Người dân bức xúc vì đường dẫn vào khu tái định cư hư hỏng nghiêm trọng

Thứ Năm, 20/06/2019, 07:35
Sau một thời gian đưa vào sử dụng, tuyến đường dẫn vào khu tái định cư (TĐC) Cu Mực - Căn Hoa, xã Hồng Hạ, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) có số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng khiến người dân bức xúc…

Qua tìm hiểu, khu TĐC Cu Mực - Căn Hoa và tuyến đường đã hư hỏng nghiêm trọng nói trên do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng khu vực huyện A Lưới làm chủ đầu tư, có tổng số vốn gần 3,4 tỷ đồng; trong đó chi phí xây lắp hơn 3,2 tỷ đồng.

Công trình được Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hoàng Phong đảm nhận thi công, và hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 8-2013. Theo thiết kế, đường dài 2,4km; mặt đường bê tông đá 2x4 dày 18cm, rộng 3,5m; lề đất rộng 0,75m; rãnh đất thoát nước, độ dốc lớn nhất 10%, tải trọng thiết kế 13 tấn.

Đường vào khu TĐC Cu Mực - Căn Hoa hư hỏng nặng.

Tuy nhiên sau khi đưa vào sử dụng được một thời gian thì tuyến đường này lộ nhiều điểm hư hỏng. Cụ thể như, đoạn từ QL49A kéo dài đến cầu Ưng Hong mặt đường bị hư hỏng, trôi hết phần xi măng để lộ đá dăm lởm chởm. Tại một số vị trí khác trên tuyến đường xuất hiện nhiều điểm sụt lún tạo thành ổ trâu, ổ voi. Từ năm 2014, gần 70 hộ dân được chuyển đến khu TĐC Cu Mực - Căn Hoa sinh sống và người dân rất bức xúc khi tuyến đường dẫn vào khu TĐC vừa xây dựng hoàn thiện nhưng đã xuống cấp, gây trở ngại trong việc giao thương, đi lại.

Bà Hồ Thị Bé phản ảnh: “Ngay từ khi đưa vào sử dụng thì đường đã hư hỏng nhiều điểm. Đến nay, do tình trạng xe tải chở gỗ keo tràm và các phương tiện đi vào thi công dự án thủy điện sông Bồ và cầu qua khu TĐC nên đường càng nhanh xuống cấp, ổ voi, ổ gà rất nhiều khiến người dân đi lại khó khăn, nhất là vào ban đêm”.

Ông Lê Văn Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, nói rằng, ngay từ khi đưa vào sử dụng thì tuyến đường dẫn vào khu TĐC Cu Mực - Căn Hoa đã xuống cấp.

“Cách đây 6 năm, khi tuyến đường này được hoàn thiện thì đại diện UBND xã thời điểm đó đã không chấp nhận ký vào biên bản nghiệm thu công trình do nhận thấy chất lượng tuyến đường không đảm bảo. Tuy nhiên vì phía chủ đầu tư thuyết phục nên sau đó xã mới chịu ký. Mới đây, do xây dựng cầu Ưng Hong còn dư vốn nên xã đã đề xuất dùng số tiền này để đầu tư gia cố hai bên lề đường bằng bê tông, riêng mặt đường vẫn trơ đá”, ông Hợi cho biết.

Tuy nhiên, ông Ngô Duy Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực huyện A Lưới biện minh rằng, mặt đường bị hư hỏng là do mương thoát nước bằng đất, đường có độ dốc lớn nên bị mưa làm xói mòn. Mặt khác, do lượng lớn xe cộ thi công công trình và các phương tiện chở quá tải trọng qua lại tuyến đường này với mật độ lớn khiến đường nhanh xuống cấp(!?).

“Hiện công trình đã hết thời gian bảo hành nên đơn vị quản lý sử dựng phải thực hiện khai thác vận hành đúng tải trọng thiết kế của tuyến đường. Nếu để xe quá khổ, quá tải hoặc cho phía thủy điện làm đường công vụ vận chuyển vật liệu, máy móc thiết bị thì đơn vị quản lý phải làm việc với đơn vị khai thác hoàn trả lại công trình”, ông Hoàng phân bua.

Với mong muốn đảm bảo ATGT cho người dân địa phương, hiện UBND xã Hồng Hạ đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng sớm có biện pháp sửa chữa tuyến đường trên.

Anh Khoa
.
.
.