Rừng Đắk Lắk bị tàn phá vô tội vạ vì dự án trồng rừng và cây cao su

Thứ Sáu, 04/01/2013, 01:26
Thực hiện Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 tại Tây Nguyên”, ngày 3/11/2009, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 3061/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao su và cấp giấy phép cho các doanh nghiệp khảo sát, lập dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2009-2020. Sau gần 4 năm triển khai, việc thực hiện chương trình này đã và đang nảy sinh nhiều bất cập…

Trồng ít, phá nhiều…

Sau khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch phát triển trồng rừng, cải tạo rừng, trồng cao su… đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cho phép 90 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát, lập 104 dự án đầu tư.

Việc cấp phép ồ ạt cho các doanh nghiệp đến Đắk Lắk dưới danh nghĩa đầu tư trong khi nhiều chủ dự án thiếu năng lực tài chính, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng đã để rừng bị phá, lấn chiếm nhưng không có biện pháp ngăn chặn khiến hàng ngàn hécta rừng bị xâm hại một cách không thương tiếc. Và sự ồ ạt của các dự án này đã kéo theo phản ứng dây chuyền khiến một số người dân tổ chức chiếm đất, phá rừng trái phép trong khu vực dự án để lấy đất hoặc để đòi chủ dự án bồi thường, tạo áp lực lớn đến công tác bảo vệ rừng.

Theo số liệu thống kê, sau gần 4 năm thực hiện, đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ mới trồng vỏn vẹn hơn 7.235ha cao su và gần 8.000ha rừng. Tiến độ trồng cao su, trồng rừng thì diễn ra theo kiểu “rùa bò” so với kế hoạch, còn việc tận thu gỗ trên diện tích rừng được phép chuyển đổi lại được các doanh nghiệp triển khai rất nhanh chóng. Với ngần ấy thời gian, hơn 44.000.000m3 gỗ trên diện tích 7.343ha rừng đã bị khai thác. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến tháng 9/2012, toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 10.000ha rừng bị tàn phá và lấn chiếm, trong đó có gần 3.000ha rừng và đất lâm nghiệp bị chặt phá và lấn chiếm thuộc quản lý của các dự án.

Đơn cử như dự án đầu tư quản lý bảo vệ rừng và trồng cây mít do Công ty Cổ phần Vinamit làm chủ đầu tư. Theo đó, ngày 8/12/2010, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thu hồi 925,83ha đất tại tiểu khu 294, 295 thuộc địa bàn xã Cư Mlan, huyện Ea Súp của Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh để giao cho công ty này thực hiện dự án.

Tuy nhiên, theo kết quả rà soát hiện trạng về rừng và đất lâm nghiệp của dự án vào cuối tháng 6/2012 cho thấy, công ty này đã để mất 741,6ha rừng. Trong khi đó chỉ trồng vỏn vẹn được 58ha cao su, 5,5ha điều và 133,4ha hoa màu khác. Trước thực trạng trên, ngày 23/7/2012, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thu hồi số diện tích trên giao lại cho Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh để sử dụng vào mục đích đất rừng sản xuất. Đây cũng là kết cục buồn của một dự án sau hai năm giao đất, giao rừng nhưng rừng nghèo đã được khai thác xong, còn việc trồng thì chẳng được là bao.

Nhiều dự án trồng rừng, trồng cao su... ở Đắk Lắk đang để mất rừng một cách tràn lan.

Tương tự, trong quá trình triển khai khảo sát, lập dự án, một số doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, nhiều doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này xin dự án rồi mua bán, sang nhượng trái phép… Cụ thể, Công ty Lộc Phát được thuê gần 800ha đất rừng tại tiểu khu 104, 106 xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo để trồng rừng nhưng đã sang nhượng cho doanh nghiệp khác. Việc làm này không đúng với dự án đã được thẩm định và quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh.

Và những hệ lụy

Câu chuyện về quản lý bảo vệ rừng chưa có hồi kết thì sự góp mặt của những dự án trồng rừng như trên ít nhiều cũng đã tạo thêm áp lực cho chính quyền cơ sở. Đơn cử như tại huyện Ea Súp, với hơn 20 dự án chuyển đổi từ rừng sang trồng cao su, các dự án trồng rừng, cải tạo rừng và các dự án nông lâm nghiệp khác, nội riêng công tác quản lý nhân khẩu, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn cũng rất phức tạp.

Từ những bất cập, vướng mắc nảy sinh trong thực tế, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng đã được tỉnh giao đất, cho thuê đất, thuê rừng. Theo đó, tỉnh đã thu hồi 32 dự án không có hiệu quả. Hiện tại còn có 57 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang thực hiện 71 dự án tại các huyện Ea Súp, Ea Hleo, Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Năng. Tuy nhiên, trong số này, không ai có thể kiểm nghiệm được về năng lực tài chính, kinh nghiệm trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng của các doanh nghiệp là như thế nào?.

Bên cạnh đó, việc những chủ dự án không thực hiện đúng quy định, để mất rừng nhưng chưa có đơn vị nào bị xử lý, đứng ra chịu trách nhiệm dẫn đến các doanh nghiệp xem thường, dẫn đến để mất rừng như một lẽ đương nhiên. Thậm chí, có dư luận cho rằng, nếu không được xử lý triệt để các doanh nghiệp sẽ lại tiếp tục vi phạm vì cho rằng người khác làm được thì mình cũng làm được.

Quả bóng mất rừng từ những dự án chuyển đổi rừng đang được đẩy qua đẩy lại giữa chính quyền địa phương - doanh nghiệp - cơ quan chức năng trong ngành lâm nghiệp. Trái bóng ấy vẫn lăn thì cây rừng vẫn bị triệt hạ, trong khi biến đổi khí hậu do mất rừng đang diễn ra trước mắt, còn trồng lại rừng, cũng là chỉ rừng nguyên liệu sản xuất giấy, để có những cánh rừng nguyên sinh, phải mất đến hàng chục, hàng trăm năm. Đã đến lúc chính quyền tỉnh Đắk Lắk cần đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan về các dự án, đưa ra một lời giải, một biện pháp hữu hiệu, triệt để, nếu không những cánh rừng bạt ngàn ở Đắk Lắk sẽ sớm bị “xóa sổ” trong nay mai

Văn Thành
.
.
.