Cám cảnh nhiều công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang

Thứ Sáu, 08/12/2017, 08:26
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình nước sạch phục vụ người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà hàng loạt công trình hiện đang bị bỏ hoang, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng dẫn đến lãng phí tiền của Nhà nước…

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Tuy Đức, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện đã có hơn 50 công trình nước sạch nông thôn mới được đầu tư, xây dựng. Mỗi công trình được “rót” từ vài ba trăm triệu đến gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là phần lớn các công trình này đều rơi vào tình trạng bị bỏ hoang, hư hại bởi không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.

Tại 2 công trình cấp nước sạch tập trung ở bản Đoàn Kết và Tân Lập của xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, thuộc một trong những hạng mục nằm trong dự án “ổn định dân di cư tự do”, được đầu tư, xây dựng với số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì hai công trình này phải “đắp chiếu”. 

Dẫn chúng tôi ra công trình nước sạch nằm lưng chừng đồi, ông Sùng Seo Nhè, Trưởng bản Tân Lập cho biết, công trình được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2011 nhưng sau ít tháng vận hành đã ngưng hoạt động từ đó đến nay. Không có nước uống, 167 hộ dân với hơn 1.042 nhân khẩu phải tự đào giếng lấy nước, có người phải cõng nước từ khe núi về dùng.

Hai công trình nước sạch tại xã Đắk Ngo được đầu tư hơn 6,2 tỷ đồng bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của Nhà nước.

“Quá bức xúc vì công trình gây lãng phí, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi nhiều lần phản ánh và đề nghị khắc phục để có nước sạch cho bà con sử dụng nhưng công trình vẫn bỏ hoang đến nay”, ông Nhè nói.

Tương tự, công trình cấp nước sạch tại bản Đoàn Kết cũng chung số phận. Theo quan sát của phóng viên, cả hai công trình nước sạch được xây dựng gồm: Bể chứa và hệ thống xử lý lọc nước, hệ thống giếng khoan để bơm nước lên. Tiếp đó là hệ thống đường ống dẫn nước được lắp đặt ngầm từ bể dẫn nước về cho người dân sử dụng. 

Tuy nhiên, công trình để cỏ dại mọc um tùm, tường bể nứt toác, cửa sắt bị hư hỏng, hoen gỉ, bể chứa ngập ngụa hỗn hợp nước bẩn, đất, đá và rác thải; hệ thống van, khóa cũng bị gỉ sét, đường ống đấu nối bị vỡ, gãy. Hệ thống giếng khoan cũng bị cỏ dại che lấp, đường ống bơm dẫn nước lên bể không sử dụng được.

Ông Nguyễn Huy Công, Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo khẳng định: “Hai công trình thuộc dự án ổn định dân di cư tự do, do UBND huyện làm chủ đầu tư với số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. Công trình làm xong từ năm 2010, khi nghiệm thu, bàn giao về xã nhưng xã không nhận. Xã chỉ tiếp nhận tạm thời và giao cho thôn quản lý. Nguyên nhân vì chất lượng nước không đảm bảo. Công trình này từ lâu đã bị người dân phản ánh nhiều lần”.

Tuy nhiên, ông Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho rằng, hai công trình nước sạch tại bản Đoàn Kết và Tân Lập chỉ cần đóng điện là vẫn sử dụng được. “Do bà con, cộng đồng sử dụng không đóng tiền điện nên bị cắt”.

Nhưng khi phóng viên đặt câu hỏi: “Để công trình đầu tư tiền tỷ không phát huy hiệu quả, gây lãng phí, phía UBND huyện có hướng khắc phục gì?”. Ông Cự phân trần: “Huyện đang tập huấn, mời tất cả các bên có công trình nước sạch lên tập huấn, hướng dẫn bà con cách sử dụng nước theo hình thức cộng đồng và phải trả tiền nước”.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, từ năm 2010-2016, tỉnh này đã được Nhà nước đầu tư trên 233 tỷ đồng để xây dựng 230 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho hơn 20.000 hộ dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Qua kiểm tra, chỉ có 103 công trình cấp nước tập trung hoạt động bình thường, còn lại 127 công trình ngưng hoạt động, bỏ hoang.

Nguyên nhân có nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hư hỏng, ngưng hoạt động là do đầu tư xây dựng tràn lan, thiếu đồng bộ, thiếu đội ngũ quản lý vận hành. Ngoài ra, nhiều công trình được xây dựng ở những nơi chưa có điện lưới quốc gia, thiếu kinh phí để duy tu bảo dưỡng…

Việc hàng loạt công trình nước sạch tập trung ở Đắk Nông không phát huy hiệu quả, không những không giúp được người dân cải thiện điều kiện sống, mà còn ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp từ những chính sách của Nhà nước. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có liên quan ở tỉnh Đắk Nông cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này.

Văn Thành
.
.
.