Sai phạm trong quản lý đất đai và xây dựng ở Thạch Thất, Hà Nội

Chung cư mini không phép “mọc” quanh Đại học Quốc gia Hà Nội (bài 2)

Thứ Tư, 30/11/2022, 07:25

Nằm trong đất hành lang cây xanh, thế nhưng hàng loạt công trình như: khách sạn, văn phòng, căn hộ cao cấp, khu chung cư mini (từ 5 đến 7 tầng)… bám quanh Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học QGHN) được nhiều hộ dân tại một số thôn của xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội xây dựng trái phép, tràn lan trước sự “bất lực” của chính quyền và cơ quan quản lý.

Những công trình có nhiều cái… không!

“Ăn theo” kế hoạch đưa sinh viên của Đại học QGHN lên Hoà Lạc và Khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc, nhằm đáp ứng chỗ ở cho công nhân và sinh viên, nhiều người dân sống xung quanh Đại học QGHN xây dựng khách sạn, văn phòng, căn hộ cao cấp, khu chung cư mini với mục đích kinh doanh thương mại.

Có mặt tại nhiều thôn (từ thôn 1 đến thôn 6) của xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, người dân sống quanh khu vực cho biết, chính họ cũng không khỏi bất ngờ sự “thay da, đổi thịt” về tốc độ xây dựng các công trình nhà ở cực khủng nơi đây. Dạo quanh các khu dân cư ôm trọn Đại học QGHN tại Hoà Lạc có thể thấy, hàng loạt công trình đã và đang được xây dựng mới hay đang trong giai đoạn hoàn thiện. Các công trình khủng không phép này được “mọc” lên không chỉ là những nhà cao tầng, chung cư cao cấp mà nhiều khu chung cư mini có diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, tại đây, nhiều công trình đã hoàn thiện và lắp biển bảng mới, từ cho thuê phòng trọ cho tới chung cư mini cao cấp, hầu hết các khu nhà đều có kiến trúc kiểu chung cư mini có chiều cao trung bình từ 5 đến 7 tầng ôm quanh Đại học QGHN. Đa phần, các khu chung cư mini kiểu này phục vụ mục đích cho sinh viên thuê trọ đều chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép và nằm trong phần diện tích đã được quy hoạch hành lang cây xanh đại lộ Thăng Long và quốc lộ 21A. Đặc biệt, những công trình thuộc diện phải được thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng đều không có vì xây dựng không phép chiếm tỷ lệ cao.

Chung cư mini không phép “mọc” quanh Đại học Quốc gia Hà Nội (bài 2) -0
Những khu nhà trọ, chung cư mini xây dựng không phép ở xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất có quy mô hàng trăm phòng như các khu chung cư thương mại.

Ông Kiều Văn Phương (xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất) cho biết, hàng loạt công trình đồ sộ và các khu chung cư mini tại đây được người dân xây dựng trong diện tích hơn 101ha đất đã được UBND TP Hà Nội thu hồi tại xã Thạch Hòa (nằm ngoài Đại học QGHN) và giao cho huyện Thạch Thất. Hầu hết các côngtrình ở đây được xây dựng không phép nhưng rất rầm rộ. Nhất là trước thời điểm gần 1 năm khi hay tin Đại học QGHN chuyển địa điểm làm việc lên Khu đô thị Hoà Lạc và một số trường thuộc Đại học QGHN đưa sinh viên về đây học tập từ tháng 5/2022.

Ông Nguyễn Văn Hùng (cùng ở xã Thạch Hoà) khẳng định, đất các hộ dân xây dựng chung cư cao cấp, nhà liền kề hay chung cư mini… làm gì có phép. Ở đây xây dựng không cần phép. Tuy nhiên, những công trình như từ 5 đến 7 tầng trở lên với mục đích kinh doanh thương mại theo quy định thì dù có phép hay không đều phải được thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC mới đủ điều kiện hoạt động. Nhưng gần như đều không có. Chẳng lẽ, sự hiện hữu của những công trình này trước chính quyền và cơ quan chức năng không hiểu vì sao vẫn để cho tồn tại?

“Ở đây chúng tôi vẫn nói với nhau, có lẽ nhiều căn hộ cao cấp, khu chung cư mini được xây dựng kiên cố trên phần diện tích đất rất lớn cả mấy nghìn mét vuông và cao từ 5 đến 7 tầng với quy mô lên tới cả 300 phòng được chủ đầu tư xây dựng có rất nhiều cái không (không phép, không được thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC và không bị chính quyền làm khó khi xây dựng…)”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết, ngày 6/8/2013, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4672/QĐUBND về việc thu hồi hơn 1.010.799m2 đất tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất do Đại học QGHN đang quản lý (nằm ngoài quy hoạch Đại học QGHN) và giao cho huyện Thạch Thất quản lý. Quyết định này cũng nêu rõ: Giao diện tích đất thu hồi cho UBND huyện Thạch Thất quản lý nguyên trạng, chống lấn chiếm để quy hoạch thành khu cây xanh gắn với khuôn viên Đại học QGHN theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 11/04/2012 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 3994/UBNDTNMT ngày 28/05/2012. Năm 2014, việc bàn giao 101ha đất đã được thực hiện theo như Quyết định 4672/QĐ-UBND. Thực tế khu đất 101ha thuộc xã Thạch Hòa quản lý gồm 2 khu vực chính; khu phía Tây Quốc lộ 21A (đoạn từ nút giao thông Láng Hòa Lạc đi Sơn Tây) có diện tích 659.520,9m2; khu phía Bắc đường Láng Hòa Lạc, kéo dài (đoạn từ nút giao thông Hoà Lạc đến Kho xăng dầu Bộ Tư lệnh Pháo binh) có diện tích 254.467,4m2 và 3 khu vực nhỏ khác gồm: Khu vực Nông trường 1A; khu Đồi Xẻ khu vực Ao Cạn giáp thôn Miễu (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất) có tổng diện tích 96.810,7m2. Khu đất này thuộc phạm vi địa giới hành chính các thôn 6,7,8,9 và 10 của xã Thạch Hoà.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với phóng viên Báo CAND vào ngày 14/11, ông Nguyễn Bá Khải, Chủ tịch UBND xã Thạch Hoà cho biết, việc người dân xây dựng các công trình theo như thông tin phản ánh là họ “xây dựng trên đất của họ”. Tiền thân khu vực người dân xây dựng các công trình chung cư mini hay căn hộ cao cấp nằm trong phần đất của Nông trường 1A giao cho công nhân của nông trường này cách đây đã hơn 30 năm.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Khải, những hộ dân xây dựng những công trình nói trên không phải xây trên đất dự án mà thuộc đất nằm trong quy hoạch hành lang cây xanh đại lộ Thăng Long, quốc lộ 21A (ngoài quy hoạch của Đại học QGHN) trên xã Thạch Hoà. Liên quan đến việc vi phạm trật tự xây dựng, năm 2020 báo chí cũng đã từng phản ánh, UBND thành phố đã lập đoàn kiểm tra và ngày 18/9/2020, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 398/TB-VP nội dung kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thạch Thất để giải quyết một số nội dung tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Thạch Thất. Thành phố cũng đã có chủ trương đồng ý giao cho huyện rà soát để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ dân đủ điều kiện. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Trả lời phóng viên về nội dung liên quan đến hàng loạt công trình được xây dựng một cách tràn lan trên địa bàn xã, ông Nguyễn Bá Khải cho rằng: “Việc này xã và huyện cũng đã có báo cáo thành phố, trong báo cáo giải trình thì họ xây dựng trong đất của họ. Đất này của huyện quản lý chứ không nằm trong quy hoạch. Những công trình xây dựng trên địa bàn xã thuộc khu vực nông thôn không cần xin phép. Việc các công trình này xây dựng như vậy tôi không nói là không sai. Mong cơ quan báo chí chia sẻ với địa phương”. Tuy nhiên, câu trả lời trên có sự đánh tráo khái niệm về quy định cấp giấy phép xây dựng. Bởi dù đất các hộ dân nói trên xây dựng những công trình “khủng” thuộc khu vực nông thôn nhưng lại nằm vào đất hành lang cây xanh, chưa được cấp GCNQSDĐ, nếu đối chiếu theo khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 quy định về cấp giấy phép xây dựng thì tất cả những công trình này có đủ điều kiện?

Một điều khá hài hước là, hàng loạt công trình như: căn hộ cao cấp, khách sạn, những khu chung cư mini… được xây dựng ở nhiều thôn của xã Thạch Hoà có tiền thân thuộc đất Nông trường 1A dù chưa được cấp GCNQSDĐ nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại. Trong khi đó, hiện tại khu vực này, nhiều hộ gia đình nguyên là công nhân của Nông trường 1A từ những năm 1980-1990 được nông trường giao đất để ở và canh tác xây dựng nhà ở từ đó đến nay, nhà hư hỏng, xuống cấp, tường nứt, mái bị xô lệch… thì lại không được cải tạo sửa chữa.

Liên quan đến công tác PCCC, ngày 17/11, phóng viên Báo CAND đã cùng tổ công tác Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Thạch Thất tiến hành kiểm tra công tác PCCC một số khu nhà trọ, chung cư mini cho thuê trên địa bàn xã Thạch Hoà cho thấy, công tác PCCC tại đây tất cả đều có vi phạm. Thiếu tá Vũ Ngọc Tân, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Thạch Thất cho biết, qua kiểm tra rà soát công tác PCCC đối với các cơ sở kinh doanh nhà trọ trên địa bàn xã Thạch Hoà, đơn vị ghi nhận có 171 cơ sở kinh doanh nhà trọ. Trong đó có 107 cơ sở thuộc diện cơ quan Công an quản lý, còn 64 cơ sở thuộc diện UBND xã quản lý.

“Đối với các cơ sở kinh doanh nhà trọ thuộc thẩm quyền cơ quan Công an quản lý về PCCC (là những công trình có chiều cao xây dựng từ 5 tầng trở lên, hoặc có diện tích từ 1.000m2 trở lên) bắt buộc phải được thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện không đủ điều kiện, cơ quan Công an sẽ lập biên bản đình chỉ, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục trong thời hạn 1 tháng. Nếu không khắc phục được sẽ kiến nghị và tham mưu cho cơ quan chức năng rút giấy phép hoạt động. Hầu hết các cơ sở tại đây đều vi phạm về quy định PCCC”, Thiếu tá Vũ Ngọc Tân cho biết. Có thể thấy, cũng cùng là người dân sống trên khu đất thuộc hành lang cây xanh, cùng là đất Nông trường 1A giao cho làm nhà ở và canh tác nhưng chỉ có những nhà đầu cơ bất động sản, hay người có “điều kiện” thì mới ngang nhiên sở hữu những công trình khủng không phép. Những công trình được “mọc” lên với nhiều sai phạm, tạo ra sự hỗn loạn về trật tự xây dựng.

Trách nhiệm này thuộc về ai vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Quang Trường
.
.
.