3 loại rừng: UBND tỉnh Kon Tum thực hiện không đạt chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp. Số liệu kiểm kê của UBND tỉnh Kon Tum năm 2019 so với năm 2014 thì diện tích rừng phòng hộ giảm hơn 12,5 nghìn ha, diện tích rừng sản xuất giảm gần 15 nghìn ha, diện tích đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng giảm hơn 2,7 nghìn ha. Mặt khác, thống kê của Sở NN&PTNT và Sở TN&MT về quản lý diện tích đất lâm nghiệp năm 2019 có sự chênh lệch hàng nghìn ha nhưng chưa được cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ. Riêng tại TP Kon Tum, một số diện tích thực chất là đất trồng lúa, cây ngắn ngày, đất ở nông thôn, đất quốc phòng… nhưng cơ quan chức năng công bố hiện trạng đất rừng là thiếu trách nhiệm, làm cho diện tích đất rừng tăng hơn 136ha.
Việc quy hoạch các thủy điện nhỏ và vừa chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến ảnh hưởng môi trường, đất rừng. Tỉnh Kon Tum quy hoạch 81 thủy điện chiếm hơn 1,1 nghìn ha đất rừng. Năm 2019, mặc dù UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản tạm dừng triển khai các thủy điện nhỏ và vừa nhưng sau thời điểm ban hành văn bản vẫn có 26 thủy điện được bổ sung vào quy hoạch.
Việc quản lý, sử dụng đất của cấp huyện chưa chặt chẽ dẫn đến cấp xã (phường) quản lý, sử dụng đất đai chưa đúng. Tại TP Kon Tum, huyện Đak Hà, huyện Sa Thầy còn vi phạm về trình tự, thủ tục đấu giá, cho thuê đất không đấu giá, không có kế hoạch đấu giá đất. Các điều khoản hợp đồng cho thuê đất còn thiếu chặt chẽ dẫn đến thu tiền chậm, khó thu hoặc không thu được.
Việc giao đất còn tình trạng vượt hạng mức theo quy định, phân lô theo hiện trạng nên dẫn đến các lô không đồng đều, chênh lệch hàng trăm m2. Trong đó, TP Kon Tum đã giao đất cho 43 trường hợp không thuộc đối tượng tái định cư, nguy cơ thất thoát ngân sách tối thiểu hơn 3,5 tỷ đồng. Huyện Đak Hà có 85 trường hợp giao đất không qua đấu giá là vi phạm quy định Luật đất đai; một số công chức (có trường hợp là lãnh đạo, người nhà lãnh đạo) Huyện ủy, UBND huyện Đak Hà được giao diện tích lớn và nhiều trường hợp được giao đất để ở nhưng thực tế không có nhu cầu nên để đất hoang hóa hoặc đã chuyển nhượng để kiếm lời. Đoàn thanh tra tạm tính tiền sử dụng đất của 13/85 trường hợp có giá giao đất thấp hơn giá thị trường, làm thất thu ngân sách nhà nước tối thiểu hơn 885 triệu đồng.
Công tác đấu giá đất còn nhiều sai phạm như: Tổ chức đấu giá đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng; chậm nộp tiền trúng đấu giá nhưng không hủy kết quả đấu giá, không thu tiền đặt cọc…Cá biệt, có trường hợp chậm nộp tiền từ 1-3 năm nhưng không được cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Đồng thời, hầu hết các dự án đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều có hiện tượng một số người trúng đấu giá từ hàng chục đến hàng trăm lô đất và chờ thời cơ bán kiếm lời. Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện hành vi kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá. Đây là hành vi có dấu hiệu trốn thuế nhưng cơ quan chức năng không kịp thời xử lý dẫn đến nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước số tiền tạm tính là hơn 1,1 tỷ đồng.
Việc phê duyệt bảng giá đất trên địa bàn tỉnh không sát giá thị trường, giá đất cơ bản giống, không thay đổi so với bảng giá đất giai đoạn 2010-2014 và giai đoạn 2015-2019. Việc này dẫn đến nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước, ảnh hưởng quyền lợi người dân khi áp giá bồi thường.
Về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và quản lý, sử dụng đất công: UBND tỉnh Kon Tum giao trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh tham mưu tổ chức đấu giá tài sản công mà không giao cho Sở Tài chính là vi phạm trình tự, thủ tục theo quy định. Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa quốc tế Vạn An (số 153-155 đường Bà Triệu, TP Kon Tum) được mua tài sản trên đất (tài sản công) theo hình thức chỉ định là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất chưa được thực hiện hiệu quả. Lũy kế đến ngày 31/8/2020, tiền sử dụng đất còn nợ là hơn 4,6 tỷ đồng, tiền thuê đất còn nợ là gần 5,3 tỷ đồng nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp đôn đốc, thu nộp ngân sách. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành. Đồng thời, khẩn trương khắc phục các sai phạm, tồn tại đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra.