Lo ngại về an ninh nguồn nước của đồng bằng sông Cửu Long
Những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2019, TP Cần Thơ chịu tác động mạnh từ đợt triều cường, mực nước lên cao nhất lịch sử trong vòng 40 năm gần đây, gây ngập lụt đường phố, nhà cửa, ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt, kinh doanh… của người dân địa phương.
Theo Sở TN&MT TP Cần Thơ, năm nay, mực nước thượng nguồn sông Me kong đổ về rất thấp. Tại trạm thủy văn ở Châu Đốc, mực nước chỉ vượt báo động 1, do đó, đợt ngập lụt đô thị TP Cần Thơ và các địa phương vừa qua được nhận định là do ảnh hưởng của nước biển dâng, triều cường và tình trạng sụt lún ngày càng tăng ở khu vực ĐBSCL.
Không chỉ với vai trò đảm bảo an ninh lương thực, ĐBSCL còn nổi tiếng bởi giá trị sinh thái với nhiều quần thể sinh vật đặc thù, nhiều loài đặc hữu, như: sếu đầu đỏ, cá tra dầu, cá hô, rái cá... Tuy nhiên, những năm gần đây, ĐBSCL ngày càng bị tác động từ hiệu ứng thời tiết cực đoan gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH). Quan ngại hơn, sự phát triển của các đập thủy điện ở thượng nguồn dòng chính Me kong những năm qua, khiến cho vấn đề an ninh nguồn nước ở hạ châu thổ sông Me kong nói chung, ĐBSCL của Việt Nam nói riêng, trở nên bức bách.
Theo Th.s Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL), đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn vào sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, tránh thiệt hại.
“Về lâu dài, để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL thì cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Lũ vào được 2 vùng này thì bên dưới sẽ bớt ngập, bớt nhu cầu đê bao khép kín và để nước có thể vào ruộng, vườn. Như vậy, sang mùa khô sẽ bớt hạn và xâm nhập mặn sâu”, Th.s Nguyễn Hữu Thiện cho biết.
Triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đường nội đô của TP Cần Thơ bị ngập lụt đầu tháng 10 vừa qua. |
Theo nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy nước về ĐBSCL; giảm lượng phù sa; giảm nguồn lợi thủy sản; xâm nhập mặn sâu vào nội đồng… Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu (BĐKH) là yếu tố tác động lên nguồn nước ở ĐBSCL.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ trồng trọt, sản xuất, sinh hoạt tại ĐBSCL, các nhà khoa học cho rằng, cần tăng cường quan trắc, dự báo sớm tình hình hạn, mặn cho nhân dân biết để chủ động triển khai các giải pháp trữ nước ngọt phục vụ sản xuất…