Lập hàng loạt doanh nghiệp “ma”, chủ dự án biệt thự đình đám chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng
Liên quan đến vụ sai phạm này, Báo CAND từng phanh phui, đăng tải loạt bài điều tra, phản ánh trước khi Phạm Quốc Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam vào đầu năm 2020.
Công ty Thanh Bình được thành lập vào năm 2000 do ông Nguyễn Văn Tám làm giám đốc. Sau khi ông Tám qua đời (2013), ông Pham Quốc Dũng (SN 1967) là người đại diện theo pháp luật của công ty với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Công ty Thanh Bình là chủ dự án Khu biệt thự Thanh Bình được UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 vào năm 2006 với 209 lô đất và nền biệt thự; đã được ông Tám và ông Dũng chuyển nhượng toàn bộ cho khách hàng và nhận gần đủ tiền.
Tuy nhiên sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), Công ty Thanh Bình không làm các thủ tục tách thửa, công chứng sang tên cho khách hàng như đã thỏa thuận trong hợp đồng mà mang đi thế chấp toàn bộ vào ngân hàng để vay vốn và bảo lãnh vay vốn cho bên thứ ba. Số tiền vay ngân hàng và tiền thu của khách hàng chuyển nhượng đất Công ty Thanh Bình chỉ sử dụng một phần nhỏ để đầu tư hạ tầng cho dự án Khu biệt thự Thanh Bình; phần lớn số tiền còn lại sử dụng cho mục đích khác.
Theo kết quả điều tra, Công ty Thanh Bình đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ các lô đất và nền biệt thự cho khách hàng thu về số tiền hơn 478 tỷ đồng. Trong đó, bị can Dũng trực tiếp ký 65 hợp đồng thu hơn 227 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Tám ký 82 hợp đồng thu hơn 232 tỷ đồng và ông Phạm Nguyễn Vũ, Giám đốc Công ty Thanh Bình hiện nay, ký 7 hợp đồng thu hơn 19 tỷ đồng.
Về vay ngân hàng, Phạm Quốc Dũng trực tiếp ký 7 hợp đồng thế chấp tài sản vay hơn 472 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Thanh Bình vay 34 tỷ đồng, bảo lãnh cho bên thứ ba vay hơn 438 tỷ đồng. Cộng cả hai khoản nói trên, Công ty Thanh Bình và cá nhân Phạm Quốc Dũng có trong tay hơn 950 tỷ đồng nhưng khi bị bắt giữ, cơ quan điều tra phong tỏa 3 tài khoản của bị can Dũng thì tổng số dư chỉ gần 300 triệu đồng.
Một góc Khu biệt thự Thanh Bình. |
Để vay ngân hàng với số tiền “khủng” nói trên, bị can Dũng đã thành lập khá nhiều công ty và cho người thân trong gia đình đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh, đại diện theo pháp luật. Sau khi vay được tiền, những người thân này chuyển lại cho Công ty Thanh Bình và cá nhân Dũng sử dụng.
Cụ thể như Công ty cổ phần Ngân Hà, trụ sở đặt tại quận 1, TP HCM do ông Phạm Ngọc Lâm làm Giám đốc. Ông Lâm khai tại cơ quan điều tra, ông là anh ruột của Phạm Quốc Dũng và được Dũng nhờ đứng tên Công ty Ngân Hà và Công ty Khả Minh. Sau khi giúp ông Dũng vay tiền, ông Lâm chuyển lại toàn bộ cho ông Dũng sử dụng.
Ông Phạm Nguyên Vũ khai là cháu ruột của Phạm Quốc Dũng được ông Dũng nhờ đứng tên 3 công ty gồm: Công ty TNHH Công nghệ máy tính Nhất Tâm, Công ty TNHH MTV Đầu tư Minh Khôi và Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ Đại Dương.
Ông Trần Hữu Quỳnh cũng là cháu ruột của Phạm Quốc Dũng được Dũng nhờ đứng tên Công ty cổ phần Thương mại S.V.C. Ba người cháu ruột khác của ông Dũng là Phạm Đức Cường, Phạm Nguyễn Anh Tân, Trần Đức Huynh cũng được Dũng nhờ đứng tên các doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Bất động sản Phúc Vinh, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hoàng Minh Tân, Công ty TNHH MTV Đồng Tiến Phát… Vì đều là“ma”, lập ra để vay vốn nên các doanh nghiệp không hoạt động ngày nào và biến mất khi “hoàn thành nhiệm vụ”.
Không chỉ có Dũng thành lập doanh nghiệp “ma” để vay vốn mà ngay chính một chi nhánh ngân hàng ở An Sương (quận 12) còn tạo dựng lên một số công ty để nhằm hợp thức hóa cho Dũng vay vốn. Dũng khai, các công ty gồm: Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ XNK Win, Công ty TNHH Thương mại Cresendo VN, Công ty TNHH Alex Vina, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Dũng Thái, Công ty TNHH Thương mại Phong Nhi không phải do Dũng lập nên cũng không có quan hệ làm ăn gì cả. Các công ty này do cán bộ ngân hàng đưa vào với vai trò là bên thứ ba để Công ty Thanh Bình đứng ra bảo lãnh vay vốn.
Ông Nguyễn Nhật Kha đứng tên giám đốc Công ty Dũng Thái khai, vào khoảng tháng 12/2017, Kha được bạn bè giới thiệu xin đi làm tại TP HCM. Kha mang theo giấy tờ tùy thân rồi gặp một người phụ nữ tên Cúc. Người này đưa Kha đến chi nhánh nhân hàng ở An Sương rồi kêu ký một số giấy tờ và giấy ủy nhiệm chi. Sau khi thực hiện xong công việc, Kha được cho 20 triệu đồng. Kha không biết ông Dũng là ai và cũng không biết mình được làm… giám đốc tự khi nào!
Do việc cho vay với nhiều sai phạm có sự câu kết giữa bị can Phạm Quốc Dũng và ngân hàng nên ngày 26/5/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và đang tiến hành điều tra làm rõ.