Lãng phí nghiêm trọng khi hàng ngàn căn hộ tái định cư xây xong để hoang

Chủ Nhật, 07/10/2018, 08:10
Trong khi rất nhiều người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khó có thể mua được căn hộ giá rẻ để ở, thì nhiều dự án “hoành tráng” với hàng ngàn căn hộ tái định cư lại đang trong tình trạng bỏ hoang rất lãng phí. Nhìn cảnh xây xong, không có người ở trong thời gian dài giờ bắt đầu xuống cấp, nhiều người thật sự xót xa...

Có mặt tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) vào buổi sáng một ngày đầu tháng 10-2018, PV Báo CAND thấy nhiều block nhà 5 tầng sơn màu vàng nhạt, xanh da trời rất nổi bật, nhưng lớp sơn đã bong tróc, hoen ố và nhiều công trình đã xuống cấp. Số căn nhà có người ở thưa thớt, nhiều toà nhà không có ai ở, tường nứt, nền lún, xung quanh cỏ mọc um tùm, rác thải khắp nơi, tạo nên cảnh vắng vẻ hoang vu. 

Nhiều cống thoát nước hỏng nắp nhưng chưa được thay, người dân phải dùng vật báo hiệu để cảnh báo cho người từ nơi khác đến biết mà tránh bị lọt xuống hố.  Đáng chú ý những nắp cống này được làm rất mỏng và chỉ có mấy cây sắt nhỏ nên dễ bị hư hỏng. Còn hầu hết những con đường trong khu tái định cư chỉ mới được trải đá dăm, chưa tráng nhựa.

Đảo một vòng, chúng tôi thấy hai người lớn tuổi để bàn ghế ở giữa đường ngồi uống cà phê. Bắt chuyện làm quen hỏi thăm, tôi được hai người này vui vẻ nói chuyện cứ như là lâu lắm rồi mới có người lạ vào đây để họ được giao tiếp. 

Tỏ ra thắc mắc về việc hai người ngồi giữa đường nhỡ xe cộ đi lại nguy hiểm, một người tên Tuấn nói: “Làm gì có ai vào đây mà sợ xe đụng chứ. Trong này chỉ có mấy hộ ở. Đám thanh niên thì đã đi làm đến tối mới về, chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Chúng tôi già rồi không đi làm nên phải ở nhà, ngồi giữa đường uống cà phê cho thoải mái, chứ lề đường hư hỏng rồi”.

Khu nhà mẫu tái định cư Bình Khánh hoang tàn.

Ông Tuấn cho biết, trước đây ông làm phụ hồ. Không có tiền mua nhà nên gia đình ông dựng túp lều ven sông ở quận 8 để tá túc. Cách đây hơn 3 năm, ông được chính quyền địa phương đưa lên khu tái định cư này ở. 

Còn bà Tuyết cũng thuộc diện di dời gấp từ quận 8 lên đây tâm sự: “Lúc trước ở dưới tôi bán bún mắn có đồng ra đồng vô, lên đây có chỗ ở nhưng lại không buôn bán được gì, vì ở đây ít người ở nên bán không ai ăn. Muốn ra chợ buôn bán cũng khó vì từ đây đến chợ rất xa, phương tiện đi lại không có”.

Người dân ở đây cho biết, hôm trước họ thấy một số người có lẽ trong diện được tái định cư đến đây để nhận nhà nhưng không ai dám nhận, vì thấy nền lún, tường thì nứt... Anh H., chỉ vào một dãy nhà và nói: 

“Dãy đó khoảng 50 căn nhưng không ai ở, các dãy khác mỗi dãy khoảng hơn chục hộ ở, còn lại để trống. Vào đây chỉ để ở chứ không làm ăn được gì nên nhiều người được chính quyền đưa đến đây xem nhà rồi họ một đi không trở lại”.

Theo quan sát của chúng tôi, trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B có đầu tư đầy đủ trường học (từ mẫu giáo đến THPT) nhưng học sinh không nhiều, còn một số quán ăn uống thì lưa thưa khách.

Được biết, khu tái định cư Vĩnh Lộc B hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011 trên diện tích 30,9ha, gồm 529 nền đất và 45 block chung cư với 1.939 căn hộ (hiện còn trống khoảng 1.000 căn). Đây là nơi bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc chương trình nâng cấp đô thị và các dự án của thành phố với tổng vốn đầu tư 1.062 đồng. Nguyên nhân chính khiến nhiều người không đến ở là do khu chung cư này nằm khá xa trung tâm, đường đi lại bất tiện, hệ thống hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp đi lại khó khăn, không có chợ để họ buôn bán…

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B được cho là quá xa trung tâm, không thuận tiện về giao thông, nên người dân không vào ở. Thế nhưng 6.220 căn hộ khu tái định cư Bình Khánh (được xây dựng trên khu đất diện tích 38,4ha, quận 2, phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm, hoàn thành vào năm 2015), nằm sát quận 1 cũng đang trong tình trạng rất nhiều căn bỏ hoang. Và đây chỉ là một phần trong chương trình 12.500 căn hộ tái định cư của khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Có mặt tại khu tái định cư này vào cuối buổi chiều, nhưng chúng tôi thấy khá vắng người. Phía trước công viên chỉ có mấy người bán quán ăn vặt, trong sân khu dân cư thì một số người lớn dẫn trẻ đi dạo. Gặp cô H., tôi được biết trong khu này nhiều người nhận căn hộ tái định cư nhưng không ở mà cho thuê hoặc bán, vì ở đây không tiện cho công việc, kinh doanh buôn bán. 

Anh Bách (quận 2) cho biết: “Những người thuộc diện vào khu tái định cư đa số đi làm thuê, buôn thúng bán bưng… mà đưa vào những nơi này là không ổn. Khu tái định cư không chỉ là nơi ở mà còn là không gian sống, làm việc, đi lại, là phong tục, tập quán của người dân. Do đó, chính quyền cần nắm rõ tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân để có phương án giải quyết tốt nhất, chứ không thể cứ xây những khu tái định cư sầm uất rồi cho rằng thế là chăm lo tốt nhu cầu tái định cư của người dân là chưa đúng”.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cần phải điều tra xã hội học trước khi thu hồi đất thực hiện các dự án, đồng thời khi hỗ trợ tái định cư phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn. 

Việc điều tra xã hội học sẽ giúp cơ quan Nhà nước nắm được nhu cầu, hoàn cảnh, sinh kế, kể cả tâm tư, nguyện vọng của người có đất bị thu hồi, giúp cho việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được sát thực tế và phù hợp với nhu cầu của người dân, tránh tình trạng dư thừa nhà tái định cư như trong những năm gần đây.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong 10 năm (từ 2006-2017), thành phố đã đầu tư xây dựng và dùng ngân sách mua lại hơn 40.000 căn hộ, nền đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong các dự án. Đến nay, thành phố đã bố trí hơn 26.000 căn hộ và nền đất, chiếm trên 65%. Còn dư gần 14.000 suất tái định cư, tương đương với gần 35% chưa sử dụng. Về việc dư thừa gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư, thành phố sẽ tiếp tục giữ lại hơn 8.500 suất giao cho các quận, huyện bố trí tái định cư cho người dân bị giải tỏa trong 153 dự án thành phố đã và đang chuẩn bị triển khai, số còn lại có kế hoạch bán đấu giá để thu hồi vốn.
Nhân Sơn
.
.
.