Giải pháp ngăn chặn “vàng tặc” ở Bồng Miêu

Thứ Hai, 19/04/2021, 08:03
Mặc dù các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi, song nạn “vàng tặc” tại mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Vì sao có tình trạng này?...


Tìm hiểu được biết, ngày 5/3/1991, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư có Quyết định số 140/QĐ cấp phép cho Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (gọi tắt Công ty vàng Bồng Miêu) tổ chức thăm dò và khai thác mỏ vàng Bồng Miêu theo quy mô lớn, trong thời hạn 25 năm, trên diện tích 365ha; chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2006. Đến cuối năm 2013, Công ty vàng Bồng Miêu thông báo làm ăn thua lỗ, tạm ngưng hoạt động do sản xuất kém hiệu quả. 

Sau đó, cuối năm 2018, TAND tỉnh Quảng Nam đã thông qua nghị quyết về phương án phá sản đối với Công ty vàng Bồng Miêu. Trên thực tế, công ty này hầu như không có một hoạt động nào để khắc phục hiện trạng, hoàn thổ môi trường theo đúng quy định đối với 230ha mỏ lộ thiên đã khai thác. Riêng số tiền nợ thuế hơn 100 tỷ đồng của Công ty vàng Bồng Miêu cũng không có khả năng thu hồi...

Đáng quan tâm, sau khi Công ty vàng Bồng Miêu phá sản, các đối tượng “vàng tặc” đã xâm nhập vào khu vực khai thác của công ty này trước đó để khai thác vàng trái phép gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, làm ảnh hưởng xấu đến ANTT tại địa phương. Các địa điểm như Thác Trắng, đồi Sim, suối Tre... đã trở thành “điểm nóng” hoạt động của “vàng tặc”. 

Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, cho biết, tính từ đầu năm 2021 đến nay, cơ quan chức năng đã thực hiện 17 đợt kiểm tra, phát hiện và tiêu hủy 38 máy nổ, 1 giàn rùng, gần 30 lán trại, 90 hồ hóa chất và nhiều công cụ, dụng cụ khác phục vụ cho hoạt động khai thác vàng trái phép. 

Ngoài các đối tượng tại địa phương còn có các đối tượng ở nhiều nơi khác đến tham gia hoạt động khai thác vàng trái phép tại các khu vực đồi núi, hầm lò thuộc thôn Bồng Miêu. Hiện nay, phần lớn các đối tượng không vào sâu trong khu vực hầm lò để khai thác vàng, mà chủ yếu tập trung dựng lều, dùng máy nổ để xay đất bên ngoài các đồi núi. 

Tại các khu vực như Suối Tre, Lò 5, Lò 10 thuộc thôn Bồng Miêu, tình trạng khai thác vàng trái phép hầu như đã chấm dứt hoàn toàn, chỉ còn tồn tại tình trạng một số ít người dân trên địa bàn đưa công cụ thô sơ vào khu vực lò để đục lấy đá quặng vận chuyển về để xay nghiền chế biến.

Lực lượng Công an kiểm tra, truy quét “vàng tặc” tại mỏ vàng Bồng Miêu.

Cũng theo ông Vinh, từ đầu năm 2021, UBND xã Tam Lãnh đã có thông báo nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực khoáng sản; nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm đất và trồng cây trên diện tích đất thuộc quản lý của Công ty vàng Bồng Miêu trước đây. Bên cạnh đó, cắm 6 biển báo nghiêm cấm khai thác vàng trái phép tại các khu vực miệng lò, đồi núi. 

Đồng thời, củng cố tổ công tác kiểm tra, truy quét, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản vàng trái phép... Đề nghị UBND huyện Phú Ninh kiến nghị cấp trên chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác hoàn thổ trả lại hiện trạng đất tại các khu vực khai thác của Công ty vàng Bồng Miêu trước đây; sớm có giải pháp hữu hiệu an sinh cuộc sống, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân xã Tam Lãnh. 

Ông Vinh chia sẻ rằng, hiện UBND xã Tam Lãnh đang xây dựng đề án Hợp tác xã du lịch cộng đồng Thác Trắng - Hầm Hô tại thôn Bồng Miêu. Đề án này được xây dựng trên diện tích 80ha, dự kiến giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động là người dân địa phương thường tham gia khai thác vàng trái phép. Bên cạnh việc phát triển du lịch cộng đồng, mục tiêu của đề án này còn hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu, trồng chuối rừng, các sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ. 

Khi đề án được triển khai thực hiện, kỳ vọng sẽ góp phần vào việc giảm ô nhiễm môi trường và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, từ đó kéo giảm tình trạng khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu. Bên cạnh đó, lập đề án nuôi bò 3B, một loại bò có giá trị kinh tế cao nhằm hỗ trợ người dân của xã phát triển chăn nuôi. Xã đã hỗ trợ 70% tiền con giống cho các hộ gia đình thường đi khai thác vàng trái phép chăn nuôi heo rừng và bước đầu đem lại hiệu quả...

Thượng tá Lê Nho Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam, cho rằng, để ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác vàng không phép tại mỏ vàng Bồng Miêu, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. 

Trong đó, lực lượng Công an huyện Phú Ninh, Công an xã Tam Lãnh cần quản lý tốt địa bàn, quản lý chặt chẽ nhân hộ khẩu, có biện pháp theo dõi, quản lý những người từ địa bàn khác đến khu vực mỏ vàng Bồng Miêu với mục đích khai thác vàng trái phép. UBND huyện Phú Ninh cần chỉ đạo quyết liệt lực lượng Công an và các ban, ngành liên quan của huyện tổ chức truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng không phép tại mỏ vàng Bồng Miêu. 

Cùng với đó, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam thường xuyên nắm tình hình, phối hợp với địa phương truy quét, lập hồ sơ xử lý các đối tượng khi có vi phạm; lập hồ sơ đề nghị xử lý hình sự đối với các đối tượng đã bị xử lý hành chính mà tái phạm. 

Đặc biệt, chính quyền địa bàn cần có chính sách đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho người dân để họ có cuộc sống ổn định, từ bỏ hoạt động khai thác vàng trái phép.

Ngọc Thi
.
.
.