Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa bị lâm tặc tàn phá tan nát

Thứ Năm, 17/12/2015, 08:24
Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, với diện tích 26.751ha, ở TP Đà Nẵng đã và đang bị lâm tặc tàn phá hết sức nghiêm trọng. Tại đây, vô số cây gỗ to, gỗ quý đã bị chặt hạ không thương tiếc và đang đứng trước nguy cơ trở thành rừng bị nghèo kiệt tài nguyên…

Còn nhớ, vào đầu tháng 10-2014, cơ quan chức năng phát hiện vụ phá rừng lớn tại khu vực Cà Nhông, giáp ranh với lâm phận tỉnh Quảng Nam, thuộc rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa. Đợt đó, sau khi tịch thu hơn 40m3 gỗ, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra hiện trường và phát hiện hơn 100 cây kiền kiền loại có đường kính từ 35-86 mm đã bị chặt hạ. Ngoài ra còn vô số cây gỗ khác cũng “không cánh mà bay”.

Ước hàng trăm mét khối gỗ bị lâm tặc đốn hạ đã chuyển đi trót lọt. Cơ quan Công an vào cuộc điều tra và đã bắt tạm giam 14 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này; trong đó, 4 cán bộ nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa cũng đang ngồi trong trại giam, chờ ngày đưa ra xét xử.

Những tưởng, sau vụ phá rừng trên, ngành Lâm nghiệp TP Đà Nẵng sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa được bình yên. Ngược lại, từ đó đến nay, khu rừng nhiều gỗ quý này vẫn liên tục bị tàn phá. Cách đây ít ngày, từ nguồn tin của người dân địa phương, chúng tôi ngược lên tiểu khu 20, khu vực tiếp giáp với lâm phận tỉnh Thừa Thiên - Huế và không khỏi sững sờ khi chứng kiến những cánh rừng đã bị lâm tặc tàn phá tan hoang.

Hàng chục cây rừng đường kính chỉ khoảng 35-40cm, lâm tặc cũng không tha, cưa bằng hết. Một người dân thôn Tà Lang (xin được giấu tên) không giấu nổi sự bức xúc, cho biết: Trước đây, khu vực này vô số cây gỗ to, thẳng nối nhau trùng điệp, trông rất thích mắt; thế mà nay, tan hoang. Không hiểu lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng họ làm gì, chứ lâu nay liên tục có một tổ liên ngành do huyện Hòa Vang thành lập chốt chặn ở phía dưới.

Một cây gỗ tại tiểu khu 20 rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa bị lâm tặc đốn hạ còn trơ gốc.

Trên đường độc đạo về xuôi còn có Trạm Quản lý Bảo vệ sông Nam của Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, Trạm Kiểm lâm Hòa Bắc của Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, thế mà gỗ vẫn về xuôi trót lọt. Kể cũng lạ khi lực lượng chức năng chỉ đi đếm gốc cây rừng, sau khi gỗ đã được lâm tặc chuyển đi hết. Nghe đâu, đợt phá rừng này họ đếm được hơn 70 gốc(?!).

Thật khó lấy thông tin chính xác từ các vụ phá rừng từ cơ quan Kiểm lâm TP Đà Nẵng và Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa. Cấp dưới của đơn vị bảo, họ không được quyền phát ngôn, còn cấp có thẩm quyền lúc nào cũng… bận họp.

Tuy vậy, qua một cán bộ lãnh đạo của xã Hòa Bắc, chúng tôi cũng biết vào ngày 8-11 vừa qua, lực lượng Kiểm lâm đã tịch thu được 5,7 m3 gỗ xẻ, gần 1m3 gỗ tròn lâm tặc chất tại khu vực rừng trồng của Công ty CP Vinafor chưa kịp chuyển đi. Trước đó, ít ngày cũng phát hiện lượng gỗ tương tự. Số gỗ bị lâm tặc tàn phá tại tiểu khu 20 và tiểu khu 12, ước hơn 130m3.

Còn theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, trong hai tháng 8 và 9-2015, khi đi tuần tra kiểm soát tại khu vực Cà Nhông, đơn vị phát hiện hơn 10 cây kiền kiền, loại lớn vừa bị chặt hạ, gỗ đã chuyển đi hết…

Có thể nói, những vụ phá rừng được phát hiện nêu trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Còn vô số vụ lâm tặc ngang nhiên lộng hành mà cơ quan chức năng chưa phát hiện. Nói về thực trạng phá rừng này, ông Nguyễn Văn Nhung, Kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, cho biết: Lâm tặc rất ranh ma, chúng thường lợi dụng những lúc mưa to và không loại trừ cả ban đêm để chặt hạ cây.

Lúc mưa, để cưa cây, chúng căng bạt phía trên. Còn đêm tối chúng sử dụng loại đèn nạp điện, lấy ánh sáng. Nguyên nhân nào rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa liên tục bị tàn phá. Có lẽ, trả lời câu hỏi này chỉ có thể là cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có rừng, bởi họ hiểu hơn ai hết vì đâu rừng không bình yên...

Nguyễn Cầu
.
.
.