Vụ cướp tài sản ở Lâm Đồng: Nhiều sai sót nghiêm trọng trong hai bản án

Thứ Ba, 23/05/2017, 08:42
Ngày 22-5, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho biết vừa ra quyết định giám đốc thẩm bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Lâm Hà và bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng đã xét xử Trần Quang Hiệp (19 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) cùng 6 bị cáo khác về hành vi "Cướp tài sản".

Theo nội dung vụ án, chiều 20-8-2015, trong lúc chơi game tại một tiệm internet ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, Hiệp cùng nhóm bạn nhìn thấy anh H.V.L. có chiếc điện thoại nên nảy sinh ý định chiếm đoạt. Đến khoảng 21h cùng ngày, thấy anh L. cùng bạn rời khỏi tiệm internet nên cả nhóm điều khiển xe đi theo. Khi đến đoạn đường thuộc xã Hoài Đức, cả bọn chặn đầu xe rồi đánh anh L. cướp chiếc điện thoại (trị giá 3 triệu đồng).

Với hành vi trên, xử sơ thẩm, TAND huyện Lâm Hà đã xử phạt Hiệp mức án 30 tháng tù về tội "Cướp tài sản"; 6 bị cáo còn lại bị xử phạt từ 15 tháng đến 30 tháng tù.

Sau khi xét xử sơ thẩm, 3 bị cáo Nguyễn Hữu Nam, Nguyễn Tiến Nguyên và Trịnh Tấn Vĩnh (cùng 18 tuổi) cùng người đại diện hợp pháp của các bị cáo này (do vào thời điểm phạm tội các bị cáo này còn trong tuổi vị thành niên nên có người giám hộ) đã kháng cáo vì cho rằng mức án quá nặng và xin được hưởng án treo.

Tại bản án hình sự phúc thẩm, TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử ngày 6-1-2017 đã không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Theo quyết định kháng nghị của VKS, quá trình truy tố và xét xử vụ án này có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng hình sự và áp dụng luật. Cụ thể: trong vụ án này, các bị cáo đều là người chưa thành niên phạm tội nhưng khi xét xử, toà án hai cấp chưa đảm bảo về quyền bào chữa.

Các tài liệu có trong hồ sơ không thể hiện các bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ được toà án giải thích về quyền có người bào chữa, không được tạo điều kiện để tham gia xét hỏi, đối đáp làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, vi phạm nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà, dẫn đến việc gia đình các bị cáo đồng loạt có đơn yêu cầu xem xét lại vụ án.

Ngoài ra, trong vụ án này, các bị cáo Nam, Vĩnh, Nguyên được xác định là bị rủ rê, lôi kéo, chỉ hưởng ứng đi theo bạn bè, không trực tiếp tấn công, uy hiếp cướp tài sản của bị hại mà chỉ đứng bên ngoài nhìn, không hưởng lợi, vai trò không đáng kể, giá trị tài sản chiếm đoạt trong vụ án là không lớn, đã được thu hồi trả lại cho bị hại.

Quá trình điều tra, các bị cáo ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, chưa tiền án tiền sự, vào thời điểm phạm tội, các bị cáo Nguyên, Vĩnh chưa đủ 16 tuổi, chưa nhận thức đầy đủ hành vi phạm tội của mình. Bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã không đánh giá toàn diện các tình tiết trên để phân hoá vai trò từng bị cáo, trên cơ sở đó quyết định mức hình phạt cho phù hợp, vi phạm khoản 3 Điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 69 BLHS 1999 và đặc biệt tại điểm c khoản 2 và khoản 6 Điều 91 BLTTHS về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì trường hợp của các bị cáo nói trên có thể được miễn trách nhiệm hình sự... Đồng thời, thời điểm các bị cáo được đưa ra xét xử, BLHS 2015 đã có hiệu lực thi hành nhưng toà án hai cấp không áp dụng các quy định có lợi của Bộ luật trên cho các bị cáo là chưa phù hợp với tính chất, hậu quả, vai trò, mức độ của từng bị cáo trong vụ án và chưa phù hợp với chính sách nhà nước đối với việc xử lý người chưa thành niên phạm tội.

Với những lý do và nhận định nêu trên, VKS cấp cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm cả hai bản án, đề nghị toà cùng cấp xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ cả hai bản án để điều tra xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

A. Huy
.
.
.