Những bất thường trong chuyển nhượng 14,39ha đất dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi

Thứ Hai, 29/04/2019, 08:33
Chủ tịch UBND thành phố cũng đã giao Chánh Thanh tra thành phố lập đoàn thanh tra để tiếp tục làm rõ và kết luận về quá trình CPH của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Sài Gòn để chuyển thành Công ty ESL; việc quản lý và sử dụng vốn, cũng như việc điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty ESL từ khi thực hiện CPH đến nay và việc thực hiện dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi cũng như một số dự án khác…

Ngay từ năm 2007, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao 14,39ha đất cho doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là Công ty TNHH MTV Phát triển khu công nghiệp Sài Gòn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính Dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Thực hiện chủ trương cổ phần hóa, Công ty Phát triển khu công nghiệp Sài Gòn đổi tên thành Công ty CP Tiếp vận Đông Sài Gòn (Công ty ESL).

Trong đó, Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), một DNNN và là công ty mẹ nắm giữ 75% vốn tại ESL. Do đây là dự án thành phần trong khu dân cư 174ha nên ESL phải đóng góp tiền làm hạ tầng chung với dự án tổng thể số tiền là 107 tỉ đồng. Có đất trong tay nên ngay trong các năm 2014-2015, DN này đã mang phân lô, bán hàng trăm nền đất cho người dân.

Ngày 17-4-2017, HĐQT Công ty ESL ban hành nghị quyết về việc thông qua chủ trương hợp tác đầu tư để chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi. Ngay sau đó, ngày 4-5-2017, đại hội cổ đông Công ty ESL tiếp tục ban hành nghị quyết thông qua phương án hợp tác đầu tư và phê duyệt việc chuyển nhượng dự án.

Chuyển nhượng đất dự án KDC Thạnh Mỹ Lợi thấp hơn mức giá đất tối thiểu theo quy định.  

Theo nghị quyết này, Công ty ESL sẽ chuyển nhượng dự án KDC Thạnh Mỹ Lợi cho Công ty TNHH Đầu tư Đông Thuận với giá 220 tỉ đồng. Công ty con ESL đã tự quyết việc bán lại dự án cho Công ty Đông Thuận với giá trên, nhưng đến ngày 23-5-2017, Tổng Giám đốc IPC mới có văn bản chỉ đạo ESL phải đăng báo để tìm đối tác đầu tư và chuyển nhượng nguyên trạng dự án nhằm bảo đảm sự minh bạch, cạnh tranh và đem lại hiệu quả tốt nhất.

Tiếp đó, ngày 5-7-2017 ông Nguyễn Văn Đậm, Giám đốc Công ty ESL tiếp tục có văn bản gửi Tổng Giám đốc IPC đề nghị cho thực hiện theo phương án của HĐQT Công ty ESL là bán dự án để thu hồi vốn. Tuy nhiên, do Công ty TNHH Đầu tư Đông Thuận không thực hiện nghĩa vụ tài chính nên giao dịch không thành, hai bên đã thanh lý hợp đồng chuyển nhượng này.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu bán dự án, ngày 17-8-2017, Công ty ESL đã thuê đơn vị thẩm định giá để thẩm định lại số vốn đã đầu tư vào dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi. Phía thẩm định giá xác định ESL đã đầu tư vào dự án số tiền hơn 408,5 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 đã đầu tư hơn 221 tỉ và ESL đã bán 250 nền đất, tương đương với 54% diện tích dự án để thu về số tiền 273 tỉ đồng.

Giai đoạn 2, ESL đã đầu tư 187 tỉ đồng vào 12.987m2 đất ở thấp tầng, 19.865m2 đất ở cao tầng và 12.297m2 đất văn phòng - thương mại. Căn cứ vào chứng thư thẩm định này, ngày 5-9-2017, HĐQT Công ty ESL đã ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương hợp tác với Công ty CP BĐS Hiệp Phát (một công ty con do Công ty CP Quốc Cường Gia Lai nắm 90% cổ phần).

Cùng ngày, 2 DN đã ký thỏa thuận theo phương thức Công ty ESL chuyển nhượng toàn bộ dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi với giá đề nghị là 223 tỷ đồng. Tuy nhiên, đúng vào ngày Thanh tra thành phố công bố quyết định thanh tra đối với công ty mẹ là IPC, 2 bên đã ký biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp tác đầu tư; ESL đã trả lại toàn bộ số tiền đã nhận của Công ty BĐS Hiệp Phát.

Như vậy, cùng với vụ chuyển nhượng 32ha đất công tại Nhà Bè với giá rẻ đã bị TP Hồ Chí Minh phát hiện, ngăn chặn, thì đây là phi vụ chuyển nhượng thứ 2 có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của IPC và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Trong kết luận vào tháng 10 năm ngoái, Thanh tra thành phố xác định, đến nay các cơ quan Nhà nước vẫn chưa xác định số tiền sử dụng đất của dự án KDC Thạnh Mỹ Lợi mà ESL phải nộp vào ngân sách là bao nhiêu. Từ khi được giao khu đất dự án trên, ESL mới chỉ phải bỏ ra 107 tỉ đồng làm hạ tầng nhưng đã có thể thu về ngay số tiền 273 tỉ đồng trong các năm 2014-2015.

Song tại thời điểm xác định giá trị DN để thực hiện CPH vào năm 2015, báo cáo xác định giá trị DN tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Sài Gòn (DN tiền thân của Công ty ESL) chỉ thừa nhận dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi có giá hơn 74 tỉ đồng.

Làm việc với Thanh tra thành phố về mức giá bất thường của dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi khi tiến hành CPH, đại diện công ty mẹ là IPC cho rằng, đây là chi phí dở dang nên không đánh giá lại giá trị tài sản, mà chỉ căn cứ vào giá trị sổ sách kế toán để áp giá.

Trong khi đó, theo quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh quy định về giá đất trên địa bàn áp dụng từ ngày 1-1-2015 đến ngày 31-12-2019, đất tại phường Thạnh Mỹ Lợi có giá thấp nhất từ 3,9 triệu, cao nhất lên đến 6,6 triệu đồng/m2.

Như vậy, với 14,39ha đất của khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi sẽ có giá thấp nhất là 561 tỉ đồng, cao nhất sẽ lên đến 906 tỉ đồng. Còn nếu tính theo giá thị trường tại thời điểm ESL đem chuyển nhượng dự án trên cho 2 DN, thì khu đất 14,39 ha của khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi sẽ có giá hàng nghìn tỉ đồng.

Trước những bất thường trên, Thanh tra thành phố xác định, qua kiểm tra bước đầu nhận thấy có dấu hiệu sai phạm. Tuy nhiên, do thời hạn thanh tra đã kết thúc, Thanh tra thành phố sẽ báo cáo, đề xuất thành lập đoàn thanh tra để tiếp tục làm rõ, kết luận đối với những vụ việc này.

Trong thông báo kết luận thanh tra tháng 10-2018, Chủ tịch UBND thành phố cũng đã giao Chánh Thanh tra thành phố lập đoàn thanh tra để tiếp tục làm rõ và kết luận về quá trình CPH của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Sài Gòn để chuyển thành Công ty ESL; việc quản lý và sử dụng vốn, cũng như việc điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty ESL từ khi thực hiện CPH đến nay và việc thực hiện dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi cũng như một số dự án khác…


Bảo Sơn
.
.
.