Sai phạm trong quản lý đất đai và xây dựng ở Thạch Thất, Hà Nội:

Phá rừng làm “biệt phủ” ở Thung Mây (bài 1)

Thứ Ba, 29/11/2022, 07:50

Thời gian gần đây rộ lên hiện tượng nhiều người săn lùng đất rừng để xây dựng “biệt phủ”, khu sinh thái, kinh doanh homestay… quanh địa bàn ngoại thành Hà Nội. Xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội là một điển hình.

LTS: Việc bạt rừng, hạ cốt xây dựng “biệt phủ”, khu sinh thái, kinh doanh homestay hay xây dựng chung cư mini cho thuê và dựng nhà xưởng trái phép với quy mô lớn trên đất nông nghiệp… đang diễn ra một cách tràn lan tại địa nhiều xã thuộc huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Điều đáng nói, nhiều công trình “khủng” không phép được xây dựng không phải ngày một ngày hai và không phải chính quyền và cơ quan chức năng không biết! Vậy trước những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng đang diễn ra tại đây, câu hỏi đặt ra, trách nhiệm này thuộc về ai?

Từ kế hoạch đón đầu dự án…

Cách điểm cuối Đại lộ Thăng Long chưa đầy chục cây số, nhiều khu đất nằm sát mặt đường Bãi Dài hay khu Thung Mây thuộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất được giới đầu cơ bất động sản hay nhiều đại gia đầu tư, “đi tắt đón đầu”, đón lõng dự án đường nối Đại lộ Thăng Long với cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình. Đây là dự án có chiều dài 6,7km, điểm đầu là nút giao cao tốc Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 21, điểm cuối tại Km6+700 đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình. Cách đây vài năm, giá đất tại đây được mua, bán chỉ từ vài trăm nghìn đến hơn triệu đồng/m2 thì nay có giá từ 5-6 triệu đồng, thậm chí chỗ đẹp còn cao hơn nhưng cũng không còn.

Phá rừng làm “biệt phủ” ở Thung Mây (bài 1) -0
Công trình khủng của ông C.V.A. cũng được chính quyền xác nhận là xây dựng vượt quá quy định so với diện tích đất ở và việc bạt rừng, hạ cốt không xin phép chính quyền, cơ quan chức năng là sai.

Trong vai một người đang tìm đất đầu tư ở khu Thung Mây, phóng viên Báo CAND được ông Nguyễn Văn H (ở thôn 7, xã Tiến Xuân) cho biết, đất ở Thung Mây hiện giờ người ta đã mua hết rồi. Chỉ còn đất phía ngoài giáp đường Bãi Dài (đường nối từ ngã tư Miễu hướng đi trung tâm xã Tiến Xuân - PV). Hiện chỗ này cũng chỉ còn 2-3 mảnh, mảnh nhỏ khoảng 1.000 m2, còn mảnh lớn khoảng 1ha (10.000 m2). Giá đất ở đây hiện được giao bán từ 5-6 triệu đồng/m2. Người ta thường bán cả mảnh chứ không chia nhỏ bán.

Tiếp tục trong vai người đang tìm mua đất quanh khu vực xã Tiến Xuân, phóng viên tiếp cận được “cò đất” tên Đặng Thị L (ở xã Tiến Xuân). Bà L giới thiệu mình là một “cò đất” tự do (không có công ty hay văn phòng cố định - PV) và nhiệt tình “quảng cáo” về tình trạng đất ở khu vực này hiện đang rất thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, đất trong khu Thung Mây mà phóng viên đề cập muốn tìm mua được bà L cho biết, “người ta mua hết rồi”. Giờ chỉ còn đất nằm ở vị trí gần giáp mặt đường Bãi Dài ăn theo dự án Xanh Villas. Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra một khoản tiền đặt cọc vào một mảnh đất nào đó thuộc khu vực này, ít bữa sau đã có thể bán được với giá cao hơn khá nhiều so với giá trị ban đầu.

Chỉ tay ra mảnh đất đang được xây quây gạch chia ô (cách mặt đường Bãi Dài một lô đất), bà L nói: “Đấy! Như chỗ này, khách mới đặt mua có hơn trăm triệu, sau khi san gạt, xây gạch ngăn ô đã sang tay cho khách với giá gấp gần chục lần. Đây là khu đất nằm ở vị trí băng 2 và nằm sát theo dự án Xanh Villas nên rất có giá trị. Em còn mảnh nữa cách đó vài trăm mét, các anh muốn thì anh, em mình có thể ngồi lại với nhau để thương lượng”.

Khi phóng viên “đánh trống lảng” bằng cách chỉ muốn mua đất rừng và mua với diện tích lớn thì “cò đất” Đặng Thị L cho biết, đất ở quanh khu vực này hết rồi. “Nếu các anh muốn đầu tư theo hình thức đấy (ở khu Thung Mây - PV) thì chỉ còn khu vực Suối Ngọc Vua Bà, cũng thuộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất”.

…Đến hoạt động phá rừng làm “biệt phủ”!

Cũng trong câu chuyện, bà L khẳng định: “Các anh tin em đi. Nếu không đầu tư nhanh thì đất cũng chẳng còn. Thời gian gần đây, các đại gia và các nhà đầu cơ bất động sản săn tìm nhiều lắm. Như khu Thung Mây đất rộng như thế cũng đã có chủ hết cả rồi. Sau khi mua họ xây dựng biệt thự, nhà nghỉ dưỡng, kinh doanh homestay…. Cuối tuần không có phòng để cho thuê. Mà trong khu Thung Mây toàn của các bác “lớn” mới làm được như vậy”.

Nhân câu chuyện, phóng viên hỏi về mảnh đất nằm ở thôn 7, nhìn từ phía đường Bãi Dài vào đang được bạt rừng, hạ cốt xây dựng giống như ngôi chùa và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Bà L như nắm lấy cơ hội thể hiện: “Các anh nhầm rồi. Đấy là nhà của tư nhân đấy! Bác ấy ở ngoài huyện Thạch Thất. Em cũng biết bác ấy. Không phải xây có một cái như vậy đâu. Nghe nói bác ấy dự kiến xây 9 ngôi nhà như thế. Bác ấy cũng có quan hệ lớn nên mới làm được như vậy”.

Theo “cò đất” Đặng Thị L, hiện chủ nhân chỗ này đã xây dựng được 2 căn nhà. Một ngôi nhà chính có diện tích hàng trăm mét vuông và 1 nhà bếp có diện tích cũng khoảng hơn trăm m2. Vào thời điểm phóng viên có mặt tìm hiểu vụ việc cho thấy, chủ sở hữu mảnh đất này vẫn đang tiếp tục đưa máy móc vào bạt rừng, hạ cốt, có lẽ tiếp tục thi công tiếp những công trình còn lại theo như lời “cò đất”.

Khi phóng viên tỏ ý định muốn đầu tư mua đất ở đây nhưng lo không có mối quan hệ để dựng được những công trình “khủng” như vậy, bà L khẳng định, việc đấy đâu có gì khó khăn. “Các anh cứ mua, chỉ cần mua mảnh nào có vài trăm mét đất ở rồi bám vào đó xây dựng nhà dễ không ý mà. Nếu có nhu cầu thêm đất ở thì hàng năm đăng ký với chính quyền xã để hợp thức. Đa số những người mua đất ở đây đều có quan hệ, họ chịu chi là được. Nếu các anh cần thì em tìm cho mảnh nào ưng ý, sau đó em đứng ra làm thủ tục giúp. Không khó như các anh nghĩ đâu!”, bà L nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong khu Thung Mây hầu hết là đất rừng sản xuất được các “đại gia” đầu tư vào đây từ nhiều năm trước. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), mỗi mảnh đều có từ 100 đến 300 m2 đất ở. Tuy nhiên, các công trình ở khu vực này được xây dựng rất hoành tráng, có dấu hiệu vượt diện tích đất ở ghi trong các GCNQSDĐ.

Tại thời điểm phóng viên tác nghiệp, nằm trong khu Thung Mây hiện đang có những hộ bạt rừng, hạ cốt để thi công những công trình rất rầm rộ, có diện tích mặt bằng lên tới vài trăm, thậm chí cả nghìn mét vuông.

Theo thông tin từ đại diện chính quyền xã Tiến Xuân xác nhận, những công trình này là của ông T.T.G (phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) và ông C.V.A. (thường trú tại thôn Vĩnh Lộc 2, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Phá rừng làm “biệt phủ” ở Thung Mây (bài 1) -0
Hoạt động bạt rừng, hạ cốt để xây dựng “biệt phủ” tại thôn 7, xã Tiến Xuân được chính quyền địa phương xác nhận là có thật.

Trách nhiệm chính quyền ở đâu?

Tại buổi làm việc với phóng viên liên quan đến tình trạng xây dựng tràn lan các công trình trên đất rừng của nhiều hộ dân tại khu Thung Mây và lân cận, ông Quách Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết, nguồn gốc đất khu Thung Mây trước khi chưa sáp nhập về Hà Nội thuộc đất rừng sản xuất. Từ năm 1998 đến đầu những năm 2000, nhiều người trong nội thành Hà Nội nhận chuyển nhượng và làm thủ tục chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang đất ở và đất trồng cây lâu năm rồi người nọ tiếp tục chuyển nhượng cho người kia.

“Hiện khu Thung Mây có khoảng hơn chục hộ. Diện tích xây dựng các công trình của các hộ tại đây nằm trong đất ở. Tuy nhiên, qua thực tế công tác quản lý của địa phương thì có nhiều hộ xây dựng vượt quá diện tích đất ở”, ông Quách Đình Thắng nói.

Đối với những công trình phóng viên phản ánh, ông Quách Đình Thắng cho biết, công trình mà hộ gia đình đang bạt rừng, hạ cốt xây dựng là của ông T.T.G.. Trước đó, chính quyền đi kiểm tra vào khoảng tháng 2-3 thì họ nói là làm đường chứ không phải hạ cốt để xây dựng công trình, tổ công tác cũng không lập biên bản. Việc hộ gia đình này tự ý bạt rừng, hạ cốt để xây dựng nhà ở không xin phép chính quyền và cơ quan chức năng là sai. Chỗ này là đất rừng trồng cây lâu năm.

Theo GCNQSDĐ ký hiệu 681242 do UBND huyện Thạch Thất cấp cho ông T.T.G. vào ngày 15/11/2021, trong đó ghi rõ: Thửa đất số 67, tờ bản đồ số 39, là tài sản riêng của ông T.T.G.. Mảnh đất này có diện tích 10.000 m2 đất tại thôn 7, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Điều đáng nói, theo nội dung ghi trong GCNQSDĐ cấp cho ông T.T.G. không thể hiện có đất nhà ở. Vậy vì sao ông G. lại có thể phá rừng, hạ cốt làm đường và thi công xây dựng một công trình đồ sộ vắt ngang rừng như vậy?

Đối với công trình đang thi công giống như những ngôi chùa tại thôn Gò Mè (nay là thôn 7), xã Tiến Xuân, ông Quách Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân xác nhận, đấy là đất của ông C.V.A.. Theo GCNQSDĐ, ông C.V.A. là người sở hữu mảnh đất có diện tích 15.063 m2 tại thôn thôn 7, xã Tiến Xuân, trong đó ghi rõ, đất ở 300 m2.  Thế nhưng thực tế, những công trình được ông A. đã và đang thi công và theo đại diện chính quyền xã khẳng định đều vượt quá diện tích đất ở.

Có thể thấy, việc người dân mua đất xây dựng các công trình vượt quá diện tích đất ở cho phép, thậm chí phá rừng, san bạt, hạ cốt để xây dựng “biệt phủ” nhưng khi chính quyền kiểm tra, phát hiện lại không hề có động thái xử lý nào. Những sai phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng diễn ra “như cơm bữa” tại nơi đây phải chăng có sự làm ngơ của chính quyền và cơ quan chức năng? Trách nhiệm này thuộc về ai? Câu trả lời sẽ được phóng viên tiếp tục làm rõ với thông tin từ những người có trách nhiệm phát ngôn, xướng tên những nhân vật liên quan. “Những công trình như thế đều là của các “bác lớn”, trong đó có cả tên một Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới nghỉ hưu”, đại diện chính quyền xã thông tin. (Còn tiếp)

Quang Trường
.
.
.