Ngăn chặn thuốc lá điện tử "tràn" vào trường học

Cần biện pháp cấp bách, chặn từ gốc (Bài cuối)

Thứ Bảy, 22/04/2023, 08:45

Liên tiếp những vụ ngộ độc ma tuý điện tử, ngộ độc khí NO2 và ma tuý thế hệ mới trên địa bàn TP Hà Nội gần đây cho thấy, hiểm họa thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử và các chất ma tuý đã thực sự báo động. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn biến phức tạp, trong tương lai, một thế hệ thanh thiếu niên sẽ bị huỷ hoại về sức khoẻ bởi các chất gây nghiện này. Giải pháp tổng thể nào để ngăn chặn tình trạng này?

Chúng tôi tới Trường THCS Văn Yên, quận Hà Đông, Hà Nội sau khi xảy ra vụ việc 4 học sinh một trường THPT trên địa bàn quận Hà Đông phải cấp cứu khi sử dụng thuốc lá điện tử. Khi được hỏi, nhiều học sinh cho biết, các em đã được tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử và ma tuý thế hệ mới qua cuộc thi “Rung chuông vàng” và buổi tuyên truyền về tác hại của ma tuý học đường do nhà trường phối hợp cùng Công an quận Hà Đông tổ chức. Đa số các em đều nhận thức được tác hại và hậu quả khôn lường của thuốc lá điện tử, song theo bà Trương Thị Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Yên thì từ đầu năm học đến nay đã phát hiện một vài trường hợp có hiện tượng sử dụng thuốc lá điện tử, đã báo cáo Công an quận và Công an phường. Về phía nhà trường đã tổ chức giáo dục, phân tích, giảng giải, sau đó theo dõi giám sát và có hình thức kỷ luật hạ hạnh kiểm để răn đe.

6-1.jpg -0
Công an quận Hà Đông (Hà Nội) phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THCS Văn Yên tuyên truyền công tác phòng, chống thuốc lá điện tử cho học sinh.

Trường THCS Văn Yên có hơn 2.000 học sinh - là trường có số học sinh đông nhất của quận Hà Đông hiện nay. Theo chia sẻ của bà Trương Thị Liên, thuốc lá điện tử là vấn đề nhức nhối trong lứa tuổi học sinh THCS, đây là giai đoạn các em đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, thích thể hiện mình nên dễ dàng bị lôi kéo. “Nếu để các con vi phạm rồi mới áp dụng biện pháp mạnh thì không có hiệu quả, mà phải làm tốt công tác phòng ngừa. Quan trọng nhất là giáo dục và tuyên truyền để các con nhận thức được tác hại mà không sử dụng, nhưng tuyên truyền thế nào để thu hút học sinh, để các con thích nghe, để các con thấm dần và chuyển biến về nhận thức và hành động, biết cách phòng tránh mới là quan trọng”, bà Liên nói.

Theo Trung tá Trương Quốc Nam,Đội trưởng Đội An ninh, Công an quận Hà Đông,để ngăn chặn tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, ma tuý thế hệ mới, bắt buộc phải có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường, cơ quan thi hành pháp luật, quan trọng nhất là gia đình và nhà trường vì thường xuyên tiếp xúc gần với các em; nếu không quản lý sát sao, thường xuyên, hoặc lơ là, các em dễ sa đà vào nghiện thuốc lá điện tử. Về phía thực thi pháp luật, Công an quận Hà Đông đã ban hành công văn gửi đến Ban giám hiệu các trường trên địa bàn, đồng thời gửi Phòng GD-ĐT quận, thường trực Quận ủy để chỉ đạo trong công tác phối hợp, quản lý, giáo dục, tuyên truyền tác hại thuốc lá điện tử đến từng giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh. Qua nắm tình hình, ban giám hiệu các nhà trường đã thông báo nội dung công văn đến giáo viên chủ nhiệm và 1.083 nhóm phụ huynh các lớp để tuyên truyền, tăng cường quản lý, giáo dục học sinh.

“Chưa thời điểm nào Công an quận Hà Đông vào cuộc và triển khai quyết liệt như thời điểm hiện nay. Cán bộ Công an phụ trách khối nhà trường thường xuyên về trường để trao đổi; lập nhóm Zalo gửi các bài tuyên truyền, hình ảnh, video đến cho các hiệu trưởng, chúng tôi lập tức chuyển sang nhóm hội đồng sư phạm, đồng loạt chuyển cho phụ huynh về triển khai tới lớp cho các con. Hình ảnh, âm thanh, thông tin luôn cập nhật trực tiếp để các con lắng nghe. Đây là cách tuyên truyền rất hiệu quả. Ngoài ra, Công an phường còn hỗ trợ nhà trường đảm bảo ANTT như lắp đặt toàn bộ hệ thống camera ở 2 cổng trường, có bất cứ lộn xộn, ồn ào là cán bộ Công an phường trích xuất camera để xử lý ngay. Sự phối hợp rất kịp thời đã mang lại hiệu quả cao”, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Yên cho biết.

Theo bà Trương Thị Liên, năm học này, nhà trường phối hợp với Công an quận Hà Đông tổ chức rất nhiều chuyên đề, tọa đàm về an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, ma tuý, an ninh mạng… Đặc biệt, buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống ma tuý và thuốc lá điện tử do cán bộ của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý, Công an TP Hà Nội tuyên truyền với những ví dụ cụ thể, trực tiếp, sống động về tác hại của ma tuý… Những buổi tuyên truyền này đều mang đến hiệu quả rất cao, đặc biệt là cuộc thi “Rung chuông vàng” thu hút cả phụ huynh tham gia sôi nổi.

Theo Công an quận Hà Đông, tuyên truyền, giáo dục, xử lý học sinh hút thuốc lá điện tử mới chỉ giải quyết được phần ngọn, phần gốc của vấn đề là phải chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thuốc lá điện tử trên địa bàn. Nếu không có đối tượng bán thì không có người mua, vì vậy, công tác phòng ngừa được coi là một nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết tình trạng này. Công an quận đã ban hành phiếu giao việc về việc giao nhiệm vụ cụ thể cho trưởng Công an các phường, đội trưởng các đội nghiệp vụ chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, rà soát lập danh sách các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh thuốc lá điện tử. Đặc biệt chú ý các cơ sở kinh doanh gần cổng trường, buôn bán hàng hóa tiện ích trên mạng xã hội, tham mưu UBND các phường tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động phát hiện các cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử có dấu hiệu vi phạm, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan Công an để xác minh, xử lý theo quy định.

Theo TS Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma tuý (PSD), cần có lớp hành lang phòng vệ bài bản, tài liệu nâng cao nhận thức chuyên môn cho phụ huynh, cho thầy cô, cho cả cộng đồng xã hội. Khi đó sẽ tạo ra hàng rào phòng vệ vững chắc có nhiều lớp, có nhiều sự đoàn kết.

“Tôi nghĩ chỉ gần 1 thập niên sẽ tạo một lớp phòng vệ chắc chắn vì các em sau này có đi đâu, nhưng khi được đào tạo bài bản, thì ma túy và sản phẩm độc hại không đủ xâm nhập. Nếu nhận thức đúng, đủ thì các em sẽ có hành trang bảo vệ mình. 13 năm qua chúng tôi nghiên cứu kỹ chương trình phòng ngừa ma túy của các quốc gia tiên tiến, nghiên cứu cả thành công, thất bại. Với thất bại thì chúng tôi đề nghị Chính phủ, cơ quan ban ngành xây dựng chương trình phòng ngừa tổng thể. Với 23 triệu học sinh, đây là tài sản vô giá của đất nước, cần nỗ lực bảo vệ để ma túy không thể can thiệp vào hay hủy hoại vào đời sống các em. PSD đồng hành Chính phủ, Bộ GD&ĐT ban hành bộ tài liệu có tính chất tổng thể cho 4 nhóm đối tượng, từ học sinh, sinh viên, giáo viên – cán bộ quản lý, cha mẹ. Nếu mỗi năm chúng ta bỏ ra vài chục giờ đào tạo, thực hiện bài bản thì cái được lớn nhất chính là cứu được cả thế hệ”, ông Tuấn nói.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.