Dự án cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ vì giá vật liệu tăng chóng mặt

Thứ Ba, 01/06/2021, 08:59
Hầu hết các loại vật liệu cơ bản đều tăng giá mạnh, đặc biệt là giá thép tăng từng ngày khiến các nhà thầu xây lắp như ngồi trên lửa, đặc biệt các dự án hạ tầng giao thông ký trọn gói.

Từ đầu năm đến nay, giá thép tăng từng ngày khiến các nhà thầu như ngồi trên lửa. Cùng với đó, lượng thép không đủ để cung ứng. Ở nhiều gói thầu, lượng thép chỉ cung cấp được 50 - 60% khối lượng so với nhu cầu, mặc dù các nhà thầu đã đặt tiền trước cả tháng. 

Tình trạng giá thép tăng cao và rất khó mua xảy ra ở 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, khiến các nhà thầu thi công hạng mục cầu vượt sông đứng trước nguy cơ chậm tiến độ và lỗ nặng.

Đại diện Công ty Xây dựng Vạn Cường (đơn vị thi công Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) - ông Trần Quang Tuyến - cho biết, tại thời điểm bỏ thầu (tháng 10/2020), giá thép xây dựng được chủ đầu tư cập nhật trong dự toán chỉ khoảng 11.000 - 12.000 đồng/kg. 

Do sự cạnh tranh trong quá trình đấu thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam rất lớn, nên các nhà thầu chỉ bỏ giá thép quanh mức giá này, dẫn đến việc giá thắng thầu và giá thực tế phải mua vào có khoảng cách lớn. 

Cùng với đó, vấn đề đất đắp nền cũng đang là nỗi đau đầu của các nhà thầu. Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng khối lượng vật liệu dự kiến khoảng 8,2 triệu mét khối, trong đó đoạn đi qua Thanh Hóa có nhu cầu khoảng 5,9 triệu mét khối đất đắp nền, 1,8 triệu mét khối đá và 1,7 triệu mét khối cát. 

Kết quả điều tra, khảo sát và danh sách nguồn cung cấp vật liệu đã được tỉnh Thanh Hóa thỏa thuận, thống nhất cơ bản đáp ứng nhu cầu. 

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 3 dự án cao tốc đi qua (gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu), khi các dự án đồng loạt triển khai, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh là rất lớn và phụ thuộc vào công suất khai thác của các mỏ. 

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, nhiều mỏ dù nằm trong quy hoạch nhưng đến nay vẫn bị treo do chưa được cấp phép, trong khi các mỏ đang khai thác trữ lượng ít, công suất nhỏ, khiến nguồn cung thiếu trầm trọng, dẫn đến khó khăn cho nhà thầu thi công về vật liệu đất đắp và ảnh hưởng tới tiến độ. 

Các nhà thầu muốn đẩy nhanh tiến độ thi công cũng rất khó khi các mỏ đất được địa phương cấp phép do tư nhân quản lý đang đẩy giá vật liệu lên cao gấp 2-3 lần so với giá khảo sát ban đầu.

Nhiều nhà thầu thực hiện cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông lo chậm tiến độ. Ảnh minh hoạ.

Cùng chung tình trạng trên, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết do Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) quản lý được khởi công ngày 30/9/2020 với tổng mức đầu tư khoảng 10.853,800 tỉ đồng, có chiều dài 100,8km, đi qua địa phận 4 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam của tỉnh Bình Thuận. 

Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành cuối năm 2022 nhưng do giá vật liệu tăng chóng mặt như hiện nay khiến các nhà thầu không thể xoay xở và dự án khó có thể về đích đúng kế hoạch. 

Bên cạnh đó, chỉ số giá xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố vừa chậm, vừa không phản ánh chính xác biến động giá của từng loại vật liệu, đặc biệt, thép và xi măng thường có biên độ biến động lớn khiến một số gói đang chuẩn bị đấu thầu nhưng doanh nghiệp cũng không dám tham gia, bởi tất cả các dự toán theo đơn giá của Nhà nước, đơn giá báo giá của địa phương, trong khi đó hiện mới có báo giá quý I/2021 (khi đó giá thép rất thấp). 

Do đó, doanh nghiệp không dám tham gia và nếu gói nào đã tham gia rồi có nguy cơ lỗ lớn vì thông báo giá luôn không theo kịp giá thị trường. Hiện giá thép tăng từng ngày 18.000 - 19.000 đồng/kg so với trước kia chỉ 12.000 - 13.000 đồng/kg. 

Theo ông  Nguyễn Minh Khiêm-Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty 319, là doanh nghiệp Nhà nước, đã ký hợp đồng là phải làm nhưng với giá vật liệu tăng chóng mặt như hiện nay biết chắc làm là lỗ. Tiếp đến, nhiều địa phương cũng chưa cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ đất và nơi đổ thải và yêu cầu phải trả tiền cho việc đổ thải nên rất khó khăn.

Trước đó, vào 27/5, Bộ GTVT đã  yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chấn chỉnh nhà thầu vi phạm tiến độ và tăng cường kiểm soát chất lượng, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn. 

Đối với các nhà thầu vi phạm lần 3, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xử lý điều chuyển khối lượng của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên tại gói thầu XL03 cho nhà thầu khác triển khai thi công tuân thủ theo quy định. 

Đồng thời, thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT để các đơn vị được biết làm cơ sở đánh giá năng lực khi nhà thầu này tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý theo định của Luật Đấu thầu.

Còn vướng hơn 18km mặt bằng trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo kế hoạch công tác giải phóng mặt bằng của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ hoàn thành trong năm 2020. 

Tuy nhiên, đến nay, chính quyền các địa phương mới bàn giao được 634,9/652,92km (đạt 97,2%), còn lại hơn 18km. Đồng thời, trong phạm vi mặt bằng đã bàn giao vẫn còn những vướng mắc cần tiếp tục giải quyết trong quá trình thi công. Theo Cục QLXD&CLCTGT, phần mặt bằng còn lại của các dự án chưa bàn giao chủ yếu do địa phương chưa hoàn thành công tác xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật. 

Cụ thể, trong số 111 khu tái định cư cần xây dựng, gồm: 83 khu tái định cư xây dựng mới và 28 khu đã có sẵn. Đến nay, chính quyền các địa phương đã hoàn thành 72/83 khu (đạt 86,7%); còn lại 10 khu đang thi công, dự kiến hoàn thành trong quý II/2021 và 1 khu đang triển khai thiết kế, dự kiến hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2021.

P.Huyền
.
.
.