Hàng giả ngập "chợ mạng", bủa vây người tiêu dùng

Thứ Ba, 08/08/2023, 07:55

Hàng giả, nhái ngày càng phức tạp trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT).Riêng trong năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) toàn quốc đã phát hiện, xử lý 439 vụ vi phạm, xử phạt hành chính gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 11,5 tỷ đồng. Còn 7 tháng đầu năm 2023, QLTT phát hiện, xử lý 424 vụ vi phạm, xử phạt trên 6,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 3,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, đây mới chỉ là bề nổi của "tảng băng chìm" vì hàng giả bán trên các trang TMĐT với số lượng rất lớn nhưng chưa thể xử lý triệt để. Vậy đâu là giải pháp căn cơ để ngăn chặn hàng giả trên TMĐT, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Bài 1:  "Ma trận" hàng giả trên thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đang mở ra cánh cửa rộng lớn cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT, mạng xã hội ngày càng nhiều, người tiêu dùng cũng rất khó để phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.

a.jpg -0
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại địa chỉ tầng 4, tòa nhà Time Coffee, số 117 Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội vào tháng 6/2023, phát hiện nhiều vi phạm.

Thật giả lẫn lộn

Giờ chỉ cần ngồi ở bất cứ đâu, với 1 điện thoại thông minh có kết nối mạng, người tiêu dùng có thể mua sắm đủ thứ trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tik Tok. Chỉ cần seach google về mặt hàng túi xách, chưa tới 0,47 giây đã cho kết quả khoảng 23.800.000 kết quả với đủ thể loại để người tiêu dùng lựa chọn. Người tiêu dùng có thể mua từ những sản phẩm làm đẹp (hoá mỹ phẩm, thực phẩm chức năng), tân dược, đông dược, thời trang, hàng gia dụng, thực phẩm, đủ loại, "mua gì cũng có" trên chợ mạng. Tại đây, khách hàng có thể thấy được nhiều loại thương hiệu, hàng hiệu quảng bá nhưng giá thành thì rất bình dân, thậm chí rất rẻ để thu hút người mua hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cho cả người bán, người mua và DN, thì tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn TMĐT, các trang mạng xã hội. Đây cũng là vấn đề nhức nhối ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, khiến cơ quan quản lý đau đầu, môi trường đầu tư kinh doanh bị nhiễu loạn, gây thất thu ngân sách... Điều đáng quan tâm là với cùng 1 sản phẩm nhưng với mỗi gian hàng, kênh TMĐT, giá cả lại chênh lệch khá lớn, ít thì vài trăm nghìn đồng, có mặt hàng giá trị cao chênh lệch lên đến tiền triệu. Bên cạnh đó, một số sàn TMĐT chưa chặt chẽ ở khâu kiểm soát, xác minh hàng hóa đã tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái "vào" sàn buôn bán.

Hàng thật - giả trên "chợ mạng" rất khó nhận biết, trong số đó, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán, hoá mỹ phẩm, TPCN giả trên mạng xã hội.

Như vụ việc đêm 23/2, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an kiểm tra đột xuất và thu giữ gần 5 tấn TPCN  có dấu hiệu giả mạo, đây là số lượng TPCN bị phát hiện lớn nhất từ đầu năm tới nay, trong đó có 1 tấn bao bì tem nhãn và hơn 2 tấn nguyên liệu thuốc, TPCN, tương đương hàng triệu viên dạng con nhộng. Toàn bộ hàng hóa đều không có hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Khai nhận ban đầu, đối tượng cho biết, đây là các loại thuốc về lợi tiểu, liên quan đến đường tiêu hóa. Các sản phẩm này sau khi được gia công, đóng gói sẽ được bán qua nền tảng xã hội Facebook tên Kiều Anh Nguyễn (Elly San), chuyên quảng cáo bán thuốc giảm cân từ Thái Lan. Các đối tượng này rất tinh vi, thường xuyên xóa dấu vết tại các địa điểm tập kết hàng và thay đổi nơi cất giấu.

Ngày 31/5/2023, Cục QLTT TP Hà Nội cùng Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra đột xuất một địa điểm tại thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, phát hiện gần 12.000 lọ/hộp TPCN giả mới "ra lò", đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chiêu thức đánh lừa người tiêu dùng

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 2 bị can trong vụ buôn bán hàng giả là thực phẩm trên mạng xã hội. Chia sẻ với PV Báo CAND về vụ việc này, Trung tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, đây là một trong 8 vụ việc điển hình của đơn vị thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2023. Để phát hiện, bắt giữ, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã xác lập chuyên án, điều tra hơn nửa năm mới phát hiện được đường đi, nước bước trên không gian mạng và thủ đoạn điều hành của đường dây này. Trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã phát hiện các đối tượng thường xuyên thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa tại địa bàn phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm.

Sau thời gian dài theo dõi, đến ngày 6/6/2023, Tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ đang làm nhiệm vụ tại khu vực cổng chào Khu đô thị Goldmark City, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm thì phát hiện 1 đối tượng điều khiển xe máy chở 1 thùng carton, trong đó có 30 hộp TPCN nhãn hiệu Lady, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, nghi là giả. Quá trình khai thác mở rộng điều tra, Tổ công tác đã phát hiện dấu hiệu vi phạm tại điểm kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ tầng 4, tòa nhà Time Coffee, số 117 Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với Công an huyện Hoài Đức, Đội QLTT số 24 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra tại địa điểm trên.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cửa hàng có 12 nhân viên đang thực hiện hoạt động kinh doanh đăng bài, chốt đơn và đóng gói hàng hóa. Các hoạt động kinh doanh được thực hiện trên mạng xã hội qua tài khoản: "Viên sủi Lady - chính hãng". Tổ công tác thu giữ khoảng 200 sản phẩm thực phẩm chức năng nhãn hiệu Lady vinci V3 Collagen. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty TNHH Supharmco khẳng định, số sản phẩm bảo vệ sức khỏe Lady nói trên không phải là sản phẩm của công ty. Công ty cũng không ủy quyền phân phối sản phẩm trên cho chủ số hàng đang được kiểm tra.

Trong vụ việc này, có 2 đối tượng chính là Lê Văn Hữu, chủ sở hữu của lô hàng và Trương Thị Thảo, quản lý kinh doanh hệ thống bán hàng online, thực hiện điều hành đường dây buôn bán hàng giả là TPCN trên không gian mạng. Hai đối tượng Hữu và Thảo khai đều biết đó là hàng giả. Các đối tượng mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm ngay tại khu chung cư, có cả một hệ thống kinh doanh online chuyên nghiệp, lập fanpage giới thiệu là sản phẩm chính hãng, cùng với đó bán hàng cả trên sàn TMĐT. Đặc biệt, đối tượng lấy tên Công ty là VGD Group (thực tế các đối tượng không có đăng ký kinh doanh).

"Điểm đặc biệt thu hút khách đến với trang fanpage này họ chỉ bán qua mạng, quảng cáo hàng chính hãng và là đại lý cấp 1 của hãng. Điểm nữa là giá thành rất rẻ như có sản phẩm chỉ bán 320 nghìn đồng/sản phẩm trong khi đó, sản phẩm cùng loại hàng thật là 750 nghìn đồng/sản phẩm", Trung tá Đoàn Văn Đông cho hay và cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ và bắt giữ 8 vụ án hình sự trong lĩnh vực kinh tế với 15 bị can, trong đó các loại tội phạm hoạt động giao dịch trên mạng xã hội và không gian mạng. Số lượng hàng hóa thu giữ là các mặt hàng TPCN, mỹ phẩm được các đối tượng lợi dụng triệt để mạng xã hội để bán cho khách hàng thông qua các đầu mối để đặt số lượng lớn trong quá trình giao dịch…

Trung tá Đoàn Văn Đông cho biết, trong đấu tranh với vi phạm trên các nền tảng số, môi trường mạng lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, bởi các đối tượng ngày một tinh vi hơn với những chiêu thức "đánh lừa" người tiêu dùng. Như vụ việc trên, chủ cửa hàng mở bán hàng từ năm 2021, công ty tự nghĩ tên, cũng không phải công ty chính danh, đối tượng còn mở chi nhánh ở Malaysia, Singapore để bán hàng, tạo dựng niềm tin với khách hàng. Chủ cửa hàng tổ chức bán hàng khép kín, mỗi một khâu có quản lý riêng biệt, thay đổi liên tục địa chỉ giao nhận hàng, nguồn hàng, người quản lý Fanpage, có người xuất kho riêng, quản lý nhập hàng, xuất hàng riêng biệt, thay đổi địa chỉ kho hàng và địa điểm kinh doanh liên tục… Do vậy, để phát hiện và bắt quả tang 1 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm để xử lý hình sự trên không gian mạng, lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian, công sức để đấu trí với các chủ hàng. Sản phẩm mỹ phẩm, TPCN được làm giả rất tinh vi, từ khâu đóng gói, nhãn mác, mã vạch, rất khó để nhận diện và chứng minh ngay được là hàng giả, mà cần phải đi giám định sơ bộ ban đầu để đánh giá về nhãn mác sản phẩm, có xâm phạm về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hoá… hay không.

Cùng với đó, tổ công tác phải xác minh thông tin công ty được các cơ quan chức năng cấp giấy phép chứng nhận, sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu. Các tài liệu được khai thác trên hệ thống máy móc, hệ thống máy điện thoại, laptop (dữ liệu điện tử) để làm căn cứ chứng minh và các tài liệu khác có liên quan để có căn cứ đánh giá về các hành vi của đối tượng vi phạm vào việc buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm thì mới đủ căn cứ để xử lý hình sự và khai thác triệt để các đường dây, ổ nhóm tội phạm hoạt động trên không gian mạng.

Lưu Hiệp
.
.
.