Cần làm rõ hành vi lừa đảo của trang “Hữu cơ Đà Lạt”
Rất nhiều người đặt mua khẩu trang, rau, củ, quả từ trang “Hữu cơ Đà Lạt” để giải quyết nhu cầu thực phẩm hằng ngày trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống COVID-19 đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt với số tiền lớn. Hàng chục người vừa có đơn tố cáo sự việc tới cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ hành vi trên.
Chị Phan Thị Hồng Hạnh (ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) cho biết, sáng 31/7, chị vào trang “Rau hữu cơ, hoa Đà Lạt” để tìm hiểu thông tin. Trang này có nhóm “Hữu cơ Đà Lạt” với 4.000 thành viên, được lập cách đây 2 năm. Hằng ngày, người quản trị trang và nhóm đều đưa các hình ảnh rất đẹp về nông sản Đà Lạt cùng việc chụp lại, đưa lên những tin nhắn khá tích cực mà theo người quản lý trang, nhóm, đó là phản hồi của khách hàng.
Tin trang “Hữu cơ Đà Lạt” là chỗ làm ăn uy tín, chị Hạnh đã hỏi mua hàng, nick “Hữu cơ Đà Lạt” nhắn tin giới thiệu và chào giá các mặt hàng rau, củ, quả. Người có tên là Cao Thị Mỹ Linh đã gửi cho chị Hạnh ảnh chụp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sổ hộ khẩu đi kèm các mặt hàng, nguồn hàng, quy cách đóng gói rất chuyên nghiệp. Người này nói nếu mua phải chốt đơn trước 14h để đóng hàng lên xe cho kịp giao trước 7h sáng hôm sau.
“Biết khu vực tôi đang ở nằm trong vùng thực hiện Chỉ thị 16, họ báo sẽ cho nhân viên giao hàng tận nơi, nhưng nhân viên thực hiện quy định 5K nên không tiếp xúc với khách, không nhận tiền thu hộ được. Họ nhắn số tài khoản và đề nghị tôi chuyển tiền trước!..”, chị Hạnh cho biết.
Chị Hạnh đã đặt thêm hàng cho bạn bè với tổng cộng 28 đơn, giao ở các địa điểm tạihuyện Nhà Bè và quận 7, TP Hồ Chí Minh, tổng số tiền đặt mua rau là 15,6 triệu đồng. Tiền đã chuyển vào tài khoản Cao Thị Mỹ Linh nhưng đến sáng 1-8 vẫn không nhận được rau. Chị Hạnh gọi điện cho người tên Linh thì người này không nghe máy và chặn luôn facebook.
Trang “Hữu cơ Đà Lạt” không chỉ lừa đảo qua hình thức bán nông sản mà còn rao bán cả khẩu trang y tế khi dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu sử dụng khẩu trang tăng cao. Đầu năm 2020, lợi dụng nhu cầu sử dụng khẩu trang tăng đột biến, trang “Hữu cơ Đà Lạt” rao bán loại mặt hàng này với giá rẻ. Khi có khách nhắn tin, gọi điện đặt mua, người có tên Cao Thị Mỹ Linh giới thiệu đang làm việc cho công ty sản xuất khẩu trang có thể cung cấp số lượng lớn. Tin là thật, chị Trần Thị Anh Phương (phố Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã chuyển khoản 298 triệu đồng vào tài khoản Cao Thị Mỹ Linh để đặt mua khẩu trang. Sau khi chuyển tiền, chị Phương không còn liên lạc được với người bán nữa.
Chị Đinh Thị Huyền (ngụ phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) cho biết, ngày 6, 7 và 8/7, chị đã đặt mua rau, củ, quả hữu cơ về bán từ trang mạng xã hội trên, đã chuyển hơn 10,7 triệu đồng để thanh toán cho Cao Thị Mỹ Linh qua tài khoản ngân hàng. Tiếp đó, chị Huyền nhận được điện thoại của người xưng là đơn vị vận chuyển hàng, thông báo chuyến hàng thứ nhất chị Huyền nhận được là sáng 9/7, chuyến còn lại ngày 10/7. Tuy nhiên, sáng 9/7, không nhận được hàng, chị Huyền gọi điện cho Cao Thị Mỹ Linh thì không liên lạc được, tin nhắn zalo, facebook đều đã bị người này chặn.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, nạn nhân mua hàng online (rau, hoa, khẩu trang) của Cao Thị Mỹ Linh từ trang “Hữu cơ Đà Lạt” đông tới nỗi từ cuối năm 2020 trên facebook đã hình thành một nhóm công khai lập lên để cảnh báo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài của chủ sở hữu trang “Hữu cơ Đà Lạt” với hơn 200 thành viên tham gia.
Trang facebook có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản này liên tục được đổi tên. Khi dịch COVID-19 bùng phát, khan hiếm khẩu trang, các đối tượng liền chuyển sang rao bán loại mặt hàng này. Dịp Tết, nhu cầu kinh doanh hoa tươi tăng mạnh, các đối tượng chuyển sang rao bán hoa. Gần đây, khi nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch phát sinh khan hiếm rau, củ, quả là thực phẩm thiết yếu hằng ngày, trang facebook này đổi tên thành “Hữu cơ Đà Lạt”, rao bán các loại nông sản hữu cơ nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Nguyễn Minh Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng cho biết, do điều kiện dịch bệnh không thể đi lại, 17 nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã mua rau, hoa, khẩu trang từ trang “Hữu cơ Đà Lạt”, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho Cao Thị Mỹ Linh sau đó bị chiếm đoạt đã ủy quyền cho ông tố cáo sự việc tới cơ quan chức năng.
Ngày 6/8, luật sư Nguyễn Minh Dũng đã chuyển các đơn tố cáo của nạn nhân tới Công an TP Đà Lạt. Theo luật sư Dũng, trang “Hữu cơ Đà Lạt” và Cao Thị Mỹ Linh đã lợi dụng dịch bệnh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân trong thời gian dài, kế hoạch lừa đảo được tổ chức rất bài bản. Có nhiều người, sau khi đặt mua hàng từ trang “Hữu cơ Đà Lạt” đã rao bán sản phẩm trên trang facebook cá nhân nhằm kinh doanh kiếm lời. Lợi dụng điều này, các đối tượng lập tức giả khách hàng, gọi điện, nhắn tin đặt hàng để “khổ chủ” tiếp tục mua thêm hàng từ trang “Hữu cơ Đà Lạt” nhằm chiếm đoạt tài sản.
Hiện số tiền chiếm đoạt theo những người có đơn tố cáo đã lên tới hàng trăm triệu đồng nên rất cần sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng để làm sáng tỏ sự việc, kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật, trục lợi bất chính.