Thông tin tiếp vụ “khóa cổng trường, phản đối di dời học sinh”

Thứ Năm, 19/10/2017, 08:43
Quyết định di dời học sinh của Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận khiến cho bà Măng cũng như nhiều phụ huynh bức xúc và đặt câu hỏi: Tại sao lại phải xây dựng một ngôi trường mới và gấp rút di dời học sinh, dù rằng ngành Giáo dục địa phương chưa có nhu cầu sử dụng?


Như Báo CAND đã thông tin ban đầu, trên 100 học sinh mẫu giáo, tiểu học của điểm phụ Ngã Sáu, Trường Tiểu học Bình Minh (gọi tắt là Điểm trường Ngã Sáu, xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) không thể vào được lớp học vì cổng rào bị khóa chặt. Người khóa cổng trường là bà Nguyễn Thị Măng (70 tuổi, ngụ ấp Bời Lời B) - người từng hiến 4.000m² đất để xây dựng Trường THCS Bình Minh (nay là Điểm trường Ngã Sáu).

Với quy mô 11 phòng học khang trang, được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2007, đào tạo khoảng 250 học sinh từ lớp 6đến lớp 9, trên địa bàn xã Bình Minh nhưng vào thời điểm kết thúc học kì I năm học 2015 – 2016, phụ huynh và học sinh của trường này bất ngờ nhận được thông báo của Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận về việc di dời tất cả học sinh, giáo viên về học và giảng dạy tại Trường Tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận, cách trường cũ 4km. 

Sau khi học sinh bị chuyển đi nơi khác, Trường THCS Bình Minh chỉ còn lèo tèo vài lớp học. Hiện còn 6/11 phòng học không được sử dụng đã bắt đầu xuống cấp. 

Bức xúc khi thấy tâm huyết, sự cống hiến của mình dành cho ngành Giáo dục không được trân trọng, bà Măng khóa cổng rào không cho học sinh vào trường, phản đối việc di dời học sinh.

Quyết định di dời học sinh của Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận khiến cho bà Măng cũng như nhiều phụ huynh bức xúc và đặt câu hỏi: Tại sao lại phải xây dựng một ngôi trường mới và gấp rút di dời học sinh, dù rằng ngành Giáo dục địa phương chưa có nhu cầu sử dụng?

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, Trường Tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận được hoàn thành tất cả các hạng mục từ tháng 8-2013. Nhưng mãi đến đầu học kì II năm học 2015 – 2016, Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận mới có quyết định chuyển toàn bộ học sinh, giáo viên từ Trường THCS Bình Minh về trường này. 

Sự việc gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc học tập, đi lại học sinh trên địa bàn xã. Một số học sinh của Trường THCS Bình Minh đã phải bỏ học và chuyển sang trường khác vì không có đủ điều kiện, do đi học xa nhà.

Trường Tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận đã đi vào hoạt động gần 5 năm nhưng chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Theo số liệu thống kê, năm học 2015 – 2016, tổng số học sinh của Trường THCS Bình Minh chuyển về Trường Tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận là 192 em, đến cuối năm học, có 12 em học sinh bỏ học, 14 em chuyển đến trường khác. Đến năm học 2016 - 2017, chỉ còn 187 học sinh, cuối năm học lại có thêm 9 em bỏ học, 8 em chuyển trường. 

Ông Phan Văn Đoàn (ấp Bời Lời B) bức xúc: “Nhà tôi không có ruộng đất, phải đi làm thuê làm mướn, chạy ăn từng bữa. Năm ngoái, tự nhiên con gái về báo sẽ phải đi học xa do phải dời về trường học mới cách nhà 5km. Nếu đi bằng xe buýt thì mỗi ngày đi học phải tốn hơn 15.000 đồng, chưa kể tiền ăn uống. Bậc là cha, làm mẹ như chúng tôi phải đứt ruột khi cho con mình nghỉ học, vì không đủ điều kiện chăm lo cho các cháu”. 

Theo nhiều phụ huynh, thì khi tiến hành chuyển trường, nhà trường có tổ chức họp lấy ý kiến phụ huynh nhưng chỉ mang tính chất thông báo. Vì trên thực tế, phụ huynh không có lựa chọn nào khác, nếu không đồng ý chuyển trường thì chỉ cho con nghỉ học…

Để làm rõ nguyên nhân của việc di dời học sinh và nhằm tìm hướng hỗ trợ cho các em học sinh bị bỏ học giữa chừng quay lại lớp, PV Báo CAND đã có buổi làm việc với ông Huỳnh Minh Tâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận. 

Ông Tâm cho chúng tôi xem tờ trình của UBND thị trấn Vĩnh Thuận xin thành lập trường vào ngày 6-5-2016. Theo đó, trong đề án xin thành lập trường có diện tích 3ha, quy mô 13 phòng học, phục vụ giảng dạy cho 5 lớp Tiểu học và 8 lớp THCS, với tổng số học sinh là 455 em. 

Đến ngày 7-6-2016, UBND huyện Vĩnh Thuận ra quyết định đồng ý. Như vậy, quy trình làm hồ sơ thủ tục xin thành lập trường từ tờ trình, đề án của thị trấn, của Phòng GD&ĐT, đến quyết định thành lập trường của UBND huyện chỉ vỏn vẹn 1 tháng. 

Trong khi đó, trường đã xây dựng và hoàn thành từ trước đó gần 3 năm, UBND huyện Vĩnh Thuận mới ra quyết định phê duyệt tổng mặt bằng công trình nhà trường. Đồng thời, đến nay đã gần 5 năm mà Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận vẫn chưa hoàn thành các thủ tục xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quyết định đồng ý cho thành lập trường của UBND huyện Vĩnh Thuận nói rõ: Việc xin thành lập thêm Trường Tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em của thị trấn học tập, đáp ứng nhu cầu phát triển đào tạo nhân lực tại chỗ cho mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương và các địa bàn lân cận. 

Thực tế từ năm 2013 đến nay, trường vẫn không thể tuyển sinh được bất cứ lớp tiểu học nào, còn học sinh THCS thì gần như là học sinh của xã Bình Minh bị buộc chuyển sang trong khi đề án thành lập trường này chủ yếu là để phục vụ cho con em thị trấn.

Để “hợp thức hoá” việc này và “xoa dịu” dư luận, sau khi học sinh THCS của xã Bình Minh bị bắt buộc chuyển về Trường Tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận hơn một năm, thì Phòng GD&ĐT huyện mới làm tờ trình xin giải thể Trường THCS Bình Minh. 

Lý do giải thể mà Phòng GD&ĐT đưa ra là: “Qua 12 năm hoạt động, hằng năm quy mô trường chỉ ở mức 6 lớp học THCS với gần 200 học sinh. Do điều kiện dân cư sống phân tán, cách xa trường nên Trường THCS Bình Minh không có khả năng để mở rộng quy mô”. 

Tuy nhiên, trong một biên bản họp phụ huynh học sinh (PHHS) nhà trường ngày 20-4-2016 do Hiệu trưởng Trường THCS Bình Minh chủ trì lại nêu lý do giải thể là: “Trường chỉ còn 173 học sinh/7 lớp so với Điều lệ thì số lượng học sinh quá ít không đủ điều kiện hoạt động cho một trường THCS. Từ đó lãnh đạo Phòng GD&ĐT chỉ đạo nhà trường tổ chức họp PHHS để lấy ý kiến giải thể Trường THCS Bình Minh”.

Còn việc học sinh nghỉ học vì lí do di dời trường, ông Huỳnh Minh Tâm khẳng định: “Đến nay, vẫn chưa nắm được có trường học sinh nào nghỉ học vì phải chuyển trường. Đồng thời, trước khi chuyển trường đã có tổ chức họp phụ huynh và thống nhất ý kiến”.

Như chúng tôi đã thông tin, Trường THCS Bình Minh được xây dựng nên từ tấm lòng của bà Nguyễn Thị Măng, khi bà hiến hơn 4.000m² đất, cùng một nhà tài trợ người Mỹ và Quỹ trẻ em Việt Nam tài trợ xây trường. Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận lấy lý do học sinh ít để giải thể, dùng tiền ngân sách để xây dựng một ngôi trường khác nhưng cũng chỉ phục vụ giảng dạy cho chính các em học sinh này (chỉ gần 200 học sinh), trong khi nhiều phòng học ở ngôi trường cũ bị bỏ trống. 

Việc “xóa sổ” Trường THCS Bình Minh đã khiến địa phương gặp khó khăn trong việc phổ cập THCS khi mà xã không còn ngôi trường THCS…

Điều khiến dư luận tại huyện Vĩnh Thuận quan tâm là trong khi các hồ sơ, thủ tục pháp lý của Trường Tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận vẫn chưa hoàn thành, thì ngôi nhà và dãy ki-ốt nhiều căn của ông Trưởng Phòng GD&ĐT huyện đang được xây dựng ngay trước cổng trường và chạy dài theo lối đi chính vào trường.

Trần Lĩnh
.
.
.