Hàng chục hộ dân vùng sạt lở núi mong mỏi được tái định cư
- Lãng phí nghiêm trọng khi hàng ngàn căn hộ tái định cư xây xong để hoang
- Người dân tái định cư hơn 10 năm “khát” đất sản xuất
- Thông tin mới vụ cháy dãy ki ốt tại khu đất tái định cư làng Lai Xá
Ông Hồ Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Lâm, cho biết, đến thời điểm hiện tại chỉ có 4 ngôi nhà đang được xây dựng, còn lại 45 nhà chưa triển khai. Đây là những hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp từ trận sạt lở núi năm 2016.
Lẽ ra, mặt bằng khu TĐC được bàn giao từ tháng 8-2018, nhưng do nhiều hạng mục nên mãi đến 31-10-2018, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị chủ đầu tư mới bàn giao hoàn toàn cho xã. Vì thế, 4 ngôi nhà ưu tiên xây trước từ tháng 8-2018 đến nay vẫn chưa thể hoàn thành, trong khi đó tiến độ thi công lại phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.
Người dân ở thôn Trà Khương, xã Trà Lâm, huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) đang sống trong các ngôi nhà tạm bợ, ngay sát sườn núi. |
“Cũng do chậm trễ nên 45 hộ dân trong diện di dời về TĐC vẫn phải trong tình trạng chờ đợi. Trong khi đó, xã đã huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh để giúp bà con dời nhà lên trên đó”, ông Quý nói.
Chưa được xây nhà, người dân vùng sạt lở núi thôn Trà Khương vẫn phải tiếp tục ở trong những căn nhà tạm bợ, chật chội, cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Mong muốn về một ngôi nhà kiên cố, an toàn để yên tâm lập nghiệp, nhất là vào những ngày mưa bão vẫn luôn thường trực trong tâm trí mỗi người dân nơi đây. Chị Hồ Thị Lý nói.“Bà con mong chờ bốc thăm để di dời nhà đến khu TĐC sớm chừng nào hay chừng đó, vì mùa mưa lũ đã đến rồi. Bà con mình lo lắm…”.
Tại thôn Kà La, xã Ba Dinh, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) sau đợt mưa lũ năm 2017, hàng chục hộ dân ở đây bị núi sạt lở vùi lấp nhà, phải di chuyển TĐC chỗ an toàn. Nhưng do không có đất ở, nên họ buộc phải dựng tạm nhà sàn trên chính đất ruộng của mình và đã tiếp tục đối mặt với nỗi lo sụt lún, ngập lụt.
Chị Phạm Thị Xin (45 tuổi), cho hay, thôn Kà La có 12 hộ dân, với 44 nhân khẩu phải dời nhà tránh nạn núi đè thì nay lại đối mặt với nỗi lo khác. Vì đất ruộng vốn dễ sụt lún, thêm vào đó, nhà dựng ở chỗ thấp nên mỗi khi mưa xuống nước từ trên những thửa ruộng bậc thang dồn hết xuống dưới, dẫn đến tình trạng ngập lụt, nhà cửa bị nước bao vây.
“Mỗi lần mưa xuống vất vả lắm, nước ngập đã đành, lại thêm nỗi lo sụt lún, ở trong nhà mà ai cũng nơm nớp lo sợ cả. Chưa kể nhà nào có nuôi trâu, bò, lợn, gà thì chẳng biết phải làm sao”, chị Xin thở dài. Cùng với nỗi lo ngập lụt khi mưa xuống, các hộ dân nơi đây còn phải đối mặt với tình trạng thiếu điện sinh hoạt, thiếu nước sạch, giao thông đường sá đi lại khó khăn…
Dạo quanh Kà La một vòng, chúng tôi nhận thấy những ngôi nhà sàn của người dân nơi này dường như lọt thỏm giữa đồng ruộng. Nhà này cách nhà kia vài thửa ruộng, bờ ruộng là “đường làng”, gầm nhà là chuồng gia súc. Các hộ dân sống tách biệt hẳn so với những ngôi nhà kiên cố, đường nhựa bê tông ở khu trung tâm xã Ba Dinh.
Trong những ngôi nhà, có một số người già bị bệnh nằm co ro. Khi hỏi chuyện, họ bày tỏ rằng, do sống chung với gia súc, gia cầm nên bệnh tật đeo bám, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Mong ước lớn nhất của họ lúc này là sớm có chỗ ở tốt hơn, sạch sẽ và an toàn hơn để ổn định cuộc sống, không còn bệnh tật.
Ông Phạm Văn Ôn, Chủ tịch UBND xã Ba Dinh, nói rằng, xã đã được tỉnh Quảng Ngãi chi ngân sách 4 tỷ đồng cho dự án quy hoạch khu TĐC mới cho bà con thôn Kà La. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ hoàn thành xong bước bàn giao mặt bằng, vì còn đang vướng mắc vấn đề đất ruộng của một số hộ dân khác nên chưa thể tiến hành xây dựng ngay được.