Lật tẩy thủ đoạn của cát tặc “rút ruột” các dòng sông

Thứ Ba, 02/05/2017, 09:46
Nguồn tài nguyên cát đang bị tận thu trên nhiều tuyến sông. Do siêu lợi nhuận thu về từ cát nên nhiều cá nhân, tổ chức đã sử dụng các chiêu thức tinh vi nhằm “móc ruột” lòng sông.

Để xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là đối với trường hợp mang theo mình những “lá bùa” – giấy phép được các cơ quan chức năng cấp để khai thác cát bừa bãi, nhóm phóng viên Báo CAND đã thâm nhập thực tế, tìm hiểu về các vấn đề liên quan.

Bờ sông Lô bị sạt lở nghiêm trọng

Cuối tháng 4, thời điểm nhóm phóng viên Báo CAND về xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc để ghi nhận về hoạt động khai thác cát thì hàng ngàn mét vuông đất canh tác, đất trồng cây hằng năm của bà con bị hở hàm ếch, sạt lở nghiêm trọng.

Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở trên là do hoạt động khai thác cát trên địa bàn.

Cũng vì thế mà thời gian gần đây, người dân khu vực này thường xuyên tập trung đông người tại trụ sở UBND xã, UBND huyện để phản ứng việc các doanh nghiệp khai thác cát đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Đôn Nhân cũng là một trong những xã đang có hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp bị sạt lở, hở hàm ếch nghiêm trọng.

Sáng 27-4, trên con đường dẫn vào trụ sở UBND xã, chúng tôi thấy trên dòng sông Lô đi qua địa bàn có nhiều tàu khai thác, vận chuyển cát. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Công an xã Đôn Nhân và ông Đỗ Trọng Chất, Trưởng thôn Dân Chủ, xã Đôn Nhân trực tiếp đưa chúng tôi ra khu vực các tàu khai thác cát.

Ông Chất cho biết, trong thôn có 140 hộ dân thì 50 hộ dân có đất canh tác ven sông Lô bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sạt lở, hở hàm ếch. Hàng ngàn mét vuông đất trồng màu của bà con đã bị nước sông cuốn trôi.

Con đê Bối không còn vững chắc như trước, do bị sạt lở nghiêm trọng của các bãi ruộng ven sông khiến lòng sông mở rộng và đê ngày càng bị thu hẹp.

Người dân nơi đây cho biết, trước đây đứng trên đê, phóng tầm mắt về phía xa sẽ thấy ngút ngàn màu xanh mơn mởn của cánh đồng ngô. Nay cả một vùng đất canh tác cứ sạt lở theo từng con nước lớn. Những vết nứt toang hoác trên nền đất bồi khiến ai một lần đến đây cũng đều thấy “gai” người.

“Các nhà báo nhìn thì thấy rõ sự sạt lở nghiêm trọng của các bãi đất ven sông, nơi có nhiều tàu khai thác cát. Bãi ngô trước đây vốn rộng bát ngát giờ đã bị thu hẹp đi rất nhiều cũng vì sạt lở đó. Bởi vậy người dân nơi đây không lo lắng sao được”, ông Chất tâm sự.

Cũng theo ông Chất, chỉ tính riêng ở thôn Dân Chủ, “Hà bá” đã “ngoạm” hơn 80 mét dài và gần 60 mét rộng bãi bồi trồng màu của bà con. Những vết nứt trên nền đất bồi vốn được bà con dùng cho trồng cây hằng năm, ngày một nối nhau chằng chịt.

Thấy tôi đứng ra mép bờ sông, cách mặt nước khoảng 100 mét để chụp ảnh và quay hình, anh Phó trưởng Ban Công an xã vẫy lại: “Đừng đứng gần mép như thế, nền đất yếu lắm có thể sạt xuống sông bất cứ lúc nào”. Nghe cảnh báo, tôi nhìn xuống chân và thấy bủn rủn trước những vệt đất nứt toác, rộng đến 10cm.

Hiện tượng sạt lở đất ở bãi bồi mà chúng tôi ghi nhận cũng đã khiến tấm biển báo hiệu đường thủy nằm cách xa vài mét nơi đây cũng bị nghiêng tới 45 độ. Điều đó cho thấy, những nguy cơ tiềm ẩn phát sinh đi kèm với tình trạng sạt lở đất canh tác ở đây luôn hiện hữu.

Ông Chất cho biết thêm, tình trạng sạt lở đất canh tác của bà con nơi đây đã xuất hiện từ cuối năm 2016 và càng trở nên nghiêm trọng hơn vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua.

Tình trạng sạt lở đất canh tác của bà con xã Đôn Nhân đang diễn ra nghiêm trọng.

Có nguyên nhân từ khai thác cát

Tình trạng sạt lở đất canh tác, hở hàm ếch không chỉ xuất hiện ở địa bàn thôn Dân Chủ mà còn hiện hữu ở một số thôn khác của xã Đôn Nhân như: Đôn Mục, Trung Kiên. Diện tích đất canh tác theo thời gian đã bị nước sông cuốn đi. Người dân luôn cho rằng, tình trạng sạt lở trên xuất hiện là do hoạt động khai thác cát trên địa bàn gây ra.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Nhân cho biết, Đôn Nhân là xã miền núi của huyện Sông Lô, phía Nam giáp với sông Lô có chiều dài 4,8km. Hiện trên địa bàn xã có một số đơn vị khai thác cát được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác mỏ theo quy định.

Ngày 20-2-2017, sau khi nhận được nội dung phản ánh của người dân về tình hình khai thác cát sỏi gây sạt lở đất nông nghiệp trên địa bàn, UBND xã đã tổ chức lực lượng tiến hành kiểm tra xác minh dọc tuyến sông Lô thuộc địa bàn xã.

Kết quả cho thấy 258 hộ dân có đất canh tác bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Tổng số chiều dài đất canh tác chạy dọc theo tuyến sông bị sạt lở đến thời điểm hiện tại là trên 300m, vị trí dòng sông lấn sâu vào bãi bồi đã lên đến gần hơn 50m.

Ngay sau khi tiến hành kiểm tra thực tế, UBND xã đã có công văn đề nghị UBND huyện Sông Lô phối hợp với các cơ quan chức năng xác định rõ nguyên nhân gây ra sạt lở và có biện pháp khắc phục.

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Hoàng Đức Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sông Lô cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xã Đôn Nhân và xã Cao Phong, tình trạng sạt lở đất nông nghiệp ven sông đang diễn biến phức tạp. Tổng diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở lên đến hơn 8.000 m².

Trước sự việc trên, UBND huyện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và đề nghị các đơn vị chức năng vào cuộc sớm tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục nhằm sớm ổn định tình hình an ninh trật tự. Sau khi nhận được công văn đề nghị của UBND huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập tổ công tác phối hợp cùng các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân gây sạt lở đất nông nghiệp để có biện pháp xử lý.

Theo Công văn số 649/STNMT-KS ngày 30-3-2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, qua kiểm tra đã xác định, nguyên nhân gây ra sạt lở đất ở xã Đôn Nhân bân đầu được xác định là do kết cấu đất tại khu vực là nền đất yếu có kết cấu bở rời, bề mặt tầng phủ đất mỏng bên dưới chủ là lớp đất cát dễ sạt lở khi có biến động của dòng chảy... và có cả nguyên nhân liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông.

Ngay sau đó, đơn vị này phối hợp với UBND huyện Sông Lô đã yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản cam kết chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Hiện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình, cá nhân bị sạt lở đất nông nghiệp cũng như dự án kè chống sạt lở tại xã Đôn Nhân.  

Đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sông Lô cho thấy, Sông Lô có 17 xã, thị trấn với 28km đường sông đi qua. Trong đó có 10 xã, thị trấn tiếp giáp sông Lô. Hiện có 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi trên dòng sông Lô.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trên địa bàn.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn (đặc biệt là khai thác cát, sỏi) vẫn tiềm ẩn nhiều cơ phức tạp nảy sinh, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn. Thời gian qua, UBND huyện phối hợp với các đơn vị chức năng đã lập biên bản xử lý 41 trường hợp khai thác cát trái phép, phạt hành chính gần 1 tỷ đồng.

Ng.Hưng- T.Huy
.
.
.