Loay hoay việc cải tạo chung cư cũ ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 24/07/2020, 09:10
Chương trình cải tạo chung cư cũ là một trong những vấn đề trọng điểm thuộc chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, đã được UBND TP Hồ Chí Minh triển khai từ năm 2016. Nhưng từ đó đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho “bài toán” cải tạo, xây mới các chung cư cũ trên địa bàn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chung cư Trúc Giang tọa lạc tại 41/1 Lê Văn Linh, quận 4, hiện đã quá xuống cấp với những vết thấm đen, nhiều lớp bê tông bong tróc, để lộ khung sắt gỉ sét và nhất là có thể thấy bằng mắt thường sự nghiêng rất rõ, khiến ai nhìn vào cũng cảm thấy rùng mình. Hiện tại chỉ còn một số ít hộ bám trụ ở lại vì đang chờ được cấp căn hộ tạm cư. Những hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ chuyển đi để tràn ngập rác bẩn tại chỗ…

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đánh giá chung cư Trúc Giang thuộc vào hạng D - ở mức độ nguy hiểm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Chung cư Trúc Giang hiện đã hư hại, xuống cấp trầm trọng.

Ông Trịnh Văn Lộc (66 tuổi, ở căn hộ 308) cho biết bản thân ông đã ở chung cư này 40 năm nay. “Bây giờ tôi chẳng biết đi ở đâu vì làm gì có tiền mà mua chỗ khác, chỉ chờ có chỗ tạm cư là sẽ chuyển đi thôi”, ông Lộc chia sẻ.

Tương tự, tại chung cư Bùi Viện (155-157 Bùi Viện, quận 1) được xây dựng từ năm 1963, theo quan sát của chúng tôi cũng xuống cấp nghiêm trọng. Tại các tầng của chung cư đa số các căn hộ đã được niêm phong hoặc chuyển đi. Trong tất cả 94 hộ dân sinh sống trong chung cư này cho đến nay chỉ còn trên dưới 10 hộ còn sinh sống tại đây.

Sở Xây dựng khảo sát trước đó đã nhận định, bên ngoài chung cư Bùi Viện vẫn còn khá chắc chắn nhưng bên trong thì xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, Sở đã từng đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh cần khẩn trương thực hiện di dời hết cư dân và xây dựng mới công trình này.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay, UBND quận 1 đang vận động các hộ dân còn ở lại chung cư Bùi Viện di dời đến quỹ nhà tạm cư. Trường hợp các hộ dân không đồng ý di dời, UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho UBND quận 1 tạm ứng ngân sách để chi tạm cư cho các hộ dân. Tuy vậy, theo chia sẻ với chúng tôi, các hộ dân còn ở lại chung cư Bùi Viện đến giờ vẫn không đồng ý việc nhận tiền để chuyển đi.

Hình ảnh trong một căn hộ (chủ đã chuyển đi) ở chung cư Bùi Viện.

Còn với chung cư Trúc Giang, ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết cũng đang áp dụng chính sách như với chung cư Bùi Viện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các hộ dân còn đang sinh sống tại chung cư Trúc Giang vẫn đang ngày đêm chờ đợi được di dời qua các khu tạm cư vì sợ chung cư này có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Ngoài hai chung cư “chờ sập”, TP Hồ Chí Minh hiện còn khá nhiều công trình nguy hiểm tương tự, trong đó nổi cộm như chung cư Vĩnh Hội (quận 4) hay cụm chung cư lô số - Cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh)…

Tính từ đầu chương trình cải tạo chung cư cũ (năm 2016) đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ sửa chữa, cải tạo được 116 chung cư trong tổng số 474 chung cư cũ (573 lô) xây dựng trước năm 1975.

Trước đó, TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và kiểm định chất lượng đối với số chung cư cũ này. Kết quả có 15 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm, có thể sập bất cứ lúc nào); 115 chung cư cấp C; 332 chung cư cấp B...

Trong năm 2020, TP Hồ Chí Minh dự kiến cải tạo, sửa chữa thêm 83 chung cư đã được ghi vốn khởi công và vốn chuẩn bị đầu tư. Ước lũy kế giai đoạn 2016-2020 thực hiện cải tạo, sửa chữa 199 chung cư xây dựng trước năm 1975 với tổng mức đầu tư được duyệt là 275,5 tỷ đồng…

Đánh giá về thực trạng công tác cải tạo các chung cư cũ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết có nhiều lý do. Trong đó, quy định pháp luật còn nhiều bất cập như không thể đạt được sự thống nhất của tất cả chủ sở hữu về lựa chọn chủ đầu tư xây dựng lại chung cư. Quy định bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư hiện hành không phù hợp khi áp dụng đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cấp D. Không cho phép thực hiện chỉ định chủ đầu tư đối với các chung cư cấp D nên việc lựa chọn chủ đầu tư vẫn còn chậm.

Đáng nói, có nguyên nhân các doanh nghiệp đều phải thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc nên các doanh nghiệp đều “ngán”. Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính cũng chưa thống nhất ý kiến về việc miễn giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án xây dựng mới chung cư có một phần là đất mở rộng để thực hiện chỉnh trang.

Trong khi đó, phương án bố trí tạm cư, tái định cư không đảm bảo thống nhất đồng thuận của tất cả các hộ dân ảnh hưởng, chủ yếu phải dựa vào vận động, thuyết phục. Đặc biệt, với chung cư cấp D rất khó mời gọi nhà đầu tư tham gia do đa số loại chung cư này có diện tích nhỏ, việc đầu tư xây dựng mới chung cư không đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, phải di dời, tái định cư cho người dân để có mặt bằng thi công dự án. Luật quy định (với các chung cư cũ không phải là cấp D) phải 100% ý kiến người dân đồng thuận mới tiến hành phá dỡ và cải tạo, nhưng để đạt tỷ lệ này rất khó…

Trước những khó khăn, vướng mắc, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh các nội dung kiến nghị đối với Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tài chính về hướng dẫn hoặc bổ sung quy định cụ thể về miễn giảm thực hiện nghĩa vụ tài chính nhằm khuyến khích chủ đầu tư các dự án cải tạo, xây dựng thay thế chung cư cũ trong trường hợp phát sinh điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc; về áp dụng quy định miễn giảm tiền sử dụng đất đối với trường hợp cải tạo, xây dựng lại chung cư có một phần diện tích không phải là chung cư hoặc có mục đích sử dụng khác.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nội dung của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong trường hợp Nhà nước trực tiếp thực hiện xây dựng mới chung cư cũ chỉ thực hiện phương thức bồi thường, tái định cư bằng căn hộ. Nghiên cứu, bổ sung quy định đối với các căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước đang cho thuê do chủ đầu tư bồi thường, không thực hiện tái định cư…

Phú Lữ
.
.
.