Gia đình ven sông bị hỏa hoạn từ chối tái định cư

Thứ Sáu, 21/04/2017, 09:37
Giải pháp hỗ trợ người dân (là nạn nhân của vụ hỏa hoạn tại cồn Nhất Trí, Nha Trang) sớm tái định cư được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẩn trương triển khai, thế nhưng rất nhiều người dân kiên quyết từ chối đến nơi ở mới…

Hơn 3 tháng về trước, một vụ hỏa hoạn bất ngờ ập đến giữa đêm khiến cho hàng chục căn nhà ở cồn Nhất Trí, nằm bên sông Cái, thuộc phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang (Khánh Hòa) bị thiêu rụi, hàng trăm người dân được bố trí tạm cư tại ký túc xá Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa. Giải pháp hỗ trợ người dân sớm tái định cư, ổn định đời sống đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẩn trương triển khai, thế nhưng rất nhiều người dân kiên quyết từ chối đến nơi ở mới.

Tiếp xúc phóng viên Báo CAND ngày 20-4, ông Ngũ Quốc Việt – Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước cho biết, sau hỏa hoạn, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra xác định tổng diện tích trong vùng hỏa hoạn là 5.343m², trong đó có 4.392m² mặt đất và 951m² mặt nước do các hộ gia đình đóng cọc lấn ra mé sông.

Trong số đó chỉ có 61 hộ gia đình đủ điều kiện giao đất tái định cư, chính quyền địa phương đã lập đầy đủ thủ tục hồ sơ đề nghị UBND TP Nha Trang xem xét giao đất tái định cư theo quy định pháp luật. Địa điểm giao đất tái định cư tại thôn Đất Lành, xã Vĩnh Thái với diện tích mỗi lô 60 - 66m².

Sau vụ hỏa hoạn, hàng chục căn nhà ở cồn Nhất Trí đã bị thiêu rụi, nhưng người dân từ chối tái định cư ở Đất Lành.

Tại cuộc họp do UBND phường Vĩnh Phước và Trung tâm quỹ đất TP Nha Trang tổ chức mới đây, hầu hết những người dân được tái định cư đều từ chối đến Đất Lành, xã Vĩnh Thái. Bà Nguyễn Thị Trâm, 42 tuổi cho biết: “Chúng tôi luôn trân trọng sự quan tâm sâu sắc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên khu tái định cư mới ở Đất Lành cách xa nơi định cư cũ của các hộ gia đình hơn 10km, đường sá gập ghềnh vào sâu trong núi nhưng không có đèn đường chiếu sáng, cách xa trường học, trạm y tế. Hơn thế nữa từ bao lâu nay người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt, mua bán hải sản, bây giờ lên phía núi xa xôi sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn trở ngại”.

Cùng tâm trạng đó, ông Đặng Tấn Hùng, 54 tuổi cho biết: “Đời sống kinh tế gia đình tôi chỉ trông chờ vào nguồn thu từ chiếc tàu đánh cá KH-95256 TS, nếu phải chuyển dời đến Đất Lành xa xôi, rất khó có thể quản lý phương tiện và điều hành hoạt động đánh bắt hải sản”.

Bà Nguyễn Thị Hằng, 35 tuổi tâm sự, giống như nhiều gia đình khác, vợ chồng bà không chấp nhận đến khu tái định cư Đất Lành khi lâu nay chỉ biết bám biển mưu sinh, ba đứa con đều đang độ tuổi học mẫu giáo, tiểu học. Bà nói không hề đòi hỏi khu đất tái định cư có địa thế tốt đẹp, mà chỉ cần tái định cư ở những nơi có thể sinh sống bằng nghề đánh bắt, mua bán hải sản vốn là nghề nghiệp của nhiều gia đình ở cồn Nhất Trí lâu nay.

Nguyện vọng của người dân là vậy, nhưng tin từ UBND TP Nha Trang cho biết, quỹ đất ở địa phương không còn nơi nào khác để bố trí tái định cư nên chính quyền địa phương vẫn xác định Đất Lành là nơi ở mới của 61 hộ gia đình bị thiên tai hỏa hoạn.

Trong khi đó, đến thời điểm này những hộ gia đình nêu trên còn tạm lưu cư ở ký túc xá Trường Cao đẳng y tế Nha Trang và bày tỏ ý kiến từ chối tái định cư ở Đất Lành. Đã đến lúc UBND tỉnh Khánh Hòa cần xem xét thấu tình đạt lý để đảm bảo ổn định đời sống người dân.

76 căn nhà bị hỏa hoạn đều thuộc diện giải tỏa để thực hiện 2 dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí và nhà ở thương mại dịch vụ bên bờ sông Cái do Công ty TNHH đầu tư Phạm Trần làm chủ đầu tư theo văn bản thỏa thuận địa điểm của UBND tỉnh Khánh Hòa từ cuối năm 2014 và dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng bờ kè và tuyến giao thông ven sông Cái do BQL dự án các công trình trọng điểm tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Hữu Toàn
.
.
.