Người dân miền núi thiếu đất sản xuất vì dự án thủy điện
Từ việc làm chủ những diện tích rừng trồng cho thu nhập kinh tế ổn định, giờ đây có không ít hộ dân phải đi làm thuê, làm mướn để mưu sinh vì đất rừng không còn…
Hai nhà máy thủy điện Thượng Lộ và Thượng Nhật được xây dựng tại huyện miền núi Nam Đông. Trong đó, thủy điện Thượng Lộ được xây dựng trên lưu vực sông Ba Ran, thuộc địa bàn 2 xã Hương Lộc và Thượng Lộ, có công suất gần 6MW, tổng mức đầu tư hơn 163 tỷ đồng, được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015.
Còn dự án thủy điện Thượng Nhật, sau nhiều lần chuyển nhượng chủ đầu tư, đến năm 2016, Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam (gọi tắt Công ty Thủy điện miền Trung) mới triển khai thi công dự án, với số vốn được điều chỉnh lên hơn 340 tỷ đồng. Thủy điện này được xây dựng trên diện tích 154ha tại xã Thượng Nhật, với 2 tổ máy công suất 6MW.
Điều đáng nói, khi thực hiện dự án, gần 200 hộ dân của xã Thượng Nhật bị thu hồi hàng trăm hécta đất rừng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Sau hơn 4 năm thi công, đến nay công trình thủy điện Thượng Nhật đang tiến hành tích nước, xả nước qua tua bin nhiều đợt. Chỉ tính riêng hạng mục lòng hồ thủy điện Thượng Nhật, toàn xã Thượng Nhật có đến 151 hộ dân, với 308 thửa đất bị ảnh hưởng, tổng số tiền đền bù, hỗ trợ được phê duyệt hơn 21,3 tỷ đồng.
Dự án thủy điện Thượng Nhật thu hồi hơn 200ha đất rừng khiến người dân mất đất sản xuất. |
Đến cuối tháng 6-2020, Công ty Thủy điện miền Trung hoàn tất chi trả cho 144 hộ với số tiền hơn 20,6 tỷ đồng; riêng 7 hộ còn lại và một số hộ phát sinh chưa nhận tiền hỗ trợ, đền bù. Ông Hoàng Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết, dù chủ đầu tư nhà máy thủy điện đã đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân số tiền lớn, song vì diện tích đất rừng bị dự án thu hồi quá lớn, khoảng 200ha đất trồng keo lá tràm, cao su đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.
“Sau khi nhận tiền đền bù, nhiều hộ dân chi tiêu phung phí, trong khi đất rừng sản xuất đã bị dự án thu hồi hết nên nguy cơ tái nghèo, cuộc sống gặp khó khăn là không tránh khỏi”, ông Nam nói.
Được cán bộ xã dẫn đường, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Văn Kha (trú ở thôn 3, xã Thượng Nhật), là hộ dân có nhiều diện tích đất rừng ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện Thượng Nhật. Ngồi trong nhà nhìn về hướng lòng hồ thủy điện, ông Kha thở dài, buồn bã bảo: “Sau nhiều năm khai hoang, vợ chồng tôi có được gần 500m2 đất để trồng rừng kinh tế. Những năm trước, diện tích rừng keo lá tràm được vợ chồng tôi thu hoạch luân phiên theo vụ mùa để bán nên cuộc sống gia đình ổn định, việc ăn học của 3 người con không phải lo lắng gì. Nay dự án thủy điện xây dựng, tích nước khiến 463m2 diện tích đất rừng của gia đình đều nằm trong lòng hồ, không thể sản xuất, thu hoạch. Trong lúc chờ đợi phía chủ đầu tư thủy điện và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nam Đông lập phương án phê duyệt chi trả đền bù thì vợ chồng tôi đều phải đi làm thuê cho các chủ rừng để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Nhiều hộ dân ở các thôn 2, thôn 3, xã Thượng Nhật cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi bị thu hồi đất rừng, trong khi tiền hỗ trợ, đền bù do phía thủy điện chi trả được người dân dùng trả nợ vốn vay ngân hàng, mua sắm phương tiện, trang thiết bị trong gia đình. Có rất ít hộ dân dùng số tiền đền bù từ dự án thủy điện để đầu tư phát triển kinh tế. Trước thực trạng này, lãnh đạo UBND huyện Nam Đông và UBND xã Thượng Nhật đã vận động người dân nhận tiền đền bù dùng vào mục đích chính đáng, chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán… để không lãng phí số tiền đền bù.
Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Thượng Nhật, ông Hồ Đức Kiếu, Trưởng thôn 3, xã Thượng Nhật, không giấu được nỗi lo: “Cuộc sống của người dân địa phương chỉ bám vào nương rẫy, trồng rừng làm kế mưu sinh. Tuy nhiên, khi đất đai bị thu hồi, dù các hộ dân có nhận tiền đền bù nhưng số tiền này khi sử dụng không đúng mục đích cũng sẽ hết. Từ đó, họ phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm sống.
Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, chính quyền thôn và xã có kiến nghị đến các cấp xem xét cấp thêm đất sản xuất cho người dân nhưng phương án này không mấy khả quan vì quỹ đất ở địa phương đã cạn kiệt rồi!”.
Tại địa bàn huyện A Lưới, thủy điện A Lưới có công suất 170MW, với tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, được xây dựng ở thượng nguồn sông A Sáp, do Công ty CP Thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2007. Quá trình thi công thủy điện, có khoảng 1.300 hộ dân các xã Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Quảng, Nhâm, Sơn Thủy và Phú Vinh bị ảnh hưởng, với gần 1.900ha đất rừng bị thu hồi. Đó là chưa kể đến hơn 100 hộ dân Tà Ôi, Pa Cô ở các xã Sơn Thủy, Hồng Thái và Hồng Thượng được di dời đến khu tái định cư (TĐC) xã Hồng Thượng, song đến nay, việc cấp đổi đất để sản xuất lúa nước cho người dân mới chỉ thực hiện được 9/24ha, diện tích 15ha còn lại không sản xuất được do sỏi đá quá nhiều, tầng canh tác không đảm bảo, lượng nước tưới thủy lợi không đủ.
Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay, để giúp các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện A Lưới, mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với UBND huyện A Lưới tiến hành khảo sát thực tế tại khu TĐC thủy điện A Lưới. Qua khảo sát, huyện thống nhất đề xuất với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện phương án thu hồi và bồi thường toàn bộ diện tích 15ha không sản xuất được lúa nước, dự kiến kinh phí khoảng 15 tỷ đồng. Nếu được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, UBND huyện sẽ chỉ đạo, hướng dẫn người dân chuyển đổi nghề phù hợp và sử dụng nguồn vốn được bồi thường hiệu quả hơn...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, các phương án đất đổi đất, bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất rừng, đất sản xuất để thực hiện các dự án thủy điện chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi lẽ, những tác hại của thủy điện gây ra đối với môi trường và cuộc sống người dân địa phương, đặc biệt là người dân vùng miền núi là rất lớn. Vì thế, các cơ quan chức năng cần chấm dứt việc cấp phép tràn lan cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ để tránh những hệ lụy về sau.