Trên 100 học sinh không thể vào trường vì cổng bị khóa

Thứ Tư, 11/10/2017, 17:13
Đã 3 ngày nay, trên 100 học sinh của điểm phụ Ngã Sáu, Trường Tiểu học Bình Minh (gọi tắt là điểm trường Ngã Sáu, ấp Bời Lời B, xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) không vào được lớp học vì cổng rào bị khóa chặt. 

Ngày 11-10, PV Báo CAND Online có mặt tại điểm trường để ghi nhận, xác minh thông tin. Được biết, từ ngày thứ hai (ngày 8-10), các phụ huynh có con em theo học tại điểm trường Ngã Sáu vô cùng bức xúc, khi đưa con đến trường nhưng không được vào lớp như thường ngày, vì cổng rào của trường bị khóa chặt. 

Trước đó, từ tháng 9 đến nay, trường này cũng nhiều lần bị khoá cổng không cho học sinh vào học, có lần đóng cửa kéo dài cả tuần lễ. 

Chị La Thị Huyền Trang (ấp Bời Lời B) có 2 con đang theo học tại đây, cho biết: “Từ lúc nhập học đến giờ, hai cháu đã 2 - 3 lần nghỉ học rồi. Đứa nhỏ đang học mẫu giáo thì không vấn đề gì, còn đứa lớn đang học lớp 3, nghỉ học như thế này thì ảnh hưởng rất nhiều đến các cháu. Phụ huynh chúng tôi mất công vô cùng vì đưa con đến trường lại đưa về”.

Cổng rào của Điểm trường Ngã Sáu bị khóa chặt, khiến học sinh không thể vào lớp.

Tìm hiểu thì được biết, người khóa cổng trường không cho học sinh vào lớp là bà Nguyễn Thị Măng (70 tuổi, ngụ ấp Bời Lời B). Bà Măng chính là người hiến 4.000m2 đất để xây dựng Trường THCS Bình Minh với 11 phòng học khang trang. Kinh phí xây dựng trường do một nhà tài trợ người Mỹ và Quỹ Trẻ em Việt Nam tài trợ.

Trường được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2007, với quy mô đào tạo khoảng 250 học sinh từ lớp 6  đến lớp 9, trên địa bàn xã Bình Minh. Tuy nhiên, vào thời gian kết thúc học kì I (niên khóa 2015 – 2016), phụ huynh và học sinh bất ngờ nhận được thông báo của Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận về việc di dời về tất cả học sinh, giáo viên của Trường THCS Bình Minh về học và giảng dạy tại trường Tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), cách trường cũ 4km. 

Sau khi di dời, ngôi trường đó bị bỏ trống không sử dụng một thời gian. Sau đó, Phòng GD&ĐT chỉ định 2 lớp mẫu giáo về học (khoảng 50 em). Tiếp đến, đầu năm học 2017-2018, có khoảng 100 học sinh của 3 lớp thuộc khối 3, 4, 5 của trường Tiểu học Tân Thuận 2 (xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận) về học và được đổi tên thành điểm Ngã Sáu – Trường Tiểu học Bình Minh.

Cơ sở vật chất của Điểm trường Ngã Sáu đang bị xuống cấp.

Hiện, điểm trường Ngã Sáu vẫn còn 6/11 phòng học không sử dụng đến, khiến cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Đau lòng khi thấy tâm huyết, sự cống hiến của mình dành cho ngành Giáo dục không được trân trọng, bà Măng cho biết, lí do gia đình khóa cổng rào không cho học sinh vào trường là vì muốn được gặp và làm việc với Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận. 

“Gia đình tôi hiến đất xây trường vì muốn con cháu ở địa phương có điều kiện được học con chữ, sau này lớn lên trở thành người có ích cho xã hội. Đây là vùng xa, đời sống mọi người còn khó khăn, điều kiện cho con em đi học là rất khó khăn. Nay các cháu lại bị dời về trường xa nhà hơn. Nhiều gia đình không có điều kiện buộc lòng cho con họ nghỉ học. Nhìn cảnh này, tôi cảm thấy rất bức xúc với cách làm việc của ngành Giáo dục. Tại sao trường này còn nhiều phòng học trống mà bắt học sinh phải đi trường khác học…? ” – bà Măng nói.

Xung quanh sự việc, PV có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Bình Minh. Tại đây, đại diện UBND xã cho biết: Khi chuyển học sinh đi đến điểm học mới, trường bỏ trống, gia đình bà Măng phản ứng. Nên năm học 2016 - 2017, địa phương và ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận vận động học sinh ở trường tiểu học Tân Thuận 2 (xã Tân Thuận) sang học nhưng chẳng được bao nhiêu. Sang năm học 2017 - 2018, điểm Ngã Sáu có 3 lớp tiểu học (từ lớp 3 đến lớp 5) và 2 lớp mẫu giáo, tổng số khoảng 140 học sinh. 

“Về hướng giải quyết, địa phương sẽ tiếp tục vận động các em học sinh có hộ khẩu ở xã Bình Minh đang theo học tại Trường Tiểu học Tân Thuận 2 về Điểm trường Ngã Sáu học, chủ yếu là các học sinh lớp 1 và 2 để lấp đầy các phòng học còn lại, đúng theo nguyện vọng gia đình bà Măng” – ông Trung, cho biết.

Trần Lĩnh
.
.
.