Dự án Goldseason 47 Nguyễn Tuân bán nhà trên giấy?

Thứ Hai, 11/01/2016, 08:50
Bài học nhãn tiền về tình trạng mua bán nhà trên giấy thời kỳ bất động sản (BĐS) nóng sốt có lẽ vẫn chưa thôi ám ảnh nhiều người và hậu quả là nhiều khách hàng hiện vẫn đang phải “ngậm quả đắng”. Những tưởng, thời điểm hiện nay sẽ không có chỗ cho những giao dịch, mua bán dạng đó nhưng gần đây khi thị trường BĐS dần phục hồi, biến tướng của hiện tượng bán nhà trên giấy lại có cơ hội quay trở lại.


Mặc dù vẫn đang còn là bãi đất trống nhưng dự án Goldsean 47 Nguyễn Tuân do Công ty cổ phần BĐS Mùa đông VID làm chủ đầu tư đang được quảng cáo rao bán rầm rộ trên các trang mạng hiện nay tạo thành một điểm nhấn của thị trường BĐS Hà Nội ít ngày qua.

Ngày 27-12-2015, chủ đầu tư cùng các đơn vị phối hợp thực hiện dự án, đơn vị phân phối đã có buổi lễ giới thiệu dự án hoành tránh tại khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, trong thư ngỏ của chủ đầu tư dự án Goldseason gửi khách hàng cũng đã được chủ đầu tư đề rõ là “mở bán chính thức” và chính thức nhận tiền đặt chỗ của khách hàng với mức tối thiểu 100 triệu đồng/căn hộ.

Dự án Goldseason 47 Nguyễn Tuân hiện vẫn đang là bãi đất trống nhưng đã thu tiền của khách hàng qua hình thức hợp đồng đặt chỗ.

Sáng 9-1, có mặt tại buổi giới thiệu dự án lần 2 được chủ đầu tư và đơn vị phân phối dự án phối hợp thực hiện, theo quan sát của PV lượng khách hàng đến tìm hiểu, đặt cọc mua căn hộ tại dự án Goldseason cũng khá đông.

Theo “rỉ tai” của nhân viên sàn giao dịch BĐS này thì đến thời điểm hiện tại đã có hơn 200 khách hàng làm hợp đồng đặt chỗ mua căn hộ tại dự án này. Nhân viên này còn cho biết, đợt đầu chủ yếu là khách mua để đầu tư. Khi được hỏi tại sao chỉ chủ yếu là khách mua để đầu tư mà không phải là mua để ở, nhân viên này giải thích vì dự án chưa có gì nên người đầu tư mới dám liều, dám chấp nhận rủi ro nhưng bù lại đã được mức giá rẻ hơn.

Tìm hiểu một căn hộ có diện tích 77m² với mức giá hơn 2 tỷ đồng, PV được các nhân viên của đơn vị môi giới này cho biết sẽ phải đóng một khoản tiền là 100 triệu đồng là tiền đặt cọc. Sau đó một tuần sẽ tiếp tục đóng 10% tổng giá trị căn hộ để làm hợp đồng đặt chỗ trực tiếp với chủ đầu tư. Khi đóng 10% tổng giá trị căn hộ để làm hợp đồng đặt chỗ với chủ đầu tư, khách hàng sẽ được cộng cả 100 triệu tiền đặt cọc. Như vậy, dù dự án chưa xây dựng nhưng nếu khách hàng mua căn hộ 77m² tại dự án đã phải đóng số tiền hơn 200 triệu đồng.

Theo giải thích của các nhân viên môi giới dự án thì dự kiến khoảng tháng 4-2016, khách hàng mới được làm hợp đồng mua bán với chủ đầu tư khi dự án xong móng theo quy định của Bộ Xây dựng. Như vậy, có thể thấy để lách luật, chủ đầu tư đã dùng hợp đồng đặt chỗ để huy động vốn từ phía khách hàng.

Gần trưa, có mặt tại hiện trường dự án, ngay lối vào ở cổng Công ty Dệt mùa đông 47 Nguyễn Tuân, hàng chục công nhân nữ của công ty trong trang phục công nhân đội nón có gắn chữ đòi quyền lợi di dời nhà máy để lấy đất làm dự án Goldseason vẫn đang tụ tập. Vào sâu bên trong, mặt bằng dự án vẫn đang ngổn ngang gạch vữa do san ủi mặt bằng. Duy chỉ có 2 chiếc máy múc đứng sừng sững mà không thấy dấu hiệu của việc xây dựng công trình. Dự án bao gồm 4 tòa nhà cao từ 27- 35 tầng, chưa xây dựng thế nhưng chủ đầu tư vẫn đã huy động vốn từ khách hàng dưới hình thức hợp đồng đặt chỗ mua căn hộ.

Theo quy định, chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng góp vốn khi đã có dự án phát triển nhà ở được phê duyệt, đã thực hiện khởi công xây dựng công trình nhà ở và đã thông báo cho Sở Xây dựng, số lượng căn hộ này chỉ chiếm tối đa 20% trong dự án. Số còn lại, chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán khi có thiết kế kỹ thuật được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng. Như thế rõ ràng các dự án như Goldseason 47 Nguyễn Tuân chưa đủ điều kiện để huy động vốn từ phía khách hàng theo quy định thế nhưng đã nhận tiền của hàng trăm khách hàng dưới dạng hợp đồng đặt chỗ.

Theo luật sư Trần Quang Khải, Trưởng Văn phòng luật sư Tâm Phát (Đoàn luật sư TP Hà Nội), với các dạng hợp đồng không có giá trị trước pháp luật thế này thì người mua nhà rất dễ gặp rủi ro. Luật sư Khải dẫn chứng, tại Văn phòng luật sư Tâm Phát đã tham gia bảo vệ quyền lợi cho nhiều người mua nhà thông qua các hợp đồng đặt chỗ, góp vốn trước kia nhưng quá trình đòi quyền lợi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí ra tòa nhưng cũng không đảm bảo được quyền lợi.

“Khách mua nhà hiện nay đang thực sự là những người tiêu dùng thông minh. Tuy nhiên vẫn có không ít khách hàng ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt chỗ với chủ đầu tư nhưng sau đó, dự án gặp rắc rối liên quan đến tính pháp lý hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dẫn đến dự án bị đình trệ. Thực tế cho thấy, nhiều dự án đình trệ gần chục năm nay chưa thể tiếp tục triển khai, khách hàng tìm đủ mọi cách để rút vốn, đòi quyền lợi nhưng vẫn không thể lấy lại được tiền. Do đó, trước khi quyết định, người mua nhà cần phải xem xét thật kỹ tính pháp lý của dự án, đồng thời phải tìm hiểu kỹ năng lực của chủ đầu tư”, luật sư Trần Quang Khải nói.

Phan Hoạt
.
.
.