Vì sao rừng Đắk Lắk liên tục bị tàn phá?

Thứ Ba, 16/03/2021, 08:40
Chỉ trong một thời gian ngắn trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ phá rừng với quy mô lớn. Điều đáng nói là hầu hết những vụ phá rừng này diễn ra trong một thời gian dài nhưng các chủ rừng không hề hay biết để có biện pháp ngăn chặn và chỉ đến khi người dân trình báo mới vào cuộc.

Điển hình như vào đầu tháng 3/2021, một vụ phá rừng cộng đồng tại Tiểu khu 1204 thuộc địa bàn buôn Tul, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk diễn ra một cách công khai, lâm tặc ngang nhiên vào đốn hạ khu rừng này trong nhiều ngày gây thiệt hại gần 40m3 gỗ. Vụ phá rừng này chỉ được phát hiện khi người dân gọi điện báo cho Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Bộ NN&PTNT) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Còn chủ rừng là xã Yang Mao và đơn vị quản lý Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông không hề hay biết.

Cũng tại địa bàn huyện Krông Bông, ngay trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hàng chục đối tượng đã ngang nhiên vào khu vực rừng Pơ mu thuộc địa bàn quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Krông Bông khai thác gỗ. Vụ việc này khi Công an huyện Krông Bông lập chuyên án, đấu tranh thì chủ rừng mới biết. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông lại cho rằng: “Đơn vị có tổ chức tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt nhưng khi lực lượng chức năng chưa vào đến rừng đã có người báo!”.

Một vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo số liệu của UBND tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có khoảng 515.000ha đất có rừng, phần lớn là rừng tự nhiên nhưng độ che phủ chỉ còn hơn 38%. Trong năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 716 vụ phá rừng, tịch thu gần 740m3 gỗ, hơn 500 phương tiện các loại, xử phạt hành chính tổng số tiền gần 4,5 tỷ đồng. Cũng trong năm 2020, tỉnh này phát hiện, lập hồ sơ xử lý 111 vụ phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật. Riêng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, có đến 3 vụ phá rừng nghiêm trọng.

Năm 2020, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của 4 công ty: Công ty Cao su & Lâm nghiệp Phước Hoà Đắk Lắk; Công ty Lâm nghiệp Ea HLeo; Công ty Lâm nghiệp Krông Bông và Công ty Lâm nghiệp MĐrắk. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kỷ luật 7 công chức kiểm lâm. Bên cạnh đó, Sở còn đề nghị UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các công ty lâm nghiệp để xảy ra vi phạm trên lâm phần quản lý và xử lý kỷ luật các công chức kiểm lâm vi phạm.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, hiện chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ đối với các công ty nông, lâm nghiệp ở mức 300.000 đồng/ha/năm đối với rừng giao khoán; còn nếu công ty lâm nghiệp quản lý bảo vệ rừng chung chỉ được 150.000 đồng/năm/ha không bằng 1/5 so với yêu cầu thực tế, nguồn lực quá ít. Nếu bố trí kinh phí 1 triệu đồng/ha/năm sẽ khác ngay, có tiền thuê thêm người quản lý bảo vệ rừng, chế độ chính sách người lao động được nâng lên.

Cũng theo ông Dương, ngay cả các dự án ổn định dân di cư tự do dù đã nói bao nhiêu năm nay nhưng thực tế các bộ, ngành quan tâm rất hạn chế. Có mười mấy dự án cần đầu tư để sớm định canh, định cư cho người dân nhưng hàng chục năm nay vẫn còn dang dở, kinh phí đầu tư nhỏ giọt. Trong khi đó, ông Kiểu Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Đắk Lắk thừa nhận: Một thực tế hiện nay là rừng vẫn bị tàn phá, lâm tặc vẫn hoành hành một phần là do năng lực quản lý, công cụ hỗ trợ bảo vệ rừng của các chủ rừng còn hạn chế. Các công ty lâm nghiệp chưa thực thi được đầy đủ trách nhiệm chuyên môn; chưa lập phương án khả thi để ngăn chặn lâm tặc phá rừng ở khu vực được giao quản lý.

Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Bộ NN&PTNT) cho biết, Tây Nguyên hiện đang là khu vực có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Nơi đây còn có hệ sinh thái, thảm thực vật, động vật quý hiếm có giá trị cao. Vì vậy, Nhà nước phải nhìn nhận đúng mức để có sự quan tâm đầu tư bảo vệ rừng tự nhiên bằng các cơ chế chính sách cụ thể.

“Đối với diện tích rừng tự nhiên chưa đưa vào sử dụng thì phải có sự đầu tư đúng mức để bảo vệ trước sự dòm ngó của lâm tặc. Các chủ rừng cũng cần được đầu tư và quy định rõ ràng trách nhiệm bằng các thỏa thuận. Có cơ chế, trao quyền cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, với quyền hạn nhất định, được sử dụng được vũ khí “nóng” để sẵn sàng ứng phó với lâm tặc.

Hàng chục năm nay, áp lực bảo vệ rừng ở tỉnh Đắk Lắk là rất lớn. Nhiều vùng người dân, đồng bào tại chỗ di cư tự do có hoàn cảnh khó khăn đã đi vào rừng khai thác gỗ hoặc lấn chiếm lấy đất sản xuất. Vì vậy, cần có giải pháp để bà con có sinh kế làm ăn hoặc nhận khoán bảo vệ rừng với đồng lương xứng đáng”, ông Tài nói.

Văn Thành
.
.
.