Kháng nghị một bản án hình sự sơ thẩm có 13 bị cáo hưởng án treo

Chủ Nhật, 23/10/2016, 07:46
Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên xét xử 16 bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng...

Một nguồn tin từ cơ quan chức năng ngày 22-10 cho biết, Phó Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng – ông Nguyễn Văn Hòa đã ban hành Quyết định số 11/2006/KN-HS-VC2 ngày 14-10-2016, kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm ngày 14-9-2016 của TAND tỉnh Phú Yên xét xử 16 bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở huyện Đông Hòa.

Đây là vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận ở địa phương, vì trong số 16 bị cáo đứng trước vành móng ngựa tại phiên xử sơ thẩm có nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cùng 13 cán bộ, chuyên viên và 1 người dân.

Bị cáo Nguyễn Tài, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cùng 15 đồng phạm tại phiên xử sơ thẩm.

Như Báo CAND đã có bài viết đề cập đến vụ án này, cách đây hơn 4 năm, vào ngày 5-9-2012, UBND tỉnh Phú Yên ban hành thông báo thu hồi đất thực hiện giai đoạn 1 dự án đầu tư Nhà máy hóa lọc dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa do Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư.

Theo đó, UBND huyện Đông Hòa đảm nhiệm việc xác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 238 đối tượng thuộc diện giải tỏa với tổng số tiền hơn 95 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cùng một số cộng sự và người dân đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại ngân sách hơn 9,2 tỷ đồng.Trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án này, các bị can và người có quyền, nghĩa vụ liên quan đã nộp khắc phục hậu quả hơn 7,1 tỷ đồng.

Trong số đó, cựu Chủ tịch Nguyễn Tài đã nộp 500 triệu đồng, cựu Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sương đã nộp 310 triệu đồng, cựu Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Nguyễn Kích đã nộp 304 triệu đồng...

Sau 6 ngày xét xử hình sự sơ thẩm và nghị án, chiều 14-9-2016, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên bố 16 bị cáo phạm tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng như cơ quan kiểm sát cùng cấp đã truy tố.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Tài, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa lãnh án 12 năm tù; nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Nguyễn Kích bị xử phạt 10 năm tù; nguyên Phó giám đốc Huỳnh Ngọc Thắng lãnh án 4 năm tù. 13 bị cáo còn lại được TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt từ 1 đến 3 năm tù về tội danh nêu trên nhưng cho hưởng án treo.

Đó là nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đông Hòa Huỳnh Ngọc Sương; nguyên Trưởng phòng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Kỳ Tổng, Dương Văn Nhân; nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm Lê Văn Hoàng; nguyên chuyên viên các phòng nghiệp vụ ở huyện Đông Hòa là Bùi Xuân Quang; Nguyễn Dương Tiến Hùng; Võ Tấn Vinh; Nguyễn Văn Sơn; Nguyễn Trình Văn; Nguyễn Thị Huỳnh Dung; Trần Trọng Duy; Huỳnh Công Dự và ông Nguyễn Hữu Phí, trú ở 323 Bà Triệu, phường 7, TP Tuy Hòa.

Ngoài hình phạt về hình sự, án sơ thẩm còn buộc các bị cáo liên đới bồi thường hơn 3,8 tỷ đồng chưa thu hồi được trong tổng số tiền gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 9,2 tỷ đồng.

Không đồng tình với phán quyết của án sơ thẩm, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định kháng nghị, đề nghị tòa án cùng cấp xét xử lại vụ án theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Huỳnh Ngọc Thắng và 13 bị cáo được hưởng án treo.

Theo quyết định kháng nghị nêu trên, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận định: các bị cáo trong vụ án bị truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 165 BLHS, có khung hình phạt từ từ 10 đến 12 năm; các bị cáo gây gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 9,2 tỷ đồng thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Mặt khác, trong vụ án này các bị cáo Huỳnh Ngọc Sương, Huỳnh Ngọc Thắng và Nguyễn Kỳ Tổng đều là những cán bộ có chức quyền, hành vi sai phạm của họ là nguyên do dẫn đến hậu quả chi trả trái pháp luật các khoản tiền hỗ trợ, bồi thường đất đai, vật kiến trúc… trong giai đoạn 1 triển khai thực hiện dự án đầu tư Nhà máy hóa lọc dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm, nên phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả thiệt hại do chính họ gây ra.

Cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt 4 năm tù giam đối với bị cáo Huỳnh Ngọc Thắng; áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo 3 năm đối với Huỳnh Ngọc Sương; 2 năm 6 tháng đối với Nguyễn Kỳ Tổng là quá nhẹ, không tương xứng hành vi, tính chất phạm tội và mức độ hậu quả các bị cáo gây ra, không công bằng với hình phạt đã tuyên xử bị cáo Nguyễn Tài, Nguyễn Kích.

Ngoài ra, quyết định kháng nghị của  Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng còn cho rằng cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 để cho 13 bị cáo hưởng mức án dưới mức hình phạt nhẹ nhất của khung hình phạt liền kề, nhẹ hơn trong điều luật là không đúng, trái với quy định tại điều 60 BLHS. Bởi lẽ khi áp dụng điều khoản trên, các bị cáo phải là người phạm tội lần đầu, phạm tội với vai trò đồng phạm thứ yếu.

13 bị cáo được cấp sơ thẩm cho hưởng án treo đều là những cán bộ, chuyên viên có chức trách, vai trò quyết định việc chi trả bồi thường, hỗ trợ và đã trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại; đặc biệt bị cáo Nguyễn Dương Tiến Hùng có nhân thân xấu, từng bị TAND huyện Tuy Hòa xử  phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích năm 2004.

Hữu Toàn
.
.
.