Tàn phá rừng đầu nguồn sông Ví

Thứ Bảy, 10/08/2019, 07:18
Hàng chục cây gỗ rừng tự nhiên tại cánh rừng đầu nguồn sông Ví, thuộc địa phận thôn 1, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, đang bị “lâm tặc” cưa hạ nằm ngổn ngang khắp rừng. Một khoảnh rừng già hàng trăm năm tuổi tươi xanh bỗng dưng biến thành công trường xẻ gỗ của “lâm tặc”...

Nhận được tin báo về vụ phá rừng có quy mô lớn phía đầu nguồn sông Ví, thuộc khoảnh 5, tiểu khu 781 (xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My), chúng tôi lập tức lên đường điều tra vụ việc. 

Sáng 6-8, với sự dẫn đường của một người dân ở thôn 2, xã Trà Nú, huyện Bắc Trà My, chúng tôi đi vào khu rừng nơi có “lâm tặc” đang hoành hành. Men theo con đường mòn từ xã Trà Nú, với chiếc xe máy cà tàng, chúng tôi vượt qua những dốc núi lởm chởm đá hơn nửa giờ đồng hồ mới tới bờ sông Ví. Tại đây, sau khi gửi lại xe máy, chúng tôi tiếp tục lội bộ gần 2 tiếng đồng hồ mới tiếp cận được hiện trường vụ phá rừng. 

Gỗ rừng bị “lâm tặc” đốn hạ cưa xẻ thành phách tại hiện trường.

Ngay từ cửa rừng, chúng tôi phát hiện có rất nhiều dấu tích kéo gỗ của “lâm tặc” để lại. Càng tiến sâu vào rừng, nhiều cây rừng bị đốn hạ nằm trơ gốc, cả một khoảnh rừng già nay chỉ còn lại khoảng không. Cách bìa rừng không xa, một gốc cây to, đường kính gần 1m, bị đốn hạ, nhiều nhánh cây bị đốn bỏ, một vài đoạn thân  không dùng được cũng bị “lâm tặc” bỏ lại hiện trường. Nằm 2 bên đường mòn, cách gốc cây này chưa đến 50m, 2 cây rừng cổ thụ khác cũng bị “lâm tặc” chặt hạ. 

Những phách gỗ được cưa xẻ ngay tại rừng đã bị “lâm tặc” cho trâu kéo đi, để lại những lớp mùn cưa còn rất mới phủ kín dưới mặt đất. Càng đi sâu vào trong rừng, chúng tôi không khỏi xót xa khi có đến hàng chục gốc cây mới bị đốn, nhựa còn ứa ra; cũng có gốc cây vết chặt hạ đã cũ chứng tỏ việc tàn phá rừng đã diễn ra trong một thời gian dài…

Tiếp tục đi theo đường mòn vào trong rừng, các gốc cây, nhành cây nằm khắp hai bên đường. Có cây thân còn nằm lại hiện trường dài gần 25m. Nhiều gốc cây 3-4 người ôm không xuể. 

Có nơi, hàng chục phách gỗ dài 3m nằm ngổn ngang giữa hiện trường chưa được kéo đi. Sâu vào trong rừng, một cây xoan đào với kích thước khủng, gốc cây 4 người ôm không xuể cũng vừa bị đốn hạ, dấu vết rất mới. Thân cây vừa được cắt khoanh tròn, chưa kịp rọc phách. Tôi hỏi người dẫn đường, có phải người dân chặt phá rừng lấy gỗ làm nhà? Người dẫn đường khẳng định, đây là khu rừng “ma”, nơi đồng bào chôn người chết nên dân bản địa rất kiêng kỵ, họ sẽ không bao giờ lấy gỗ ở khu rừng này về để làm nhà. 

Ông ta còn cho hay, đây không phải là vụ phá rừng duy nhất, mà ở địa phương này còn nhiều điểm phá rừng quy mô lớn khác cũng đang diễn ra. Ở khu vực này, sau khi “lâm tặc” cưa hạ cây rừng sẽ xẻ phách rồi dùng trâu kéo theo đường mòn ra ngoài vận chuyển đi tiêu thụ…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kót cho biết, xã Trà Kót có 4.000ha rừng tự nhiên, trong đó hơn 1.200ha thuộc dự án KfW10 và khoảng 2.800ha giao khoán cho người dân quản lý. 

Sau khi tiếp nhận thông tin có xảy ra phá rừng trên địa bàn, lãnh đạo xã đã cùng với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hiện trường, kiểm kê, đo đạc số cây bị đốn hạ. Qua kiểm tra, tại hiện trường có khoảng 18 cây gỗ mới bị đốn hạ, trong đó có cây đã bị cửa xẻ rồi chuyển đi, có cây còn nằm tại hiện trường. 

Tại hiện trường gỗ được cắt theo quy cách đóng cửa dài khoảng 2,7-3m. Khu vực phá rừng trước đây có chôn người chết nên người dân không làm. UBND huyện Bắc Trà My hiện đã giao cho các ngành chức năng huyện điều tra nguyên nhân vụ việc. Được biết, vào giữa tháng 3-2019, trên địa bàn huyện Bắc Trà My cũng đã xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn trong khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh, có gần 20 cây gỗ bị cưa hạ. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án phá rừng Sông Tranh và đang trong quá trình điều tra.

Chiều 9-8, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã có ý kiến chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Công an huyện Bắc Trà My phối hợp với cơ quan chức năng điều tra xử lý nghiêm vụ phá rừng đầu nguồn sông Ví. 

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, khu vực rừng bị tàn phá thuộc khoảnh 5, tiểu khu 781 (thôn 1, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My). Khu rừng này thuộc chức năng sản xuất do UBND xã Trà Kót quản lý và đã giao khoán bảo vệ rừng vào năm 2017 theo Nghị định 75 của Chính phủ cho nhóm hộ bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn 1, Trà Kót, quản lý bảo vệ. 

Kết quả kiểm tra, tại hiện trường có 18 cây gỗ xoan đào (thuộc nhóm 6) bị chặt hạ trái phép bằng cưa. Số lượng, khối lượng lâm sản bị thiệt hại nằm lại hiện trường gồm: 38 lóng gỗ tròn (gần 21m³); gỗ đã xẻ có 17 thanh, tấm (3,232m³). Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan được phân công quản lý địa bàn, đề xuất hình thức kỷ luật thích đáng khi để xảy ra phá rừng.

H.Vy

H.Vy
.
.
.