Sai phạm tại dự án Khu biệt thự Thanh Bình, TP Vũng Tàu, Bà Rịa- Vũng Tàu

Bắt tạm giam ông Phạm Quốc Dũng, nguyên chủ tịch HĐTV Công ty Thanh Bình

Thứ Hai, 13/01/2020, 17:16
Liên quan đến vụ việc này, giữa năm 2019, báo CAND có loạt bài điều tra vạch trần thủ đoạn của Công ty Thanh Bình trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ dân trong dự án Khu biệt thự Thanh Bình (phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)...


Ngày 13-1-2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Quốc Dũng (SN 1967; HKTT phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh), nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TV-DV-TM Thanh Bình (gọi tắt là công ty Thanh Bình; trụ sở đặt tại Tầng 1, Ròa nhà Packsimex; số 52, Đông Du, P.Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Liên quan đến vụ việc này, giữa năm 2019, báo CAND có loạt bài điều tra vạch trần thủ đoạn của Công ty Thanh Bình trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ dân trong dự án Khu biệt thự Thanh Bình (phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), Công ty này cam kết sẽ bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dung đất cho từng người mua nhưng sau khi có “sổ đỏ” lại đem thế chấp cho nhiều ngân hàng để vay vốn và bảo lãnh vay vốn cho bên thứ ba. 

Do không trả nợ vay nên sau đó phía ngân hàng tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất, bán nợ xấu để thu hồi nợ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người mua.

Ông Phạm Quốc Dũng vào thời điểm bị bắt.

Sai phạm chưa dừng lại ở đây, qua tài liệu mà báo CAND thu thập được còn có sự “liên minh” giữa công ty Thanh Bình, ngân hàng, tổ chức bán đấu giá và người mua nợ xấu để chiếm đoạt tiền của nhà nước, tài sản của người dân thông qua các hợp đồng vay vốn, mua bán nợ xấu có nhiều khuất tất. 

Nổi bật nhất trong số này là việc mua trúng đấu giá quyền sử dụng đất số BK622398 (7.979,3m2) giữa ngân hàng và công ty Đại Dương được ký kết vào lúc 15h ngày 23-1-2019 tại Phòng công chứng Chí Linh nằm trên đường Bình Giã, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Hợp đồng thể hiện, công ty Đại Dương chỉ mới nộp 4,8 tỷ đồng tiền đặt cọc (được chuyển từ khoản tiền đặt trước của công ty Đại Dương nộp vào Công ty Cổ phần đấu giá Châu Á để tham gia đấu giá), còn lại 42,450 tỷ đồng phải thanh toán cho ngân hàng trong vòng 30 ngày. 

Thế nhưng cũng trong ngày 23-1-2019, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉnh lý xóa nội dung đăng ký thế chấp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BK622398. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trước đó ngân hàng đã làm thủ tục giải chấp khoản nợ này.

Vậy có hai khả năng xảy ra đó là ngân hàng đã lập khống hồ sơ để giải chấp hoặc có ai đó đã đóng tiền vào xóa thế chấp chứ không phải công ty Đại Dương. Và cả hai khả năng này đều vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật hiện hành.

Bởi căn cứ vào điều 39 Luật đấu giá 2016 và điều 13 quy chế bán đấu giá của Công ty Cổ phần đấu giá Châu Á ban hành ngày 22-12-2018 quy định: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đấu giá thành, người trúng đấu giá phải thanh toán đủ số tiền mua tài sản cho Công ty Cổ phần đấu giá Châu Á. Quá thời thanh toán tiền mua tài sản mà người trúng đấu giá tài sản không thanh toán đủ thì sẽ mất toàn bộ số tiền đặt cọc”.

Như vậy để ngân hàng tiến hành giải chấp tài sản và lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản thì Công ty Đại Dương phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán đủ số tiền mua tài sản cho Công ty Cổ phần đấu giá Châu Á và sau 3 ngày làm việc Công ty Cổ phần đấu giá Châu Á phải chuyển toàn bộ số tiền đó cho ngân hàng. Nếu sau thời hạn trên mà Công ty Đại Dương không thực hiện thì ngân hàng sẽ không chuyển nhượng tài sản cho Công ty Đại Dương nữa. Việc bán nợ xấu liên quan đến hai quyền sử dụng đất số AD733691 và BA657202 cũng thực hiện theo trình tự như vậy.

Một góc khu dân cư Thanh Bình.

Đây chính là mấu chốt của vấn đề mà người dân khu Thanh Bình đề nghị cơ quan công an làm rõ. Bởi chính việc mua bán đấu giá quyền sử dụng đất, mua bán nợ xấu đã biến khu dân cư Thanh Bình trở thành điểm nóng về an ninh trật tự do có sự tranh chấp quyết liệt giữa người mua trúng đấu giá và cư dân tại đây.

Trong khi đó, trước khi bán đấu giá quyền sử dụng đất, bán đấu giá nợ xấu, cư dân tại đây đã có đơn ngăn chặn, đề nghị không tiếp tục bán đấu giá để chờ cơ quan thẩm quyền giải quyết nhưng vẫn không ngăn chặn được. Đặc biệt hơn, sau khi trúng đấu giá, công ty Đại Dương tiếp tục mang tài sản thế chấp cho ngân hàng khác để vay hàng chục tỷ đồng, đẩy vụ việc ngày càng phức tạp hơn.

Hơn 3 năm qua kể từ ngày khiếu kiện, hàng trăm hộ dân tại đây luôn sống trong tâm trạng âu lo, chán nản vì phải bỏ biết bao công sức để đòi lại quyền lợi nhưng chưa được giải quyết. 

“Nếu như không có chuyện bán đấu giá các khu đất thì có lẽ việc tranh chấp sẽ dễ dàng giải quyết hơn. Do vậy mà cư dân chúng tôi rất cần cơ quan điều tra làm sáng tỏ dấu hiệu của sự thông đồng trong việc bán đấu giá này”- Một người dân khu Thanh Bình bộc bạch. 

Mã Hải
.
.
.