Thi hành án thiếu trách nhiệm - Bản án kéo dài 12 năm

Thứ Sáu, 21/09/2018, 08:36
Một trong những nguyên nhân gây ra các vụ khiếu kiện gay gắt, kéo dài gây bức xúc trong dư luận là sự thờ ơ, vô cảm của người thực thi pháp luật. Và việc thi hành một bản án dân sự không có gì phức tạp kéo dài hơn 12 năm được ví như một trò đùa.

Bản án dân sự phúc thẩm số 106/2006/DS-PT ngày 9-5-2006 của TAND tỉnh Đồng Nai tuyên buộc ông Lê Minh Cảm và bà Dương Thị Hồng (ngụ ấp Cát Lái, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) có trách nhiệm trả cho bà Trần Thị Đức Hạnh (ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) số tiền gần 2,8 tỷ đồng cùng lãi suất chậm thi hành án (THA); đồng thời tiếp tục kê biên diện tích đất 1.775m2 tọa lạc tại xã Phú Hữu của ông Cảm, bà Hồng để đảm bảo THA.

Sau khi bà Hạnh có đơn yêu cầu THA, ngày 26-5-2006, Chi cục THA dân sự huyện Nhơn Trạch có Quyết định số 498/QĐ-THA thi hành bản án nói trên. Ông Cảm, bà Hồng không tự nguyện THA, mà có đơn kiếu nại bản án. Lần lượt TAND Tối cao, VKSND Tối cao có văn bản trả lời Bản án phúc thẩm số 106/2006/DS-PT của TAND tỉnh Đồng Nai không có gì sai sót, giải quyết đúng pháp luật. Và trong suốt 12 năm qua kể từ khi có quyết định THA cũng chưa có bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào tạm đình chỉ THA cả. Thế nhưng bản án vẫn không được thi hành dù đã rõ mười mươi và người phải THA hoàn toàn có điều kiện để THA.

Chấp hành viên (CHV) đầu tiên thụ lý vụ việc này là ông Trần Duy Tám, một người có thâm niên trong ngành THA. Thế nhưng, không biết vì lý do nào mà ông cố tình không THA, làm trái các quy định của pháp luật về THA nên quá trình thi hành án từ 6-2006 đến tháng 6-2009 đã bị hủy bỏ và phải làm lại từ đầu.

Người thay ông Tám là CHV Phan Trường Xuân tiến hành kê biên lại tài sản của ông Cảm, bà Hồng để bán đấu giá THA. 7 năm trời nữa trôi qua, tài sản đưa ra bán đấu giá đến những 12 lần nhưng đều không có người đăng ký tham gia.

Do ông Phan Trường Xuân cũng làm không xong vụ việc nên Chi cục THA dân sự Nhơn Trạch tiếp tục thay CHV mới là ông Phạm Văn Hòa.

Khu đất bị kê biên thi hành án.

Quá chán nản vì phải mỏi mòn chờ đợi, ngày 12-4-2016, bà Hạnh có đơn xin nhận tài sản cưỡng chế kê biên để cấn trừ tiền được THA. Đến thời điểm này, giá trị tài sản kê kiên là hơn 4,5 tỷ đồng, trong khi số tiền gốc cộng lãi chậm THA phải thanh toán cho bà Hạnh đã cao hơn nhiều số tiền này.

Ngay sau khi có đơn của bà Hạnh, ngày 14-4-2016, CHV Phạm Văn Hòa ra thông báo về việc người được THA đồng ý nhận tài sản để cấn trừ vào số tiền THA. Công văn này còn nêu rõ, bà Trần Thị Đức Hạnh đồng ý để lại cho gia đình ông Cảm, bà Hồng diện tích ngang 4m, chiều dài hết đất (khoảng 100m) để cất nhà mới ở cùng số tiền hỗ trợ di dời là 10 triệu đồng (hiện nay bà Hạnh đồng ý nâng số tiền này lên 100 triệu đồng).

Nếu trong thời hạn 30 ngày mà ông Cảm, bà Hồng không nộp đủ số tiền phải THA… thì Chi cục THA sẽ tiến hành giao tài sản kê biên cho bà Hạnh. Nếu ông Cảm, bà Hồng không tự nguyện thi hành thì cơ quan THA sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế để giao tài sản cho bà Hạnh. Dự trù kinh phí cưỡng chế là khoảng 30 triệu đồng.

Văn bản đanh thép là vậy nhưng trên thực tế từ đó cho đến nay đã gần 30 tháng, bà Hạnh vẫn chưa nhận được tài sản, trong khi phía cơ quan THA cũng chẳng có một kế hoạch cưỡng chế nào. Hỏi lý do thì CHV ậm ừ cho qua chuyện, rồi thôi. Bà Hạnh phải ngược xuôi hàng chục, hàng trăm lần với đoạn đường đi về gần 100 cây số.

Mới đây, ngày 6-8-2018, trong báo cáo về quá trình thi hành bản án gửi Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự Nhơn Trạch, CHV Phạm Văn Hòa liệt kê ra 103 công văn từ lúc bắt đầu THA đến tháng 5-2011. Từ năm 2011 đến nay lại thêm hàng chục văn bản cũng liên quan đến chuyện THA này nhưng rốt cuộc chẳng giải quyết được gì. Trong khi đó, một văn bản cần thiết nhất là áp dụng biện pháp cưỡng chế để giao tài sản thì chẳng ai đả động đến.

Đã vậy, CHV Phạm Văn Hòa lại tiếp tục đề xuất với các nội dung: Mời các bên THA đến làm việc; tiếp tục vận động ông Cảm, bà Hồng giao nhà; tổ chức định giá lại tài sản và đưa ra bán đấu giá... Đề xuất này của ông Hòa là không có căn cứ, mâu thuẫn ngay với thông báo của chính ông và sẽ làm kéo dài việc THA chưa biết đến bao giờ. Bởi đã giao tài sản cho bà Hạnh thì sao phải định giá rồi mang bán đấu giá nữa?

Và đã hơn 12 năm rồi mà còn làm việc, vận động gì nữa? Chẳng lẽ các quy định của pháp luật ban hành không áp dụng cho trường hợp của ông Cảm, bà Hồng?

Do nghi ngờ có vấn đề tiêu cực trong việc THA này, hiện bà Trần Thị Đức Hạnh tiếp tục gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xử lý về hành vi cố ý không THA của CHV cũng như người phải THA.

M.Hải
.
.
.