Sập hầm khai thác vàng “chui”, cần làm rõ trách nhiệm chính quyền địa phương

Thứ Hai, 12/11/2018, 09:27
Vụ sập hang khai thác vàng trái phép tại thôn Lộng, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, đến nay, lực lượng chức năng đã tìm được một thi thể nạn nhân, hiện một nạn nhân khác vẫn là mất tích... Mỗi khi những vụ việc thương tâm như vậy xảy ra, dư luận lại dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý các hầm khai thác vàng trái phép?

Khoảng 2h ngày 4-11, tại hang Cột Cờ, thôn Lộng, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra vụ sập hầm khai thác vàng trái phép, khiến 2 nạn nhân là anh Bùi Văn Thú (người địa phương) và anh Trương Công Chánh, trú tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa bị vùi lấp. Đến nay, sau 6 ngày triển khai lực lượng và các phương tiện cứu hộ, lực lượng tìm kiếm mới tìm được một thi thể nạn nhân.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do khi nạn nhân đang vận hành ôtô, máy xúc để khai thác đất chứa quặng thì bất ngờ đập ngăn nước phía trên cửa hang bị vỡ, khiến khối lượng bùn đất và nước tràn vào trong hang, cuốn trôi ôtô, máy xúc cùng anh Thú và anh Chánh trôi sâu vào bên trong hang khoảng 100m. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ Bạch Xuân Hưng, chủ bãi khai thác vàng để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó,  trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đã xảy ra 2 vụ tai nạn trong khi khai thác vàng. Vụ thứ nhất xảy ra tại thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Nhóm phu vàng gồm 7 người đã tới địa bàn để khai thác vàng trái phép, khi đang khai thác vàng dưới đường hầm nằm sâu dưới lòng đất thì bị ngạt khí dẫn tới 4 người tử vong (trong đó 3 người là anh em ruột), 1 người bị thương.

Công tác cứu hộ vụ sập hầm khai thác vàng ở Hòa Bình.

Lực lượng chức năng đã phải bơm khí vào hầm mới có thể tiếp cận được nạn nhân. Vụ thứ hai xảy ra tại khu vực thôn 5, xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn làm 6 người tử vong. Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Trần Xuân Tiến để điều tra. Tiến là người giúp sức cho chủ bãi vàng, thuê 6 nạn nhân trên để khai thác vàng trái phép. Do không đảm bảo an toàn đã dẫn đến sạt lở gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Các điểm khai thác vàng trái phép, do trốn tránh sự truy đuổi của cơ quan chức năng nên đều được làm tạm bợ, không đảm bảo an toàn cho người lao động. Bản thân những "phu vàng" khi chọn nghề này để mưu sinh cũng đều là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế; nhiều người trong số họ mắc nghiện ma túy nên khi được chủ vàng thuê, mặc dù biết nguy hiểm nhưng vẫn bất chấp làm liều để kiếm tiền.

Trở lại vụ sập bãi vàng tại thôn Lộng, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Theo thông tin từ UBND huyện Lạc Thủy cho biết, huyện đã ban hành gần 30 văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản. UBND xã  Thanh Nông cũng đã 3 lần lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính nhưng chủ bãi vàng vẫn vi phạm.

Đầu tháng 10-2018, xã đã tháo dỡ lán trại, di dời máy móc, phương tiện, tuy nhiên do chưa khắc phục đoạn đường bị sạt lở nên số máy móc, phương tiện chưa di dời được. Lợi dụng thời gian này, chủ bãi vàng lén lút thực hiện việc khai thác vàng trở lại vào ban đêm dẫn tới vụ tai nạn nêu trên?

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, Phòng tài nguyên môi trường huyện Lạc Thủy đã ký hợp đồng san lấp với chủ bãi vàng, đơn vị được thuê san lấp là Công ty TNHH Reman Đại Kim (Đại Kim). Mục đích san lấp nhằm hoàn trả mặt bằng để bà con sản xuất nông nghiệp. Theo lãnh đạo xã Thanh Nông, phương tiện của Công ty Đại Kim lại thuộc sở hữu của chủ bãi vàng?

Tháng 7-2018, đã có lần công an xã phát hiện nhiều phương tiện phục vụ việc khai thác vàng như máy bơm nước, sàng đãi tại vị trí san lấp. Xã đã nhiều lần phản ánh, đến ngày 10-8, hợp đồng thi công san lấp mới được Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Lạc Thủy thanh lý, dù thời hạn hợp đồng đã hết từ 4 tháng trước.

Ngay hôm đó, Công an huyện đã tiến hành thu giữ nhiều máy móc thiết bị của chủ bãi vàng nhưng chỉ vài tuần sau, toàn bộ số máy móc này lại được trả lại chủ bãi vàng...?

Không chỉ riêng câu chuyện khai thác vàng trái phép tại Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, theo chúng tôi, ở tất cả các bãi khai thác vàng trái phép, chính quyền địa phương không thể không biết. Bởi khi khai thác vàng, các phu vàng phải vận chuyển một số lượng đáng kể máy móc, thiết bị vào bãi vàng; việc khai thác cũng diễn ra nhiều ngày, gây tiếng ồn lớn...

Vì vậy, cần phải qui trách nhiệm rõ ràng, không thể để tình trạng xã đổ trách nhiệm cho huyện; huyện lại đổ lại cho xã, cuối cùng, không ai là người phải chịu trách nhiệm chính và bị xử lý kỷ luật.

Vả lại, ngay cả khi các bãi vàng trái phép chưa xảy ra tai nạn, nếu phát hiện trên địa bàn có "vàng tặc" cũng cần có hình thức xử lý nghiêm khắc cán bộ có trách nhiệm, kể cả trách nhiệm của người đứng đầu.

Việc xử lý nghiêm nhằm lập lại trật tự trong khai thác tài nguyên khoáng sản không chỉ nhằm tránh những cái chết thương tâm; mà còn bảo vệ tài nguyên quốc gia; bảo vệ môi trường sống của nhân dân, nhất là bà con sinh sống gần các mỏ vàng trái phép chính là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đồng thời, không để xảy ra những tụ điểm mất an ninh trật tự tại địa phương.

Đào Minh Khoa
.
.
.