Những mối lo từ việc người Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng

Thứ Ba, 22/12/2015, 10:19
Có dấu hiệu người Trung Quốc nhờ người Việt Nam đứng tên để mua trái phép hàng loạt lô đất thuộc vệt biệt thự sát tường sân bay Nước Mặn (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) và đã xây một số khách sạn, nhà hàng...


Theo Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh quận Ngũ Hành Sơn, khu biệt thự ven sân bay Nước Mặn có tổng số 246 lô đất, với diện tích từng lô khoảng 150m²và một số ít lô có diện tích hơn 310m². Trong đó, có 77 lô do 7 công ty, bao gồm các công ty có liên quan đến người Trung Quốc đăng ký sở hữu; 169 lô đứng tên sở hữu cá nhân.

Đáng chú ý, cá nhân đứng tên sở hữu nhiều nhất lên đến 12 lô đất trị giá khoảng 50 tỷ đồng lại là một thanh niên trẻ, kinh tế gia đình ở mức trung bình ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Một vài cá nhân ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng sở hữu từ 2-6 lô đất tại khu vực này. Ngoài một số lô đã được xây khách sạn, nhà hàng, có gắn bảng hiệu tiếng Trung và chuyên đón khách người Trung Quốc, phần nhiều các lô đất còn lại vẫn để trống, chưa xây dựng.

Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định cụ thể ai thực sự là người bỏ tiền mua đất. Vì vậy, chưa thể khẳng định toàn bộ 246 lô đất này là của các ông chủ giấu mặt người Trung Quốc. Tuy nhiên, dù có sở hữu con số ít hơn, việc người Trung Quốc núp bóng một số người Việt để mua đất trái quy định, sau đó mở phố kinh doanh ngay sát tường khu sân bay quân sự đã gây ra nhiều lo ngại.

Những lô đất biệt thự nằm sát sân bay Nước Mặn, cách vài chục bước chân là 2 dự án quy mô lớn và nhiều tầng của Silver Shores Hoàng Đạt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu biệt thự sân bay Nước Mặn được quy hoạch đất ở đô thị. Như vậy, muốn xây dựng khách sạn, nhà hàng, chủ đầu tư phải làm thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng. Việc chuyển mục đích chỉ được chấp thuận nếu phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND TP phê duyệt. Tiếp đó, chủ đầu tư phải làm thủ tục xin cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng, xin phép đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch & Đầu tư…

Do đó, các cơ quan quản lý ở Đà Nẵng hoàn toàn có thể phát hiện, xử lý, sớm ngăn chặn được việc các cá nhân đứng tên mua đất hộ, sau đó “bàn giao” lại cho người Trung Quốc qua hình thức “góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất”, không để có thêm hàng loạt vụ mua bán đất trái quy định được thực hiện êm xuôi, trót lọt.

Được biết, ngoài vệt biệt thự sân bay Nước Mặn, một công ty có liên quan đến người Trung Quốc cũng được cho là đã nhận chuyển nhượng thêm 3 lô đất khác trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận quan tâm nhất là việc người Trung Quốc sở hữu đất ở các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng (ANQP).

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng nhìn nhận khu vực bên ngoài tường rào sân bay quân sự Nước Mặn được đánh giá là nhạy cảm về ANQP; từ tầng 6, tầng 7 của các khách sạn bên ngoài có thể quan sát mọi động tĩnh trong sân bay. 

Nhiều năm trước, Đà Nẵng cũng cấp phép cho một đơn vị do người Trung Quốc làm chủ là Silver Shores Hoàng Đạt xây khu du lịch và giải trí quốc tế với quy mô cả chục tầng án ngữ trên bãi biển và cũng cách sân bay Nước Mặn chỉ một con đường. Mới đây, doanh nghiệp này tiếp tục được phép xây dựng khách sạn JW Marriott cao hàng chục mét ở gần khu vực này. Đó là chưa kể dự án khu ký túc xá dành cho nhân viên Silver Shore cũng chấp thuận xây dựng với chiều cao 64,3m, sau khi có ý kiến của Sư đoàn 375 được điều chỉnh xuống 43,6m.      

Thân Lai
.
.
.