Cao tốc Bắc – Nam: Vẫn vướng giải phóng mặt bằng và huy động vốn

Thứ Năm, 14/10/2021, 09:34

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Điều đáng chú ý, đến nay dù dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng tới 642,4km (đạt 98%) song còn nhiều đoạn vẫn bị vướng. Đồng thời, còn tới 3 dự án khó huy động vốn tín dụng.

Theo Bộ GTVT, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án thành phần bắt đầu thực hiện từ tháng 6 năm 2019. Tính đến thời điểm đầu tháng 9 năm 2021, đã hoàn thành GPMB và bàn giao 642,4 km/652,86 km (đạt khoảng 98,4%) với tổng diện tích đã thu hồi là 4.906,57 ha/tổng số 4.990,64 ha cần giải toả; số hộ đã nhận tiền đền bù là 28.673 hộ/29.183 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, cả 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công đều đã khởi công xây dựng, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2. Sản lượng thi công của 8 dự án đã đạt hơn 8.933 tỷ đồng, đạt khoảng 25,1% tổng giá trị hợp đồng.

3.jpg -0
Đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó tiến độ cao tốc Bắc - Nam.

Đối với 3 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đến tháng 7/2021, cả 3 dự án đã được Bộ GTVT hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án của 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP đang đàm phán với các ngân hàng đã cam kết cho vay vốn để thu xếp tài chính. Tuy nhiên, việc huy động vốn vay gặp khó khăn khi ngân hàng đề nghị được áp dụng điều khoản chia sẻ doanh thu theo quy định tại Điều 82 của Luật PPP.

Thông tin thêm về những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, công tác giải phóng mặt bằng dự án vẫn đang còn vướng mắc gần 11km chưa được giao (chiếm khoảng 1,6% tổng chiều dài các dự án). Các tồn tại, vướng mắc chủ yếu do chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư. Bên cạnh đó, một số dự án vướng mắc cục bộ do khiếu kiện, tranh chấp, người dân khiếu nại về đơn giá, chính sách bồi thường…

Để đảm bảo việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo đúng yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện dự án; chỉ đạo các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội có ý kiến với đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chính sách đền bù, hỗ trợ thu hồi đất để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Giải quyết các khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu (đất, cát, đá) đáp ứng khối lượng, tiến độ thi công các dự án cũng như có giải pháp bình ổn giá, tránh đầu cơ nâng giá; ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, người lao động và tạo thuận lợi trong việc vận chuyển nguyên, vật liệu, máy móc, thiết bị, nhân lực phục vụ thi công các dự án. Từ đây, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, các địa phương rà soát tiến độ công tác GPMB và triển khai 6 dự án thành phần: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo để điều chỉnh thời gian xây dựng cho phù hợp, sớm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ các dự án, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

P.Huyền
.
.
.