Xây cầu gần 30 tỷ đồng lại không có… độ tĩnh thông thuyền
Người dân cho biết một khi cầu này hoàn thành, các phương tiện thủy có trọng tải vừa thôi cũng không thể lưu thông qua lại được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, kinh doanh của người dân.
Xây cầu vì “mỹ quan”
Đỉnh điểm của vụ việc là vào hai ngày 7 và 8 – 3 vừa qua, các hộ dân cùng nhau đến UBND thị trấn Một Ngàn để phản đối, trình bày bức xúc và yêu cầu chính quyền địa phương, ngành chức năng, chủ đầu tư phải thay đổi thiết kế cầu Tân Hiệp phù hợp. Theo đơn trình bày của người dân sống 2 bên bờ kênh Tân Hiệp, bà con rất tán thành chủ trương xây dựng cầu, làm đường.
“Tuy nhiên, chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, cho thuê máy cắt lúa, máy gặt liên hợp, mua bán nông sản… Tất cả đều phụ thuộc vào phương tiện đường thủy như: ghe lớn, sà lan và chỉ có độc địa một lối di chuyển, đó là kênh Tân Hiệp để dẫn ra sông Kênh Xáng Xà No, tiếp tục đi đến các địa phương khác. Vậy mà cầu Tân Hiệp đang xây dựng có độ cao thông thuyền so với mực nước trung bình chỉ khoảng 1 mét. Điều này coi như khai tử việc lưu thông của hầu hết các phương tiện của dân chúng tôi tại đây”, người dân cho biết.
Là hộ kinh doanh vật liệu xây dựng tại địa phương từ nhiều năm nay, ông Lê Đăng Khoa (ngụ ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn) bức xúc, kể: “Cách nay vài tháng, thấy cây cầu có khởi công nhưng không thấy treo bảng thiết kế nên người dân tưởng là cao.
Nhưng sau khi công nhân xây xong 2 dầm (nhịp cầu) thì ai cũng sửng sốt vì cầu có thiết kế quá thấp nên phản ứng, lúc này đơn vị thi công mới đem bảng vẽ lại treo. Phương tiện lưu thông không được, chúng tôi mới lên UBND thị trấn Một Ngàn trình bày nguyện vọng.
Tại cuộc tiếp xúc, chính quyền hứa sẽ cho nạo vét kênh Ba Bọng để dẫn ra kênh Xà No. Nhưng chúng tôi không đồng ý vì kênh Ba Bọng chủ yếu là dẫn nước vào đồng ruộng phục vụ tiêu tưới, lòng kênh hẹp, các cầu qua kênh cũng nhỏ, sao phù hợp với các phương tiện có tải trọng lớn”.
Cũng theo người dân, khi tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc xây cầu, chính quyền nơi đây chỉ mời những hộ dân ở chợ Một Ngàn và phía bên kia bờ (khu hành chính huyện Châu Thành A), chứ những người ảnh hưởng trực tiếp – là những hộ dân sống dọc theo kênh Tân Hiệp thì không được tham vấn.
Hơn nữa, từ khi chủ đầu tư tiến hành thi công cầu, sà lan vào chắn ngay ở kênh nên các phương tiện không thể qua lại giao hàng được. Cụ thể, vào chiều 8-3, có một chiếc ghe chở lúa từ trong kênh Tân Hiệp di chuyển ra hướng kênh Xà No, do né sà lan và trụ cầu đang thi công nên đã mắc kẹt giữa lòng sông, phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhiều người, chiếc nghe mới được an toàn.
Ông Võ Văn Cung (ấp Xáng Mới, thị trấn Một Ngàn), cho biết: “Bắc cầu là tốt nhưng phải nghĩ đến lợi ích, đời sống của bà con 2 bên bờ. Hiện, đồng lúa 15 công của gia đình tôi cùng nhiều diện tích lúa khác thuộc 2 bên bờ kênh Tân Hiệp đã đến thời điểm thu hoạch. Thế nhưng, khi thương lái mang ghe lớn và máy cắt đến thì không thể vào kênh được do công trình và sà lan công trình chiếm gần hết diện tích sông, họ đã trả lại cọc và không mua nữa do không thể vận chuyển. Giờ chúng tôi chỉ mong chính quyền xem xét và có phương án thay đổi thiết kế cầu. Chúng tôi không chấp nhận cây cầu mới chỉ được mục đích mỹ quan, còn lợi ích của người dân thì không được ngó ngàng đến”.
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, cách nơi xây dựng cầu Tân Hiệp khoảng 1km đã hiện hữu sẵn 2 cây cầu khác (cùng mang tên cầu Tân Hiệp) vẫn có thể lưu thông qua lại giữa thị trấn Một Ngàn và khu hành chính huyện Châu Thành A. Đó là cầu trên tỉnh lộ, cách cầu đang xây dựng khoảng 300 mét và cầu nằm trên quốc lộ 61C, cách cầu đang xây dựng khoảng 1km.
Người dân nơi đây cho rằng việc xây thêm cầu Tân Hiệp không mang lại giá trị cao về mặt giao thông, gây lãng phí ngân sách Nhà nước; việc nạo vét kênh Ba Bọng không mang lại hiệu quả cho việc điều tiết giao thông…
Một ghe chở lúa từ trong kênh Tân Hiệp di chuyển ra hướng kênh Xà No, do né sà lan và trụ cầu đang thi công nên đã mắc kẹt giữa lòng sông. |
Trách nhiệm thuộc về ai ?
Ông Võ Quốc Sử, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A cho biết, đối với cầu Tân Hiệp (cầu đang xây dựng), huyện là địa phương thụ hưởng, còn chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang gọi tắt là Ban QLDA).
Ông Sử cũng nhấn mạnh việc xây cầu là để nối liền khu hành chính huyện với trung tâm thị trấn Một Ngàn, tạo điểm nhấn, mỹ quan cho thị trấn.
“Đường đã làm 10 năm rồi nhưng chưa có cầu, đây là công trình nằm trong dự án quy hoạch đô thị. Việc phản ánh của người dân huyện đã ghi nhận và báo cáo. Giải pháp trước mắt là ngưng thi công cầu Tân Hiệp và triển khai nạo vét kênh Ba Bọng để có đường cho người dân lưu thông. Việc xây cầu vào năm 2016 có tổ chức họp dân và họ cũng đồng ý với bản vẽ thiết kế, người dân phản ứng là mới phát sinh trong những ngày gần đây. Việc nạo vét kênh còn 10 ngày nữa là hoàn thành bởi có kế hoạch ngay từ trước, kinh phí khoảng trên 400 triệu đồng”.
Để có thêm thông tin về vụ công trình cầu này, ngày 9-3, PV Báo CAND đã trao đổi với ông Nguyễn Trung Hậu, Phó Giám đốc Ban QLDA (chủ đầu tư) và được biết, cầu Tân Hiệp được xây dựng dựa trên quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Hậu Giang (kí ngày 31-10-2016) với tổng mức đầu tư là 28 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Đến nay, công trình đã đạt được 50% tiến độ. Mục tiêu đầu tư xây dựng cầu này là để hoàn thành tuyến đường trục trung tâm thị trấn Một Ngàn và tạo mỹ quan đô thị cho thị trấn.
“Do đây là hệ thống giao thông nội ô nên cầu và đường giao cắt đồng mức cùng cấp. Vì thế, cầu được xây dựng với tĩnh không thông thuyền (độ cao thông thuyền) là… cầu không thông thuyền. Cầu dài 39 mét, rộng 21,7 mét. Hiện, chúng tôi đã cho ngưng thi công và chờ giải pháp điều tiết giao thông của UBND huyện Châu Thành A. Việc thi công cầu dựa trên thỏa thuận, quy mô, thiết kế cũ của địa phương. Còn chuyện người dân không lưu thông được thì chúng tôi không nắm…”.
Người dân đề nghị cấp có thẩm quyền của tỉnh Hậu Giang cần xem xét, điều chỉnh công trình cầu nhằm đảm bảo sau khi hoàn thành, cầu mới Tân Hiệp không ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân; đồng thời xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan.