"Vay nợ mất luôn nhà" - trò lừa đảo tinh vi đã "vươn" đến Điện Biên Phủ

Thứ Hai, 28/03/2016, 08:09
Thời gian vừa qua, dư luận trên địa bàn TP Điện Biên Phủ xôn xao trước nhiều vụ người dân "thế chấp" nhà để vay tiền nhưng sau đó lại mất luôn khối tài sản cả đời tích cóp bởi bị chính chủ nợ cho vào bẫy bằng các thủ đoạn pháp lý xưa như trái đất!.


* Vay nợ mất luôn nhà

Hình thức cho vay lãi tính theo ngày nhưng yêu cầu thế chấp tài sản bằng hợp đồng mua bán tài sản (sổ đỏ đất ở), sau đó tự làm thủ tục sang tên mình, người vay nợ chỉ biết sự việc khi có giấy triệu tập của Tòa án, câu chuyện này không phải là mới ở Hà Nội và gần đây nhất là ở Cà Mau, chính quyền đã phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho những người mất nhà theo kiểu "tình ngay lý gian" này.

Cứ ngỡ vụ việc kiểu này chỉ diễn ra ở các đô thị lớn nhưng gần đây, nhiều người dân trên địa bàn TP Điện Biên Phủ đã ngơ ngác sập bẫy chủ nợ. Vụ việc thực sự gây rúng động dư luận bởi vùng đất cực Tây Bắc này lâu nay vốn nổi tiếng bởi sự yên bình, thân thiện.

Nạn nhân đầu tiên trong vụ việc này cực chẳng đã phải kéo nhau ra tòa là ông Nguyễn Quang Tuyến (56 tuổi) HKTT ở Tổ 15, phường Làng Thượng, Đống Đa, Hà Nội. 

Trở lại vụ việc này, ngày 31-7-2009, em vợ ông Tuyến là vợ chồng ông Nguyễn Viết Cường – bà Phạm Thị Nga (trú tại tố 21 phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ) do phải thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng Công thương tỉnh Điện Biên đã đến vay ông Bùi Văn Bột – chủ hiệu cầm đồ ở TP Điện Biên Phủ số tiền 500 triệu đồng.

Ngôi nhà số 27, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ.

Để vay được số tiền này, theo yêu cầu của ông Bột là phải có tài sản thế chấp, ông Tuyến đã cho em vợ mượn ngôi nhà của mình tại địa chỉ số 27, tổ 23 phường Mường Thanh, TP Điện Biên. Xin nói thêm, ngôi nhà này vợ chồng ông Tuyến trước đó đã nhượng lại cho người em ruột là Nguyễn Tất Thành, tuy nhiên chưa làm thủ tục chuyển nhượng.

Ông Tuyến cho biết: “Theo yêu cầu của ông Bột, tôi phải làm hợp đồng mua bán, công chứng tài sản cho ông Bột với giải thích đây là hợp đồng giả cách để đảm bảo khoản vay. Khi nào ông Cường, bà Nga trả hết tiền gốc và lãi, ông Bột sẽ trả lại giấy tờ nhà đất và hủy hợp đồng mua bán” .

Tuy nhiên vợ chồng ông Cường, bà Nga sau 2 tháng chưa thanh toán hết nợ và lãi, ông Bột đã "bí mật" sang tên sổ đỏ tài sản thế chấp sang tên mình mà vợ chồng ông Tuyến không hề hay biết. Chưa dừng ở đó, ông Bột tiếp tục làm đơn khởi kiện vợ chồng ông Cường - bà Nga và vợ chồng ông Tuyến - bà Oanh (người đang đứng tên sổ đỏ căn hộ là tài sản thế chấp) ra tòa án nhân dân TP Điện Biên Phủ...!?

Chỉ vì tin tưởng vào một hợp đồng giả cách để em vợ vay được tiền, ông Nguyễn Quang Tuyến đã mất nhà và bị khởi kiện.

Ngày 21-1-2014, TAND TP Điện Biên Phủ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa nguyên đơn Bùi Văn Bột và vợ chồng bị đơn Nguyễn Viết Cường - Phạm Thị Nga. Trước đó, vào cuối tháng 12-2013, TAND TP Điện Biên Phủ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất” giữa ông Bùi Văn Bột và vợ chồng ông Nguyễn Quang Tuyến do ông Bột rút đơn khởi kiện.

Theo nội dung thỏa thuận giữa các đương sự, vợ chồng ông Cường – bà Nga có trách nhiệm thanh toán số tiền cả gốc và lãi là 591.213.750 đồng cho ông Bột, trong đó tiền gốc 550 triệu; tiền lãi hơn 36 triệu đồng. Cơ quan thi hành án TP Điện Biên Phủ đã tiến hành phát mại tài sản của vợ chồng bà Nga là căn nhà số 73 (tổ 21 phường Him Lam) để thực hiện thi hành án.

Việc vay nợ của ông Cường – bà Nga đã được thực hiện, lẽ ra ông Bột phải có trách nhiệm trả lại giấy tờ, sổ đỏ căn nhà số 27 (tổ 23, phường Him Lam) là tài sản dùng để thế chấp do vợ chồng ông cho em mình mượn nhưng ông này tiếp tục khởi kiện để “đòi lại tài sản” đã mua bán giữa ông và vợ chồng ông Tuyến là căn hộ được dùng làm tài sản thế chấp, được “hợp pháp” bằng hợp đồng mua bán tài sản.

Cho rằng bị ông Bột chiếm đoạt tài sản bằng hình thức yêu cầu làm hợp đồng mua bán tài sản thế chấp khoản vay 500 triệu đồng của em vợ, ông Tuyến đã có đơn tố cáo gửi Công an TP Điện Biên Phủ, đồng thời yêu cầu TAND TP Điện Biên Phủ dừng việc thụ lý vụ án chuyển sang cơ quan công an.

* Bi hài: Luật pháp hay luật tục?

Thủ tục chuyển nhượng, làm "sổ đỏ" cần nhiều thủ tục pháp lý chặt chẽ của các cấp có thẩm quyền nhưng không hiểu bằng cách nào ông Bùi Văn Bột lại "qua mặt" được nhiều cơ quan chức năng và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của UBND TP Điện Biên Phủ?

Qua điều tra của phóng viên, được biết ngày 31-7-2013 vợ chồng ông Tuyến và ông Bùi Văn Bột đã đến Văn phòng Công chứng Xuân Phúc (Tổ 21 phường Him Lam) để làm giấy tờ chuyển quyền sử dụng đất (SDĐ). Theo hợp đồng này, vợ chồng ông Tuyến sẽ chuyển cho ông Bột quyền sử dụng 99m2 đất. Lô đất này hộ ông Tuyến được cấp Giấy chứng nhận quyền SDĐ từ năm 2008.

Ông Cao Xuân Tường – Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ: "Mặc dù giấy có tên chung là “Giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất. Nhưng vì trong hợp đồng công chứng không có nội dung công chứng chuyển quyền sở hữu nhà ở nên trong sổ đỏ của ông Bột chúng tôi không ghi nội dung sở hữu nhà”.

Mặc dù trên lô đất có tài sản gắn liền với đất là một ngôi nhà hai tầng có diện tích xây dựng 96m2, diện tích sàn là 192m2 nhưng Công chứng viên Cao Hồng Phong cũng chỉ công chứng “Hợp đồng chuyển nhượng quyền SDĐ được giao kết giữa Bên chuyển nhượng là ông Nguyễn Quang Tuyến, vợ là bà Nguyễn Thị Oanh và Bên nhận chuyển nhượng là ông Bùi Văn Bột”. 

Giá chuyển nhượng quyền SDĐ là 600 triệu đồng (theo trình bày của ông Tuyến đây là khoản vay gốc 500 triệu đồng và tiền lãi; giá trị thực của lô đất khi đó theo giá thị trường là hơn 1 tỷ đồng).

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Hồng Phong (Công chứng viên và cũng là Trưởng Văn phòng Công chứng Xuân Phúc) cho rằng: “Theo tập quán ở Điện Biên, việc người dân nhượng quyền SDĐ cũng đồng nghĩa với việc bán theo tài sản trên đất”.

Phóng viên có đặt câu hỏi: Theo quy định của pháp luật, nhà là một loại tài sản mà Nhà nước quy định phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Vậy công chứng viên chỉ công chứng việc chuyển nhượng quyền SDĐ thì làm sao có thể hiểu được là công chứng cả việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở? Trước câu hỏi này, Công chứng viên Cao Hồng Phong đã im lặng!.

Làm việc với Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ thuộc UBND TP Điện Biên Phủ, ông Cao Xuân Tường – Phó Giám đốc Văn phòng giải thích: “Căn cứ vào Hợp đồng chuyển quyền SDĐ giữa ông Tuyến và ông Bột, chúng tôi đã cấp giấy sang tên cho ông Bột. Mặc dù giấy có tên chung là “Giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất. Nhưng vì trong hợp đồng công chứng không có nội dung công chứng chuyển quyền sở hữu nhà ở nên trong "sổ đỏ" của ông Bột chúng tôi không ghi nội dung sở hữu nhà”.

Chưa kể theo quy định hiện hành, 2 con của ông Tuyến - bà Oanh (SN 1982 và 1988) đều có nghĩa vụ và trách nhiệm trong lô đất và tài sản của gia đình. Nhưng khi làm thủ tục công chứng, sang tên đổi chủ và cấp "sổ đỏ", mặc dù không có chữ ký của 2 người con này nhưng các cơ quan chức năng vẫn "vô tư" ký!?

Được biết, hiện nay ở TP Điện Biên Phủ một số người vay tiền của ông Bùi Văn Bột dẫn đến mất nhà và đã viết đơn tố cáo gửi cơ quan Công an đề nghị bảo vệ quyền lợi cho mình.

Đại tá Vũ Tiến Dũng, Trưởng Công an TP Điện Biên Phủ: "Chúng tôi đã nhận được đơn của ông Nguyễn Quang Tuyến. Hiện nay, vụ việc này đang được TAND TP Điện Biên Phủ xét xử, nếu có kiến nghị, thắc mắc, ông Tuyến có quyền tập hợp chứng cứ, tài liệu cung cấp cho Tòa án tiếp tục thụ lý giải quyết theo thẩm quyền".


Hoa Oanh Vũ
.
.
.