Đầu tư hơn 3,4 triệu USD xây dựng khu xử lý rác rồi “trùm mền”

Thứ Ba, 23/11/2021, 07:09

Với lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày hơn 600 tấn, việc xử lý rác tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đã quá tải. Trong khi, một khu xử lý rác sinh hoạt được đầu tư hơn 3,4 triệu USD tại địa phương này lại “trùm mền” trong gần 4 năm nay. Vì sao có tình trạng này?

Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 2 bãi chôn lấp xử lý chất thải rắn ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) và xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) được đánh giá có quy mô, hợp vệ sinh. Còn một số huyện, thị như: Hương Trà, Phong Điền đều đã có bãi chôn lấp chất thải rắn (CTR) tuy được thiết kế hợp vệ sinh, nhưng công tác vận hành chưa đảm bảo môi trường. Ngoài ra còn nhiều bãi rác hở, quy mô nhỏ, tự phát song gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống củangười dân.

Thực tế cho thấy, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều đã gây ra các vụ việc “nóng” liên quan vấn đề xử lý rác, tình trạng ô nhiễm… tại các nhà máy xử lý rác tại Thừa Thiên-Huế trong những năm gần đây. Điển hình như, năm 2012, nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy, ở thôn Nam Phước (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) với kinh phí đầu tư hơn 3,4 triệu USD đi vào hoạt động thu gom và xử lý rác của 18 xã, thị trấn của huyện Phú Lộc với công suất hơn 130 tấn rác/ngày. Nhà máy có thời gian hoạt động 20 năm, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào vận hành, người dân địa phương đã “kêu trời” vì mùi hôi hám, nguy cơ bệnh tật, không thể sản xuất nông nghiệp do đất đai, nguồn nước ô nhiễm…

1.jpg -0
Bãi rác Lộc Thủy buộc phải đóng cửa do gây ô nhiễm.

Đỉnh điểm, tháng 2/2017, người dân thôn Nam Phước đã nhiều lần ngăn cản không cho xe chở rác vào bãi. Thời điểm đó, lãnh đạo UBND tỉnh, UBND huyện và đại diện các ban, ngành liên tục tổ chức các cuộc đối thoại với người dân. Việc người dân kéo nhau tập trung ngăn cản xe chở rác vào nhà máy là sai, gây ảnh hưởng đến ANTT địa phương trong thời gian dài. Tuy nhiên, với lý do mà người dân đưa ra là bãi rác này nhập thêm một lượng rác lớn từ các huyện lân cận, khiến rác dồn đống theo thời gian gây ô nhiễm ngày một trầm trọng nên được nhiều người thông cảm. Nhiều người dân phản ánh, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, nước từ các bãi rác chảy ra môi trường tự nhiên gây ô nhiễm nghiêm trọng khiến gia súc, gia cầm chết… Trước tình hình đó, phía nhà máy đãdừng hoạt động, ngưng tiếp nhận, chôn lấp rác.

Đáng nói, sau khi khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy bất đắc dĩ phải đóng cửa do dân phản đối, chặn xe chở rác vào nhà máy, vào tháng 11/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư xây lắp hệ thống lò đốt rác công suất dự kiến 1 tấn/giờ (24 tấn/ngày), thời hạn thực hiện 2 năm, để thay thế việc xử lý rác bằng chôn lấp cũng tại khu nhà máy cũ. Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, hệ thống lò đốt này về mặt kỹ thuật, lò đốt tuân thủ Quy chuẩn QCVN61, khí thải ra môi trường đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam; đặc biệt loại bỏ khí độc dioxin và furan.

Việc xây dựng hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt tại Lộc Thủy được nghiên cứu, đưa vào quy hoạch trên cơ sở những phân tích khoa học về nhiều vấn đề như đặc điểm môi trường, phương án thu gom, phương án tài chính khi đầu tư, vận hành… để đảm bảo tính khả thi, làm cơ sở triển khai. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 3 năm, công trình này chỉ tồn tại trên… giấy(!).

Có mặt tại khu xử lý chất thải rắn xã Lộc Thủy vào cuối tháng 11/2021, cơ sở vật chất xuống cấp, hoang tàn, cây dại mọc tràn lan bao phủ kín cả vùng dự án “triệu đô”. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, sau phản ứng của người dân từ hơn 4 năm trước, nhiều hộ gia đình sinh sống cách nhà máy rác 300m đã được di dời. Nhưng hiện nhà máy xử lý rác Lộc Thủy vẫn tiếp tục đóng cửa, không hoạt động.

Mới đây, các ban, ngành và phía nhà máy có về khảo sát, lấy ý kiến của người dân để thực hiện đánh giá lại tác động môi trường, song khoảng 80 hộ dân ở ngoài phạm vi 300m của nhà máy yêu cầu, kiến nghị di dời đến nơi khác. Hầu hết các hộ dân cho rằng, dù sống ngoài phạm vi 300m nhưng họ vẫn chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ nhà máy rác Lộc Thủy.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, nhà máy rác “triệu đô” xã Lộc Thủy đã “trùm mền” gần 4 năm gây lãng phí tiền của nhà nước. Trong khi đó, lượng rác thải sinh hoạt tại Thừa Thiên-Huế cần xử lý hiện rất lớn, gần 600 tấn mỗi ngày nên việc nhà máy rác Lộc Thủy bỏ hoang khiến dư luận bức xúc.

Liên quan đến việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, các cơ sở xử lý rác thải ở phường Thủy Phương và xã Phú Sơn cũng rơi vào tình trạng quá tải, hoặc chưa hoàn thiện xây dựng. Đơn cử như dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt khu vực TP Huế và vùng phụ cận (nằm ở xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy) được phê duyệt từ năm 2016, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019.

Dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế làm chủ đầu tư với số vốn 46 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 4 năm thi công thì đến nay dự án vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.

H.L

Hải Lan
.
.
.