Hàng loạt công trình tiền tỷ ở Thanh Hoá bỏ hoang sau sáp nhập

Thứ Bảy, 13/07/2024, 08:10

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã từ 635 xuống còn 558 xã, phường, thị trấn.

Hiện, toàn tỉnh Thanh Hoá đang có 457 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập ĐVHC cấp xã, cấp thôn… Điều đáng nói, các tài sản này chưa được sắp xếp, xử lý và đang ngày càng xuống cấp, hư hỏng rất lãng phí.

Điển hình là công sở UBND xã Thọ Thắng, huyện Thọ Xuân được đầu tư xây dựng năm 2018 với kinh phí 5 tỷ đồng, đến giữa năm 2019 công trình hoàn thành đúng dịp địa phương đón nhận bằng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, đến tháng 12/2019, khu công sở xã Thọ Thắng phải bỏ hoang để chuyển đến công sở mới sau sáp nhập ở xã Xuân Lập.

Hàng loạt công trình tiền tỷ ở Thanh Hoá bỏ hoang sau sáp nhập -0
Công sở xã Xuân Thành (Thọ Xuân) còn rất khang trang nhưng vẫn phải bỏ không khi xã này thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính.

Tương tự, công sở 2 tầng xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân cũng được đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015. Dù đang rất khang trang nhưng công sở này cũng bỏ hoang khi bộ máy cán bộ, công chức xã Xuân Thành chuyển đến nơi làm việc mới sau sáp nhập với xã Xuân Hồng. Xã Xuân Hồng được thành lập mới trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Xuân Khánh, Xuân Thành và Thọ Nguyên. Do vậy, sau sáp nhập, xã Xuân Hồng dư 2 công sở, 2 trạm y tế và 1 nhà đa năng.

Tìm hiểu được biết, huyện Thọ Xuân là địa phương có số đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp nhiều nhất tỉnh Thanh Hoá với 20 xã, thị trấn sắp xếp thành 9 xã, thị trấn (giảm 11 đơn vị), tương đương với dôi dư 11 công sở, 11 trạm y tế và nhiều hội trường, trung tâm văn hóa. Điều đáng nói, trong 11 công sở dôi dư, phần lớn đều nằm ở vị trí “đất vàng”, mới khánh thành, đưa vào sử dụng chưa được bao lâu để về đích NTM. Thế nhưng, do chưa có phương án sắp xếp, xử lý phù hợp, các công trình này phải bỏ hoang, ngày càng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập 143 đơn vị (gồm 115 xã, 3 phường, 25 thị trấn) để thành lập 67 đơn vị. Theo đó, toàn tỉnh đã giảm từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 558 xã, phường, thị trấn (giảm 76 đơn vị). Theo báo cáo của Sở Tài chính, hiện nay toàn tỉnh Thanh Hoá có 537 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập ĐVHC cấp xã và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, có 457 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn và 80 cơ sở nhà, đất dôi dư do sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi chờ phương án xử lý cụ thể, nhiều địa phương không còn cách nào khác đành chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng mỗi năm thuê người trông coi.

Hàng loạt công trình tiền tỷ ở Thanh Hoá bỏ hoang sau sáp nhập -0
Trung tâm hội nghị Hàm Rồng được đầu tư 160 tỷ đồng nhưng chỉ sử dụng một thời gian rồi bỏ hoang nhiều năm nay.

Không chỉ dôi dư tài sản là các ĐVHC sau sáp nhập, ở Thanh Hoá còn thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”. Theo đó, trong năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hoá phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan bố trí sắp xếp 56 lớp với 2.122 học sinh, điều chuyển 202 cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc 5 trường THPT giải thể, gồm Trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc), THPT Lê Văn Linh (Thọ Xuân), THPT Triệu Sơn 6 (Triệu Sơn), THPT Trần Khát Chân (Vĩnh Lộc) và Trường THPT Tĩnh Gia 5 (Tĩnh Gia) sáp nhập vào các trường THPT trên địa bàn. Đến năm 2019, Sở GD&ĐT tiếp tục tiến hành giải thể, sáp nhập thêm 8 trường THPT, gồm: Trường THPT Trần Ân Chiêm (Yên Định), THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa), THPT Triệu Thị Trinh (Nông Cống), THPT Trần Phú (Nga Sơn), THPT Nguyễn Hoàng (Hà Trung), THPT Lê Viết Tạo, THPT Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa) và THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương). Theo đó, sau khi các trường học nói trên giải thể, sáp nhập thì hệ thống cơ sở vật chất đầu tư hàng chục tỷ đồng đang bị bỏ không.

Chiều 9/7 vừa qua, HĐND tỉnh Thanh Hóa tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp thứ 20, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa, trả lời chất vấn về tình trạng tài sản công dôi dư lãng phí thời gian dài. Ông Tứ thừa nhận, việc sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư triển khai chậm, gây lãng phí trong thời gian dài và đến nay vẫn chưa xử lý xong.

Theo ông Tứ, nguyên nhân của việc chậm xử lý là do các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập; ảnh hưởng của dịch COVID-19; số lượng công sở nhà đất dôi dư lớn, địa bàn rộng; thành viên các tổ giúp việc trong sắp xếp, xử lý tài sản dôi dư chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác... Về giải pháp xử lý tài sản công dôi dư trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hoá cho rằng, cần kiến nghị với Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật về xử lý tài sản công dôi dư; chính quyền cấp huyện phải xem việc xử lý tài sản công dôi dư là nhiệm vụ chính trị quan trọng để tiến hành đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi khi xây dựng phương án sử dụng tài sản...

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn về thực trạng tài sản công dôi dư lãng phí, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì kỳ họp, đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong xử lý, sắp xếp tài sản công dôi dư. Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá cho rằng, việc xử lý tài sản công dôi dư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến nay chưa được như kỳ vọng, nhiều đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, quá trình lập và trình phê duyệt phương án xử lý còn chậm.

Được biết, trong năm 2024, tỉnh Thanh Hoá sẽ thực hiện sáp nhập ĐVHC toàn bộ huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hoá với hơn 20 đơn vị cấp xã. Do vậy, cần có các phương án, giải pháp phù hợp, nếu không sẽ khó tránh khỏi tình trạng công sở dôi dư.

Trần Thắng
.
.
.