Dự án gần trăm triệu đô vẫn nằm trên giấy

Thứ Tư, 13/04/2016, 07:01
25 năm trước, tại khu đất có vị trí đắc địa ven biển Vũng Tàu được hứa hẹn một dự án du lịch tầm cỡ với khách sạn 3 sao, khu thể thao dưới nước, công viên giải trí, sân golf 27 lỗ… Thế nhưng hiện nay còn nhiều hạng mục của dự án thì vẫn nằm im trên giấy.


Đúng vào thời điểm chuẩn bị hết hạn đầu tư, công ty liên doanh là chủ dự án này đã làm đơn xin gia hạn thời gian hoạt động. Việc này dấy lên trong dư luận sự lo ngại như: Liệu khu đất vàng có tiếp tục bị lãng phí? Những lời hứa hẹn sẽ đi về đâu?

Năm 1991, Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise (trước có tên là Công ty liên doanh Vũng Tàu Fairyland) được thành lập bởi Công ty Dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Paradise Development and Investment của Đài Loan. Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư cấp giấy phép đầu tư ngày 23-4-1991. Hai bên hợp tác liên doanh để xây dựng và kinh doanh một khu văn hóa, thể thao và du lịch tại Vũng Tàu. 

Các hạng mục xây dựng và kinh doanh bao gồm: Khách sạn 1.500 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế 3 sao và các công trình dịch vụ kèm theo; khu thể thao dưới nước để bơi lặn, lướt ván, thuyền buồm, nhảy dù, câu cá…; một công viên giải trí gồm làng dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, vườn chơi trẻ em, vườn dinh mang phong cách châu Âu và múa nước; một sân golf 27 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty liên doanh được quyền sử dụng 220ha đất tại khu Hàng Dương, đường Thùy Vân, Bãi Sau, TP Vũng Tàu.

Tổng vốn đầu tư của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise (gọi tắt là Công ty liên doanh) là 97 triệu USD, vốn pháp định là 61,8 triệu USD. Bên Việt Nam góp 15,45 triệu USD bằng giá trị quyền sử dụng đất, bên nước ngoài góp 46,35 triệu USD bằng tiền mặt.

Một trong những hạng mục dang dở của dự án.

Sau khi được cấp giấy phép đầu tư, Công ty liên doanh đã triển khai đầu tư hạng mục đầu tiên của dự án là sân golf 27 lỗ với tổng diện tích 130ha, đưa vào hoạt động năm 1995. Bên cạnh đó, công ty này cũng đưa vào sử dụng khu nhà rông, làng dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà hát, vườn chơi trẻ em, vườn dinh và múa nước. Tuy nhiên, theo phản ánh của Công ty này, năm 2006 Khu công viên giải trí của dự án bị thiệt hại hoàn toàn cơ sở vật chất do cơn bão số 9. Sau đó khu này được sử dụng cho kinh doanh dịch vụ cắm trại, vườn ươm, cà phê…

Lý giải việc nhiều hạng mục dự án còn chậm trễ và chưa đảm bảo được tổng số vốn pháp định, Công ty liên doanh cho rằng, một trong những nguyên nhân là do Công ty Dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu chưa bàn giao cho Công ty liên doanh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản góp vốn. Đây là lý do khiến các cổ đông Công ty Paradise Develoment Investment trì hoãn giải ngân vốn đầu tư thực hiện dự án tại Công ty liên doanh.

Ngoài ra, cũng theo Công ty liên doanh, trong quá trình hoạt động, bên Việt Nam là Công ty CP Dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu thường xuyên phản đối các đề xuất, giải pháp kinh doanh của bên nước ngoài, không thống nhất chiến lược, kế hoạch hoạt động, kiên quyết không bàn giao quyền sử dụng đất đã góp vốn… có ý cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của liên doanh.

Suốt cả thời gian dài hơn 20 năm, Công ty liên doanh đầu tư, kinh doanh không được như những gì thể hiện trong giấy phép đầu tư. Việc đầu tư kinh doanh không hiệu quả dẫn đến lãng phí lợi thế cảnh quan, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư ở địa phương, gây thiệt hại cho Nhà nước khi không thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ tài chính.

Mới đây, Công ty liên doanh có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin gia hạn thời hạn hoạt động của Công ty thêm từ 25 đến 50 năm. Đồng thời đề nghị thu hồi quyền sử dụng đất của Công ty CP Dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu để giao lại cho Công ty liên doanh. Kèm theo đề nghị xin gia hạn là hàng loạt cam kết và hứa hẹn hấp dẫn.

Thực tế cho thấy, một dự án với nhiều hạng mục hấp dẫn đã bị vô hiệu, gây lãng phí lớn, người dân và cả Nhà nước không được hưởng lợi từ đây. Dù có viện dẫn bất cứ lý do gì để biện hộ cho dự án không thành công thì cũng khó có thể chấp nhận. Tính đến ngày 23-4 này là dự án hết hạn sau 25 năm được cấp giấy phép đầu tư. Đây là một bài học lớn trong hoạt động hợp tác đầu tư liên doanh cũng như trong công tác quản lý, cấp phép đầu tư liên doanh. 

Thiết nghĩ trước mắt, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần thu hồi toàn bộ diện tích đất sử dụng kém hiệu quả, sau đó phải cân nhắc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có tâm huyết với việc phát triển du lịch mang lại nguồn lợi cho người dân và địa phương, tránh để tình trạng lãng phí tài nguyên như trong suốt 25 năm qua.

Minh Phương
.
.
.