Người dân sống gần cảng cá kêu cứu vì môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng

Thứ Sáu, 22/06/2018, 07:52
Thời gian gần đây, cảng cá Thừa Thiên - Huế tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang đã bị “bủa vây” bởi rác và nước thải khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương…


Cảng cá Thừa Thiên - Huế được đưa vào sử dụng từ năm 2002, phục vụ cho tàu thuyền cập cảng, thương lái thu mua hải sản sau mỗi chuyến biển và cũng là nơi tránh trú, neo đậu tàu thuyền của ngư dân mỗi khi có mưa bão.

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 chiếc tàu cá, trong đó tàu đánh bắt xa bờ có 409 chiếc với 200 tàu công suất từ 400CV trở lên; 52 tàu cá công suất trên 800CV và 4 tàu vỏ thép trên 800CV đã được hạ thủy.

Bình quân mỗi năm, có khoảng 10.000 lượt tàu cá ra vào cập cảng cá Thừa Thiên - Huế nên nguồn rác thải, nước thải từ hoạt động nghề cá, dịch vụ hậu cần tập trung tại cảng là rất lớn.

Lượng lớn rác thải ứ đọng ở khu vực cầu cảng cá Thừa Thiên - Huế gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Viết Mừng (ở thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An), có nhà ở cách cảng cá Thừa Thiên - Huế không xa, cho biết: “Rác thải chủ yếu là túi nilon được ngư dân các tàu đi biển vào vứt xuống, lâu ngày tập kết lại thành đống tại cầu cảng. Ngoài ra, nguồn nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản, đông lạnh thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nặng nề khu vực cảng”.

Nhiều hộ dân ở thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An bức xúc phản ánh về tình trạng mùi hôi thối do ô nhiễm nguồn nước và rác thải gây ra. “Trước đây, cứ đúng 9 giờ sáng thì có một nhóm công nhân đến dọn dẹp vệ sinh, vớt túi nilon ở cầu cảng nhưng nay lượng rác thải quá lớn, ùn ứ lâu ngày nên dù có dọn dẹp thì đâu lại vào đấy và ô nhiễm ngày càng nặng hơn. Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND thị trấn Thuận An và các cơ quan chức năng để mong có giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm ở cảng nhưng suốt một thời gian dài vẫn chưa được giải quyết”, một hộ dân ở thôn Tân Lập lo lắng nói.

Theo các hộ dân, do tình trạng ô nhiễm ở cảng cá Thừa Thiên - Huế kéo dài suốt nhiều năm qua nên lo sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em và người lớn tuổi. Để hạn chế mùi hôi từ cảng cá bay theo gió vào nhà, những nhà dân ở đây đều kéo rèm, đóng kín cửa suốt ngày.

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An thông tin: “Qua kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở chế biến hải sản, cơ sở đông lạnh đóng gần cảng cá chưa xây dựng hệ thống bể lắng lọc, xử lý nguồn nước thải nên phần lớn nước thải đều được các chủ cơ sở thải ra trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước biển và môi trường khu vực cảng cá. Trong thời gian qua, địa phương đã phối hợp tích cực với Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên - Huế tổ chức thu gom túi nilon, xử lý rác thải nhưng vẫn không xử lý dứt điểm được tình trạng ô nhiễm”.

Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên - Huế cho biết, sau mỗi chuyến ra khơi, các tàu cá khi cập cảng đã để lại một lượng lớn túi nilon và số lượng rác này ngày mỗi lớn, trôi dạt vào cầu cảng gây nên tình trạng ô nhiễm như người dân phản ánh.

“Ngoài tăng cường công tác thu gom xử lý rác thải, hiện Ban đang có kế hoạch điều chỉnh nâng mức xử phạt hành chính đối với các chủ tàu thuyền xả rác thải từ 300-500 ngàn đồng lên đến khoảng 1 triệu đồng để răn đe hành vi xả rác bừa bãi. Riêng các cơ sở đông lạnh, chế biến hải sản, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện xả thải ra môi trường sẽ đình chỉ hoạt động tại cảng”, ông Nhất cho hay.

Hiện cảng cá Thừa Thiên - Huế đang được triển khai thực hiện dự án nâng cấp, xây dựng với tổng kinh phí 180 tỷ đồng với các hạng mục như nạo vét luồng lạch, xây dựng đê, kè chắn sóng, khu neo đậu tàu thuyền ở phía Đông nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, cập cảng của số lượng lớn tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn.

Người dân địa phương mong muốn rằng, cùng với sự đổi thay bộ mặt cơ sở hạ tầng thì tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ không còn diễn ra ở cảng cá này thêm thời gian nào nữa...

Anh Khoa

.
.
.