Tranh chấp chung cư: Những "ông kẹ" mang tên... "chủ đầu tư"

Thứ Tư, 04/11/2015, 09:51
Thực trạng tranh chấp gay gắt giữa người mua nhà và chủ đầu tư xảy ra tại nhiều chung cư đang cản trở sự phát triển của thị trường BĐS. Sai phạm của chủ đầu tư là rõ ràng nhưng do quản lý kém, sự thờ ơ của chính quyền cơ sở, chế tài lỏng lẻo nên chủ đầu tư không khác gì những "ông kẹ", chẳng ai làm được gì...


Trong số hơn 450 dự án bất động sản (BĐS) đã được hoàn thành, đưa vào khai thác tại TP Hồ Chí Minh đã có đến vài chục dự án xảy ra tranh chấp giữa người mua nhà và chủ đầu tư về quyền sở hữu chung, riêng; tranh chấp về mức thu phí, về cấp sổ hồng và các điều kiện về dịch vụ, hạ tầng kèm theo. Kết quả kiểm tra do Sở Xây dựng thực hiện với 30 chung cư mới đây cho thấy, đã có tới 8 chung cư xảy ra tranh chấp quyền sở hữu chung, riêng; 10/30 chung cư chưa được cấp giấy chủ quyền, 8/30 chung cư không có kinh phí bảo trì...

Thực trạng tranh chấp gay gắt giữa người mua nhà và chủ dự án xảy ra tại nhiều chung cư này đang cản trở sự phát triển của thị trường BĐS khi nhiều người dân càng ngày càng nản với việc mua căn hộ, dọn vào ở trong các chung cư.

Tranh chấp đã khiến không ít người dân chứng kiến phải nản lòng với việc mua căn hộ chung cư. Ảnh: Thiện Hoàng.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, một số trong vài chục hộ dân bức xúc đồng loạt phản ánh đến các cơ quan chức năng về những tồn tại diện ra ở chung cư Investco Baybylon thuộc quận Tân Phú cho biết: Chung cư này được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2014, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn cố tình không tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định. Tòa nhà chưa được nghiệm thu nhưng chủ đầu tư đã vội đưa vào sử dụng, việc này đã dẫn đến tình trạng có những dấu hiệu xuống cấp như vết nứt tường ngoài toà nhà gây thấm nước, bong tróc trong căn hộ, nứt sàn tầng hầm để xe…

Việc phân định và quyền sử dụng các hạng mục sở hữu chung trong chung cư đều do chủ đầu tư tự ý quyết định gây thiệt thòi và bất lợi cho cư dân. Các hộ dân đã nộp đầy đủ tiền mua nhà cho chủ đầu tư hơn 1 năm nay, gồm cả phần thuế VAT trước khi nhận nhà. Song đã nhiều lần các hộ dân yêu cầu, chủ đầu tư vẫn không thực hiện xuất hoá đơn khiến việc bổ túc thủ tục hồ sơ để làm chủ quyền nhà cho cư dân bị chậm trễ.

Những vết nứt phía ngoài tòa nhà chung cư Investco Baybylon mới được trám để chống thấm.

Không chỉ có vậy, theo nhiều hộ dân ở đây, công tác vận hành của Ban quản lý toà nhà do chủ dự án lập ra là khá yếu kém, gây thiệt hại đến đời sống của cư dân.

Chẳng hạn, chung cư chỉ thuộc hạng có mức tiện tích trung bình nhưng mức thu phí dịch vụ lên đến 8,8 ngàn đồng/m², cao nhất trong số các toà nhà trong khu vực quận Tân Phú, Tân Bình và cao hơn cả những chung cư cao cấp xung quanh. Ngược lại chất lượng dịch vụ lại cực kỳ kém như đội ngũ bảo vệ yếu, việc mất an ninh xảy ra thường xuyên, đã 2 lần mất trộm xe và phụ tùng, người dân thường xuyên bị cạy cốp xe lấy cắp vật dụng. Việc dọn vệ sinh không đảm bảo do chủ dự án thuê với giá rẻ, thiếu chuyên nghiệp.

Người dân còn phản ánh, hồ bơi trong chung cư thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư nhưng lại sử dụng kinh phí dịch vụ chung của toà nhà để khai thác mà không được sự đồng ý của cư dân. Hiện tại, tòa nhà đã bị nứt tường phía ngoài gây thấm trong căn hộ nhưng việc bảo hành, khắc phục sửa chữa của chủ đầu tư quá chậm chạp.

Chỉ riêng việc chống thấm tường bên ngoài toà nhà đã kéo dài đến gần 1 năm mới được làm. Thậm chí, thang máy là phương tiện đi lại quan trọng của cư dân toà nhà, nhưng do chủ đầu tư chưa thanh toán hết tiền cho nhà thầu nên toàn bộ hệ thống thang máy lớn đã 2 lần ngừng hoạt động từ 2-3 ngày do phía nhà thầu cho ngưng để yêu cầu chủ đầu tư thanh toán tiền. Các phòng kỹ thuật của toà nhà và những phần sở hữu chung, sở hữu riêng không nêu rõ diện tích tạo sự mập mờ.

Chủ đầu tư không xây dựng “nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư” để người mua nhà biết trước khi mua, nên các hộ dân cho rằng bị áp đặt phải tuân thủ theo nội quy do phía chủ đầu tư đưa ra. Không còn tin vào chủ đầu tư, nhiều hộ dân ở đây đã đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc, yêu cầu chủ đầu tư chấp hành việc tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định. Đồng thời giám sát chặt chẽ để việc giới thiệu người đại diện cho cư dân tham gia ban quản trị chung cư được khách quan, không để bị phía chủ đầu tư áp đặt.

Tại chung cư Phú Mỹ Thuận ở Nhà Bè cũng vậy. Cư dân ở đây đã nhiều lần phản đối chủ đầu tư tòa nhà chiếm giữ gần 10 tỉ đồng quỹ bảo trì từ vài năm nay. Đã vậy, theo ông Châu Hoàng Tiến Sĩ, Trưởng ban quản trị chung cư, đến nay nhiều hộ dân đã vào ở 5 - 6 năm vẫn chưa được làm sổ hồng. Người may mắn được nhận căn hộ dọn vào ở đã khổ, người mua chưa được nhận nhà còn khổ hơn. Ngày 20-10 vừa qua nhiều người đã trả 70 – 95% tiền mua căn hộ cao ốc Xanh ở quận 9 do chủ đầu tư bán ra từ những năm 2007 - 2012 thì đến nay vẫn chưa được nhận nhà đã bức xúc tập trung phản đối chủ dự án và đòi cả tiền bồi thường lãi vay. Bởi trong số 3 block của dự án, hiện mới chỉ có block C được hoàn thành, bàn giao nhà, còn lại 2 block A và B tiến độ xây dựng vẫn ì ạch.

Những cảnh tranh chấp trên đã khiến không ít người dân chứng kiến phải nản lòng với việc mua căn hộ chung cư. Để ngăn chặn tình trạng phát sinh tranh chấp giữa cư dân với các chủ đầu tư tòa nhà, gây cản trở sự phát triển của thị trường căn hộ… cuối tháng 10 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở liên quan đến việc sở hữu, giao dịch, quản lý sử dụng nhà... theo đó, trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn, Ban quản trị tòa nhà có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh yêu cầu chủ đầu tư thực hiện. Khi đã được UBND cấp tỉnh yêu cầu bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị chung cư nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế thu hồi trong vòng 30 ngày.

Đ.Thắng
.
.
.