Từ vụ cháy làm 4 người tử vong: Cần tìm lối thoát hiểm cho nhà ống
Ngày 13-3, Công an quận Bình Tân, Phòng Pháp chế điều tra cháy nổ - Cảnh sát PCCC TP HCM đang tiếp tục khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ cháy tại căn nhà trọ phía sau trại hòm Đức Lập (1686, tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) khiến 4 người trong một gia đình tử vong rạng sáng 12-3.
Theo một diễn biến khác, sau khi xác định được danh tính của từng thi thể, chiều tối cùng ngày xảy ra vụ cháy, 4 nạn nhân đã được chuyển về xã Hòa Thắng, huyện Hòa Bắc, tỉnh Bình Thuận để gia đình tổ chức ma chay.
Ông Nguyễn Thái Gia Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, UBND quận cùng các đoàn thể đã đến hỏi thăm, chia buồn và hỗ trợ gia đình 4 nạn nhân 80 triệu đồng cùng 4 áo quan cùng phương tiện để người nhà đưa các nạn nhân về quê mai táng.
Trở lại hiện trường vụ cháy, nhiều người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng bởi vụ cháy không lớn nhưng lại gây ra hậu quả nặng nề. Căn nhà cấp 4 có tổng diện tích là 120m² gồm trệt, gác gỗ mái tôn sau vụ cháy đã bị nứt toác và nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Đa phần nhà dạng ống đều không mở lối thoát hiểm. |
Bên trong hiện trường nhiều vật dụng trong căn nhà cháy nham nhở. Ba chiếc xe máy cháy trơ khung đã được cơ quan chức năng đưa đi giám định nhưng 200 tấm ván ép cháy như than vẫn còn chất đống trong nhà. Căn nhà này thuộc phần phía sau của trại hòm Đức Lập do ông Võ Hoài Nam (47 tuổi) làm chủ.
Theo quan sát, căn nhà trọ này có đến 4 cửa sổ tại tầng trệt và trên gác nhưng duy nhất chỉ có một cửa ra vào, là nơi đi lại và thoát hiểm. Một trong 4 cửa sổ của căn nhà lại bị che khuất bởi đống gạch ống. Vị trí cháy xuất phát từ ngay cửa ra vào, nơi dựng 3 xe gắn máy, 200 tấm ván ép. Khi vụ cháy xảy ra nơi cửa thoát hiểm, cửa lại bị khóa, khói độc từ xăng, bánh xe gắn máy, gỗ tỏa ra nên 4 nạn nhân trong nhà không có lối để thoát ra ngoài, ngạt và chết cháy.
Đây không phải là vụ cháy nghiêm trọng đầu tiên khiến nhiều người tử vong cùng một lúc mà trước đó đã có nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khiến những người trong nhà chết vì ngạt khói.
Rạng sáng 16-12-2016, đám cháy bùng phát tại số nhà 453/6 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3 khiến 6 người trong nhà tử vong. Điểm phát cháy có đến 6 chiếc xe gắn máy. Hay rạng sáng 4-10-2016, đám cháy bùng phát tại tiệm cho thuê rạp cưới trên đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 khiến 2 vợ chồng và đứa con gái 2 tuổi thiệt mạng.
Một điều dễ nhận thấy là cả 3 vụ cháy nghiêm trọng trên đều xảy ra tại các căn nhà dạng ống, vừa là nơi ở vừa là nơi tận dụng kinh doanh. Ba điểm xuất phát cháy đều từ vị trí cửa chính, nơi thoát hiểm duy nhất của tất cả mọi người trong nhà. Nhiều ý kiến cho rằng tại sao không làm lối thoát hiểm để đề phòng cháy nổ mà có đường thoát.
Anh Tuấn, một người dân sống tại khu dân cư nơi xảy ra vụ cháy đêm 12-3 chặc lưỡi: “Nhà ống mà có lối thoát hiểm thì quả là xa xỉ. Mọi ngóc ngách trong nhà phải tận dụng tối đa mới đủ không gian sinh hoạt, có nhà còn cơi nới thêm thì lấy đâu ra chỗ làm cửa thoát hiểm. Mặt khác các căn nhà đều đối đuôi nhau thì khoảng không nào để mở cửa.
Ngay cả việc mở cửa sổ còn bị hàng xóm kiện là chiếm không gian nhà họ vậy thì mở lối thoát hiểm bằng cách nào. Họa may nhà có 2 mặt tiền thì còn nghĩ đến cửa thoát hiểm! Còn nữa, đa phần mọi người đều sợ trộm đột nhập nên sẽ “rào chắn” căn nhà mình hơn là việc mở lối thoát hiểm cho… trộm đột nhập”.
Đúng như lời anh Tuấn nói, đa số những nhà tại TP Hồ Chí Minh được thiết kế theo dạng nhà hộp, chỉ có một cửa thoát hiểm duy nhất ở tầng trệt, được khóa bằng 2-3 lớp cửa. Nhà nào có cửa thoát hiểm tại tầng 2, tầng 3 thì sử dụng “lồng sắt” hàn kín để chống trộm. Bởi vậy khi hỏa hoạn xảy ra, những người trong nhà như bị nhốt kín trong lồng sắt, khó thoát.
Qua nhiều vụ cháy nghiêm trọng từ những căn nhà dạng ống, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã khuyến cáo, dạng nhà ống không có cửa sau, cửa hông để thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra vì diện tích nhà nhỏ lại được tận dụng làm nơi kinh doanh. Tuy vậy không phải là không có biện pháp để phòng tránh. Đối với nhà tầng cần có lối thoát hiểm trên sân thượng hoặc lối thoát qua mái nhà, ban công hàng xóm.
Mặt khác bên trong nhà cần trang bị các dụng cụ chữa cháy, phá tường để khi sự cố cháy xảy ra sẽ nhanh chóng tạo lối thoát hiểm. Điều đặc biệt là các nạn nhân trong vụ cháy không nên hoảng loạn dễ bị hít phải khói khí độc dẫn đến ngất xỉu và tử vong vì ngạt khí.