Sôi động sóng ngầm thị trường “bất động sản Bãi Giữa” sông Hồng

Bài 1: Giới nhà giàu cư ngụ giữa sông

Chủ Nhật, 04/04/2021, 10:18
Nghịch lý. Đó là những gì chúng tôi nhận thấy sau khi nhập vai “nhà đầu tư” đi mua đất Bãi Giữa sông Hồng. Bởi lẽ, Bãi Giữa vốn là doi đất nổi lên giữa sông vào mùa cạn và có thể biến mất nếu nước lũ lên cao. Thế nhưng, đất đai ở đây vẫn được mua bán rần rần, hình thành hẳn cái có thể định danh “thị trường bất động sản Bãi Giữa”.

Bởi lẽ, Bãi Giữa vốn là doi đất nổi lên giữa sông vào mùa cạn và có thể biến mất nếu nước lũ lên cao. Thế nhưng, đất đai ở đây vẫn được mua bán rần rần, hình thành hẳn cái có thể gọi tên rõ ràng “thị trường bất động sản Bãi Giữa”.

Nhưng cũng chính những người đang tham gia thị trường này và hưởng lợi từ nó lại không ngần ngại gọi loại đất này bằng cái tên khác là “biến động sản Bãi Giữa”. Ấy vậy nhưng giao dịch vẫn “chốt”, tiền vẫn trao, đất vẫn giao, cam kết dựng nhà vẫn được thực hiện?! Điều gì khiến ngay giữa Thủ đô lại hình thành thứ giao dịch vi phạm trắng trợn Luật Đất đai, Luật Đê điều, Luật Xây dựng?

Trước khi Hà Nội công bố Dự thảo Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào ngày 10/3 vừa qua, Bãi Giữa đã là một địa danh khá quen thuộc với người dân Thủ đô.

Khi đi qua cầu Long Biên, Chương Dương, Nhật Tân… ai cũng nhìn thấy doi đất nhoi lên giữa sông Hồng. Có một điều đặc biệt là, không phải đến khi những thông tin về Đồ án này nổi bần bật trên truyền thông, “thị trường bất động sản Bãi Giữa” mới hình thành, mà trước đó, nó đã diễn ra như những con sóng ngầm.

Hàng chục, thậm chí hàng trăm ngôi nhà được dựng lên với bốn bề là hoa thơm, trái ngọt, “view sông” được xem như chốn điền viên của những người có tiền, thích sống gần gũi với thiên nhiên, thích ăn rau sạch, cá sông và biết chớp thời cơ đón quy hoạch…

Một công trình đang xây dựng trái phép tại Bãi Giữa sông Hồng.

Lạc vào khu sinh thái… khai hoang

Cách đây vài năm, trong một lần uống cafe với những anh bạn vong niên yêu nghệ thuật trên phố Trần Hưng Đạo, tôi được một anh bật mí về tư gia ở Bãi Giữa sông Hồng. 

Thuở mới bước chân vào nghề báo, tôi đã từng lang thang ra Bãi Giữa nhiều lần. Nào là viết bài về những người dân nghèo, phiêu bạt từ khắp nơi đến sống trên thuyền, đoạn gần gầm cầu Long Biên (nay “khu dân cư này có tên Xóm Phao, thuộc quản lý của phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên -  sẽ đề cập sau); về bãi tắm tiên (thời kỳ sơ khai mới hình thành);… Thế nên, khi nghe nói, anh đã mua đất, dựng nhà, làm vườn ở Bãi Giữa, tôi rất bất ngờ. 

Anh còn khoe đã trồng bưởi, nhãn, ngô, chuối, rau màu… Cuối tuần, anh toàn rủ bạn bè đến làm vườn, uống rượu, đàn hát. Nói rồi, anh lại bảo thêm, “em ra đấy có khi thích, lại mua đất làm hàng xóm của anh luôn ấy chứ. Mọi người mua bán, dựng nhà lên ở, trồng cây đông vui lắm”.

Tôi nghe anh nói, mà mắt tròn, mắt dẹt. Mắc bệnh nghề nghiệp, nên tôi hỏi luôn, là đất đấy có giấy tờ gì không, nếu bị thu hồi thì sao… Anh cười bảo, đất rẻ, em bỏ ra chừng 100 triệu là có cỡ 2 sào rồi. Mua bán trao tay thôi, nhưng sau này bị thu hồi không lo, kiểu gì chả được đền bù. Nói rồi, anh lại bảo, thành phố đang có quy hoạch hai bên sông Hồng, kiểu giống Seoul ấy. “Mua bây giờ, vừa để trồng cây cối, rau sạch, có chỗ vui chơi giải trí lành mạnh, vừa “đón” quy hoạch đấy em”, anh bật mí.

Sau cuộc trò chuyện này, mỗi lần đi qua sông Hồng nhìn xuống Bãi Giữa, tôi chỉ thấy phủ đầy màu xanh. Tôi thầm nghĩ, đất bãi bồi này chỉ để trồng cây, chứ làm gì có chuyện dựng nhà, chắc ông anh “chém gió”. Thế rồi, trước Tết Tân Sửu, do yêu cầu công việc, tôi buộc phải khám phá Bãi Giữa. Và càng tìm hiểu, tôi càng thầm trách mình đã nghĩ sai về anh bạn nghệ sỹ vui tính, cởi mở. Bởi, nơi đây đã hình thành hẳn một khu sinh thái, khu dân cư với những mái nhà ẩn dưới màu xanh của cây trái.

Cổng một ngôi nhà ở Bãi Giữa.

Dẫn đường cho chúng tôi là một thổ địa của phường Tứ Liên tên Vỹ. Từ ngõ 172, chúng tôi đi xe máy ra ven sông Hồng, rồi theo con đường mòn ra Bãi Giữa. Khi từ bờ sông đi xuống chỗ hõm, Vỹ dừng xe bảo, chỗ này trước kia vốn là lòng sông. Mấy năm nay nước cạn, nên thành đất bãi. Nhưng năm nước lên, muốn đi qua đây phải có thuyền.

Thấy tôi để ý một vạt chuối mới trồng, Vỹ bảo, “chỗ này lâu nay không ai trồng trọt gì vì lúc cạn, lúc ngập nước. Bây giờ là mùa khô, lại thấy khu trên (Bãi Giữa), HTX Liên Châu phối hợp với doanh nghiệp làm dự án rau sạch nên có người ra đây trồng chuối để nhận là đất khai hoang. Vì việc này mà Dự án nông nghiệp sạch chưa triển khai được, vì không có lối ra chỗ đất nông nghiệp ở Bãi Giữa”.

Nghe Vỹ nhắc đến từ khai hoang, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Luật Đất đai sửa đổi 2013 đã quy định rất rõ các điều kiện để được công nhận quyền sử dụng đối với đất khai hoang. Thế nên, rất khó có chuyện vào năm 2021 này, ở giữa Thủ đô lại có loại đất này. Thấy chúng tôi thắc mắc, Vỹ cười bảo, “các anh chị lát nữa ra “khu sinh thái” sẽ tha hồ nghe từ đất khai hoang. “Khai hoang” từ lâu rồi đang là từ khoá để người ta mua bán đất, dựng nhà tràn lan ở Bãi Giữa đấy”.

Chúng tôi im lặng đi theo Vỹ. Đi qua con đường đất với hai bên đường cây lá tốt tươi, hiện ra trước mắt chúng tôi những con đường bê tông. Từ đoạn đầu đường bê tông có dựng bảng tin của khu dân cư, xe chúng chạy vèo vèo qua những ngôi nhà ngợp trong bóng cây.

Nếu không đang đặt chân đến nơi này, tôi thật khó tin mình đang ở Bãi Giữa con sông Mẹ. Bởi nơi đây là một khu dân cư trù phú, chứ không phải là nơi được xác định rõ là vị trí quan trọng trong hành lang thoát lũ của sông Hồng. Điều đặc biệt là khi tiếp xúc với hầu hết chủ nhân của các ngôi nhà này, họ đều khẳng định diện tích đất mình đang sử dụng là đất khai hoang.

Xóm ngụ cư toàn người… “có điều kiện”

Vào ngày mùng 5 Tết Tân Sửu, chúng tôi lại tiếp tục khám phá Bãi Giữa và tiếp tục có những phát hiện đầy ngạc nhiên. Khi vừa đi qua cây cầu sắt, từ trên dốc bờ sông xuống là con đường khá đẹp. Trên đường khám phá khu dân cư “Bãi Giữa”, thi thoảng chúng tôi còn gặp xe taxi, xe ôtô con, xe tải nhỏ.

Đứng trước một khu đất có hàng rào B40 vây quanh, trên khung cửa sắt trên treo biển “mua đất, liên hệ bà N…”, tôi bấm máy gọi. Theo hướng dẫn, chúng tôi đến nhà bà cách đó không xa. Mở cánh cổng sắt dẫn chúng tôi vào nhà, bà cho biết đã ra đây sinh sống 3 năm. Nhà bà dựng khung sắt kiên cố, mái tôn, sân lát gạch đỏ. Bà bảo dù diện tích lòng nhà chỉ 35m2 nhưng khu bếp, nhà vệ sinh xây bên cạnh nên ở vẫn thoải mái.

Bà cho biết, điện thì dùng pin năng lượng mặt trời, nước thì dùng giếng khoan. “Nói chung sinh hoạt ở đây rất tiện, chả thua trong phố cái gì”. Bà N còn khoe, ba năm vợ chồng bà ra đây ở, sức khoẻ tốt hơn hẳn. “Mùa nào thức ấy, cây trái quanh năm, gà cho trứng, thịt…”, bà N khoe.

Để chứng minh cuộc sống thần tiên nơi đây, bà dẫn chúng tôi sang nhà người hàng xóm và cũng chính là người mua đất nhà bà cách đây 1 năm. Cửa mở, đập vào mắt chúng tôi là lối vào với hai bên trồng đầy hoa. Anh chủ nhà đang hì hụi đào đất trồng xoài, vợ và con hỗ trợ.

Khác với nhà bà N, ngôi nhà này có vách dựng bằng tre trúc nên trông rất gần gũi thiên nhiên. Đi vào trong, chúng tôi gặp bà cụ đang rửa rau. Khi được hỏi, bà bảo từ khi có ngôi nhà này, không về trong phố cổ nữa mà ở hẳn đây. Bà N giải thích, do anh này đã mua đất từ năm ngoái, nên giá lúc đó còn rẻ. Nay phải 270 triệu/sào bà mới bán. Bà N còn dẫn chúng tôi đi thăm mấy khu đất mà mình là chủ nhân và cho biết sẽ cắt nhỏ thành các mảnh nhỏ (1, 2, 3 sào) cho dễ bán.

Ngày 25/3/2021, chúng tôi lại có mặt tại Bãi Giữa và được chủ nhân ngôi nhà được dựng trên diện tích 1 sào tâm sự về quá trình trở thành cư dân của xóm ngụ cư đặc biệt này. Chị cho biết, do yêu thích trồng cây nên cách đây 1 năm đã mua mảnh đất 1 sào, hết hơn 200 triệu, cộng với tiền dựng nhà hết gần 200 triệu, thế là chị có ngôi nhà trong mơ.

Quả đúng là “trong mơ” thật, bởi xung quanh ngôi nhà nhỏ, chị trồng đủ các loại hoa: Thược dược, violet, hồng… và đủ các loại rau quả: Dâu tây, cà chua, xà lách…; quanh hàng rào là những cây nhãn có tuổi đời hàng chục năm.

“Mảnh đất này chị là người chủ thứ tư. Người trước viết tay cho người sau, ai là người giao dịch sau cùng là cầm tất cả các giấy tờ mua bán của những lần trước”.

Đường bê tông giống như đường làng ở Bãi Giữa.

Chị còn cho chúng tôi biết, đợt vừa rồi vừa đóng tiền đổ đường bê tông 3 triệu/sào. Nói rồi, chị còn tiết lộ người thân của mình có mảnh đất 3 sào nằm ở nhánh đường khác và hiện đang đổ đường bê tông. Sau khi đổ bê tông xong, mảnh đất 2 mặt tiền này sẽ có giá 370 triệu/sào. Để chứng thực, chị cho chúng tôi xem nhóm trên Zalo với những cuộc trò chuyện trao đổi về tiến độ làm đường, cũng như hình ảnh công trường đổ đường bê tông…

Trong quá trình tìm hiểu về cuộc sống của xóm ngụ cư đặc biệt này, chúng tôi nhận thấy đa số họ là người có tiền, “có điều kiện”. Họ thường có nhà trong phố hoặc tự nhận là người dân Tứ Liên. Có người là chủ ngôi nhà rộng mấy chục mét được dựng bằng tre trúc, xung quanh là vườn hoa hồng đủ màu sắc.

Chủ nhà cho biết, ngôi nhà này mới dựng lên cách đây mấy tháng và có view sông cực đẹp. Đúng như chị nói, từ vườn hồng đi ra phía bờ sông, chủ nhân đã phát lau lách, dựng con đường bằng tre luồng và lều hóng gió.

Nhìn đám thanh niên đang ăn nhậu nói cười vui vẻ trong lều, chúng tôi thừa nhận chủ nhân là người biết tận dụng tối đa ưu thế của thiên nhiên. Có lẽ, cũng như các chủ nhà khác, chủ nhân ngôi nhà có vườn hồng giữa bãi nổi sông Hồng phải rất “có điều kiện” mới có thể dựng lên cơ ngơi hoành tráng này.

Theo khảo sát của chúng tôi, ở khu vực Bãi Giữa có hàng trăm ngôi nhà cả mới lẫn cũ được dựng lên và chiếm 50% trong số này ăn ngủ, sinh sống tại đây; 50% còn lại chỉ ra đây làm vườn. Nơi đây đã hình thành hẳn một xóm ngụ cư. Nhưng khác với xóm Phao, những người cư ngụ ở đây đều có đất, dựng nhà. Còn cư dân của xóm Phao là người tứ chiếng, họ sống trên những con thuyền/nhà thuyền nổi trên sông Hồng và neo vào Bãi Giữa.

Hiện nay, xóm Phao có khoảng 300 nhân khẩu và trước những yêu cầu về quản lý con người, an sinh xã hội, việc quản lý khu vực này bây giờ thuộc UBND phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên. Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về quá trình mua đất, dựng nhà của những người “có điều kiện” ở Bãi Giữa sông Hồng.

Bài 2: Nóng bỏng mua bán đất… "khai hoang" ở Bãi Giữa sông Hồng

Nhóm PVĐT
.
.
.