Một quận có 2 chợ bỏ hoang
- Tốn hàng chục tỉ đồng xây chợ bỏ hoang2
- Chợ bỏ hoang khắp nơi vẫn cho chủ trương xây mới
- Mất tiền tỷ vì chợ… bỏ hoang
Từ khu công nghệ cao đi về hướng Đồng Nai, khi qua khu du lịch Suối Tiên, rẽ vào con đường nhỏ cách quốc lộ 1 khoảng hơn 100m, chúng tôi vào chợ Tân Phú thấy vắng tanh. Gặp người đàn ông trên 50 tuổi đang nằm ở võng phía trước chợ, anh tên là Ngọc. “Trước đây thấy xây dựng chợ, tôi thuê nhà bên chợ dự tính bán cà phê cho tiểu thương và những người đi chợ, nhưng chợ không ai mua bán nên tôi phải làm việc khác sinh sống”, anh Ngọc cho biết.
Cảnh hoang tàn bên trong chợ Phú Hữu. |
Vào bên trong chợ, chúng tôi thấy cảnh hoang tàn, đầy rác bụi, hệ thống điện hư hỏng, mái tôn thủng, mỗi lần mưa là đầy nước trong chợ,… Theo người dân ở đây, lúc đầu tiểu thương cũng vào chợ này mua bán, nhưng sau đó đều bỏ đi. Bởi việc quy hoạch chợ không khoa học, vị trí giao thông không thuận tiện. Chợ chỉ có đường ra vào duy nhất từ quốc lộ 1 và phải đi đường vòng rất xa, mà đoạn đường này khá nguy hiểm khi có nhiều xe tải, xe buýt, container,… lưu thông. Còn những con đường bên trong khu vực chợ không được thông nhau nên gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển hàng hoá và cho người đi chợ. Do đó, người dân không vào chợ mà mua bán ở chợ tự phát trên đường 154 ngay gần chợ này. Một vấn đề nữa là nhà vệ sinh lại xây dựng ngay trước chợ, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và không mỹ quan.
Được biết, chợ Tân Phú được xây dựng từ năm 2004 và hoạt động từ tháng 5-2005 trên khu đất rộng gần 5.000m2, với kinh phí đầu tư 2,5 tỷ đồng, có 340 sạp và ki-ốt, nhưng chợ này bỏ hoang hơn 13 năm qua nên cơ sở vật chất đã hư hỏng. Do để hoang nên một số đối tượng nghiện ma tuý vào chợ để hút, chích ma tuy. “Tôi thấy có mấy lần Công an đến bắt các đối tượng hút chích ma tuý trong chợ này”, một người dân nói.
Bà Vũ Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Tân Phú (quận 9) cho biết: “Khi có chợ mới khang trang thì tiểu thương và người dân nơi đây rất phấn khởi, tuy nhiên sau đó tiểu thương bỏ đi khỏi chợ nên không ai vào đây mua bán; một phần là do bất cập về giao thông đi lại không thuận tiện, phần vì diện tích sạp, ki-ốt và lối đi trong chợ nhỏ quá. Chúng tôi đã đề xuất với UBND quận cho đầu tư để sửa chữa chợ và làm đường giao thông thuận tiện hơn, UBND quận cho biết đã đề xuất lên UBND thành phố, nhưng đến nay chưa được giải quyết”.
Chợ Tân Phú được cho là không thuận tiện về giao thông nên không có người mua bán. Chợ Phú Hữu (phường Phú Hữu) cũng nằm trên địa bàn quận 9, được xây năm 2004 với kinh phí1,2 tỷ đồng, có 164 sạp và ki-ốt trên diện tích hơn 2.000m2. Chợ này nằm sát bên đường Nguyễn Duy Trinh, giao thông thuận tiện hơn nhưng đến nay chỉ có một người bán tạp hoá ở ki-ốt mặt tiền và một người hớt tóc. Bên trong chợ cũng hoang tàn, hư hỏng không kém chợ Tân Phú.
Được biết, chợ Phú Hữu được xây dựng để cấp cho những hộ nghèo và chính sách trên địa bàn phường buôn bán. Sau khi chợ này xây dựng xong, người dân cũng vào mua bán, nhưng hàng hoá bán ế nên tiểu thương bỏ ra chợ tự phát đường Nguyễn Duy Trinh và đường 989, còn chợ Phú Hữu thì bỏ hoang. Ông Trần Phước Hùng, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu (quận 9) cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng dẹp chợ tự phát, nhưng sau khi lực lượng đi thì người dân lại đem hàng hoá ra buôn bán. Còn chợ Phú Hữu hiện đã xuống cấp, địa phương mua tôn tính thay mái tôn đã hư hỏng nhưng không ai dám nhận leo lên để thay tôn, vì sợ sập rất nguy hiểm. Chúng tôi đã đề nghị UBND quận cho kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ, bài bản hơn, nhưng chưa được giải quyết”.
Trước tình trạng xây dựng chợ nhưng không có người vào mua bán, chính quyền địa phương cần có biện pháp giải quyết; không thể để bỏ ra hàng tỷ đồng ngân sách Nhà nước rồi chợ lại để hoang hơn 10 năm qua, rất lãng phí.