Nhiều sai phạm về đất đai, xây dựng trong các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 04/01/2022, 08:53

Kết quả thanh tra đối với các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh do Thanh tra Chính phủ thực hiện trong năm 2021 cho thấy, nhiều doanh nghiệp thuê đất trong các khu công nghiệp nhưng không đưa vào khai thác, sử dụng dẫn đến lãng phí đất.

Để tạo động lực phát triển cho TP Hồ Chí Minh, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) của Thành phố, trong đó Thủ tướng cho phép đến năm 2020 Thành phố được phát triển 26 KCN với tổng diện tích hơn 6.156ha. Số KCN này gồm 17 KCN đã thành lập hoặc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích được quy hoạch 4.067ha; 9 KCN chưa thành lập hoặc chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích 2.089 ha.

Những năm qua, các KCN tại Thành phố đã được xác định là lĩnh vực chủ lực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu và giải quyết việc làm… Tuy vậy, năm 2021 vừa qua, UBND Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh diện tích 7 KCN, trong đó xin giảm 107 ha tại KCN Hiệp Phước giai đoạn 3; giảm 10,09ha tại KCN Lê Minh Xuân mở rộng; giảm 10,75ha tại KCN Lê Minh Xuân 3… và xin rút quy hoạch 3 KCN, gồm Bàu Đưng 175 ha; Phước Hiệp 200ha và Xuân Thới Thượng 300ha.

Kết quả thanh tra về công tác quản lý Nhà nước và chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với các KCN ở TP Hồ Chí Minh do Thanh tra Chính phủ thực hiện trong năm 2021 cho thấy, nhiều doanh nghiệp thuê đất trong các KCN nhưng không đưa vào khai thác, sử dụng dẫn đến lãng phí đất KCN.

Tại KCN Tây Bắc Củ Chi, sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt dự án đầu tư, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định giao đất cho Công ty Thương mại Củ Chi làm chủ đầu tư với tổng diện tích 208ha và chủ đầu tư đã cho 44 doanh nghiệp (DN) thuê đất với tổng diện tích 149,5ha.

Kiểm tra tại đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ UBND Thành phố, trực tiếp là Ban quản lý các KCN Thành phố đã thiếu kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời việc chủ đầu tư không thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng như: không đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch được duyệt; đầu tư xây dựng không đồng bộ các công trình hạ tầng KCN; chậm 15 năm so với tiến độ đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... chưa hết, năm 2004 Công ty Thương mại Củ Chi và Công ty Sabeco đã ký hợp đồng thuê 50ha đất để xây dựng, vận hành nhà máy sản xuất bia, thời hạn thuê 43 năm, Sabeco đã thanh toán toàn bộ số tiền thuê hơn 188 tỷ đồng.

Nhưng đến thời điểm thanh tra, Sabeco mới đầu tư và sử dụng khoảng 26ha đất, còn lại khoảng 24ha chưa đưa vào sử dụng trong suốt thời gian hơn 9 năm nhưng không xin gia hạn thời gian sử dụng đất, vi phạm Nghị định của Chính phủ và gây lãng phí quỹ đất. Từ một đề xuất vào năm 2016 của Công ty Thương mại Củ Chi, Ban Quản lý các KCN Thành phố đã chấp thuận cho công ty này được tạm sử dụng nguồn phí duy tu tái tạo cơ sở hạ tầng để xây dựng công trình Văn phòng làm việc trên đất cây xanh với giá trị quyết toán hơn 1,9 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc làm trên của chủ đầu tư và Ban Quản lý các KCN Thành phố là vi phạm quy hoạch được duyệt và vi phạm quy định về Quy chế thu và sử dụng phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng các KCN và Khu chế xuất theo Quyết định của Bộ Tài chính. Tháng 7/2017, Cục thuế Thành phố có thông báo nộp tiền thuê đất, trong đó xác định số tiền thuê đất của Công ty Thương mại Củ Chi phải nộp đối với diện tích đất đã cho 31 doanh nghiệp thuê trị giá 4,76 tỷ đồng.

Song Cục Thuế không xác định lại thời điểm, thời gian, đơn giá thuê là vi phạm các quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các KCN. Ngoài ra đến nay chủ đầu tư vẫn không thực hiện xây dựng công trình vận chuyển - xử lý chất thải nguy hại tập trung theo quy định, dẫn đến, các DN đang hoạt động trong KCN phải tự xử lý hoặc thuê các đơn vị ngoài.

TP Hồ Chí Minh: Nhiều sai phạm về đất đai, xây dựng trong các khu công nghiệp -0
Mật độ xây dựng nhà máy dày đặc trong một KCN.

Ở KCN Tân Tạo (ITACO) hiện hữu, Thanh tra Chính phủ xác định, mặc dù từ cách đây 25 năm Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định phê duyệt dự án đầu tư và thu hồi đất, nhưng đến nay ITACO vẫn chưa lập và trình đề án tổng thể về phát triển các công trình kết cấu hạ tầng trong KCN hiện hữu; chưa báo cáo về nhu cầu phát triển các công trình kết cấu hạ tầng ngoài KCN hiện hữu theo quy định.

ITACO chỉ thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng từng phần tại các vị trí đất cho thuê mà không đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật như tuyến đường số 1; trồng cây xanh tập trung dọc tuyến đường song song với quốc lộ 1A và ven rạch xen kẽ với các công trình đầu mối kỹ thuật. Ban quản lý các KCN Thành phố đã cho phép ITACO điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền, để ITACO tự chia tách, điều chỉnh quy hoạch một số khu đất cho các đơn vị thuê, chuyển nhượng lại đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích so với quy hoạch chi tiết đã được Bộ Xây dựng phê duyệt với tổng diện tích lên đến 106.190m2, thu lợi hơn 107,6 tỷ đồng.

Ngoài việc để ITACO cho một số ngân hàng, tổ chức tín dụng thuê đất trong KCN, Ban Quản lý các KCN Thành phố còn chấp thuận điều chỉnh quy hoạch 95.779m2 đất không đúng thẩm quyền tại các khu đất quy hoạch để đầu tư hạ tầng KCN như nhà máy xử lý nước thải, bãi rác công nghiệp, bể nước ngầm, trạm bơm điện, đường số 1... thành đất công trình công nghiệp để cho thuê hoặc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình không đúng mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt, thu lợi hơn 98 tỷ đồng và 233.819 USD nhưng ITACO cũng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước theo quy định.

Trong khi đó, các chủ đầu tư được thuê lại đất cũng không thực hiện xây dựng nhà máy mà đem cho thuê hoặc chuyển nhượng lại như Công ty TNHH Tân Tuấn Kiệt chuyển nhượng lại diện tích 29.156m2; Công ty SMC, diện tích 7.278m2; Công ty Dịch vụ hóa mỹ phấm, diện tích 1.922m2; Công ty Tấn Phát, diện tích 2.392m2; Công ty nhựa Hiện Đại, diện tích 2.975m2; Công ty Tân Việt Tân, diện tích 2.202m2; Công ty Nam Việt diện tích 2.080m2; Công ty TNHH SX- TM Đại Phúc, diện tích 3.060m2;  Công ty Hiệp Thành, diện tích 3.678m2; Công ty TNHH Song Tân, diện tích 2.706m2; Công ty CP Thiết bị giáo dục 2, diện tích 2.714m2; Công ty Đông Nam diện tích 2.336m2; Công ty Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn diện tích 20.340,4m2...

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, ITACO còn tự chia, tách một số khu đất đã được quy hoạch xây dựng bãi rác công nghiệp, kho tàng, bến bãi, trồng cây xanh tập trung để cho các doanh nghiệp thuê lại hoặc tự đầu tư sử dụng vào mục đích khác với tổng diện tích lên đến 10.446m2, thu lợi hơn 9,5 tỷ đồng, như cho Công ty CP xây dựng Sài Gòn thuê tại lô số 22A, đường số 1 với diện tích 6.000m2, thu lợi 3 tỷ đồng để rồi sau đó công ty này tiếp tục cho một số đơn vị khác thuê lại để hưởng lợi.

ITACO ký họp đồng cho các nhà đầu tư thuê lại đất có thời hạn đến năm 2047 hoặc đến năm 2050. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 9/2017 đã có 7 nhà đầu tư thuê đất, nhưng sau nhiều năm không triển khai đầu tư xây dựng, không xin gia hạn sử dụng đất nhưng không được UBND Thành phố và Ban Quản lý các KCN kiểm tra, xem xét, xử lý với tổng diện tích khoảng 117.774m2 như Công ty TNHH SXKD Hai Thành 6.921m2; Công ty Vissan 50.000m2; Công ty dệt Sài Gòn 30.009m2; DNTN TM Minh Kim Long 6.010m2; Công ty TNHH Phát Hải 5.100m2; Công ty TNHH SX TM DV XNK Minh Hoàng 5.451m2; Công ty TNHH Việt Nam Paiho 14.280m2. Ban Quản lý các KCN Thành phố đã cấp phép xây dựng cho một số nhà đầu tư xây vượt số tầng so với quy hoạch được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Năm 2002, Bộ Xây dựng có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 KCN Tân Tạo mở rộng với tổng diện tích 255ha, giảm 7ha so với trước đó. Dù vậy, ngay trong năm 2002, UBND Thành phố đã cho phép chủ đầu tư dành 17,7ha trong phạm vi quy hoạch KCN Tân Tạo mở rộng để xây dựng khu tái định cư và hoán đổi đất cho các hộ dân trước khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh quy hoạch. Tháng 4/2008, UBND Thành phố tiếp tục có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Tân Tạo mở rộng với diện tích chỉ còn 204,58 ha, giảm 49,7ha so với quyết định trước đó của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố cũng đã điều chỉnh diện tích đất kho bãi tại đây từ 2,8 ha xuống còn 1,2 ha; đất cây xanh, kênh rạch từ 21,3 ha xuống còn 17,66 ha và phê duyệt điều chỉnh bổ sung 10,5 ha làm trung tâm đào tạo nghề không có trong quy hoạch của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, UBND Thành phố còn chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Việt Nam đầu tư xây dựng công trình tạm để làm bãi đậu xe trên phần diện tích 7.332 m2 đã được tách khỏi KCN khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng.

Với KCN Vĩnh Lộc, Thanh tra Chính phủ cũng xác định, sau hơn 20 năm được thành lập, chủ đầu tư vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng; chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng KCN theo quy hoạch được phê duyệt, mà chỉ đầu tư từng hạng mục công trình để cho thuê.

Trong khi Ban Quản lý các KCN Thành phố không ban hành Điều lệ quản lý đầu tư xây dựng tại KCN Vĩnh Lộc, thì tháng 10/2014 UBND Thành phố đã có quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại KCN này. Trong đó, Thành phố cho phép chuyển đổi phần đất cây xanh cách ly, đất giao thông, đất trung tâm công cộng, đất khu xử lý kỹ thuật thành đất xây dựng công trình công nghiệp nhưng không có phần đất đối ứng để thực hiện đầu tư các hạng mục công trình này theo quy hoạch.

Ngoài vi phạm, việc này phá vỡ quy hoạch được Bộ Xây dựng phê duyệt. Qua kiểm tra thực tế, Thanh tra Chính phủ phát hiện chủ đầu tư đã và đang sử dụng một số khu đất không đúng mục đích so với quy hoạch được duyệt, như dùng một phần đất kho tàng cho Công ty thuốc lá Bến Thành thuê xây dựng nhà máy sản xuất; sử dụng một phần đất cây xanh để xây dựng nhà máy xử lý nước thải; một phần đất bãi đỗ xe để xây dựng cây xăng, ki ốt cho thuê.

Để Công ty CP Hoàng Quỳnh xây dựng nhà máy sản xuất bia công suất 100 triệu lít/năm trên lô đất có diện tích 1,5ha nhưng không có giấy phép xây dựng, xây dựng không đúng với các chỉ tiêu quy hoạch được duyệt, xây dựng nhà máy bia vượt ra ngoài ranh đất, lấn vào phần đất giao thông của KCN. Ngoài ra, chủ đầu tư đang xây dựng khu xử lý nước thải trên diện tích đất được quy hoạch trồng cây xanh, nhưng Ban quản lý các KCN không đình chỉ xây dựng mà vẫn cấp phép.

Tại KCN Tân Bình, Thanh tra Chính phủ cho biết, UBND Thành phố cũng đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Tân Bình với tổng diện tích 105,9ha, giảm 72,68ha so với diện tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tại đây Thành phố đã phê duyệt mật độ xây dựng vượt so với quy chuẩn xây dựng; không thực hiện việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, không lấy ý kiến nhân dân và UBND phường sở tại; không lập, trình, phê duyệt Điều lệ quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng.

Tại KCN khác, Chủ đầu tư KCN Tân Bình là Công ty Tanimex cũng không đầu tư xây dựng đồng bộ hoàn chỉnh hạ tầng KCN theo đúng quy hoạch được phê duyệt, mà chỉ đầu tư từng hạng mục để cho thuê; chỉ đầu tư xây dựng đất cây xanh tương đương 7% diện tích KCN, thiếu so với quy chuẩn tối thiểu là 10%, sau đó sử dụng các khu đất này để xây dựng sân thể thao và một số hạng mục khác, sai mục đích sử dụng đất đã được quy hoạch.     

Đ.Thắng
.
.
.