Gần trăm ngôi biệt thự cổ ở Hà Nội đã bị phá dỡ sai nguyên tắc: Nhiều mập mờ, khuất tất

Thứ Tư, 30/12/2015, 08:44
Sau vụ sập nhà biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), HĐND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND TP phải kiểm tra, rà soát, kiểm định chất lượng công trình đối với các khu chung cư cũ, biệt thự cũ, công trình xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP đã xuống cấp…

Điều đáng nói, trước đó, năm 2014, Hà Nội đã tổng rà soát thực trạng biệt thự cổ trên địa bàn. Tuy nhiên, kết quả giám sát độc lập của HĐND TP Hà Nội mới đây đã cho thấy, có hàng loạt sai phạm trong việc quản lý loại nhà đặc biệt này, thậm chí, có cả tình trạng “biến có thành không”.

Gần 50 biệt thự được báo cáo đã phá dỡ vẫn còn nguyên

Sau vụ sập nhà biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành, chính quyền quận, huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng đô thị và có kế hoạch kiểm tra, rà soát, kiểm định chất lượng công trình đối với các khu chung cư cũ, biệt thự cũ, công trình xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP đã xuống cấp, đặc biệt đối với các biệt thự, công trình thuộc nhóm 3 có nguy cơ sập đổ để có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân.

Biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội bị sập do xuống cấp trầm trọng.

Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho thấy, có nhiều tồn tại, sai phạm trong việc thực hiện Kết luận thanh tra xác định 312 biệt thự không thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, nhiều biệt thự được báo cáo đã phá dỡ nhưng thực tế vẫn tồn tại; có biệt thự báo cáo là không tìm thấy nhưng đã tìm thấy; nhiều nhà được báo cáo không phải biệt thự nhưng thực tế lại là biệt thự; có biệt thự bị báo cáo xuống cấp biến dạng nhưng lại không có hồ sơ...

Theo kết quả giám sát: 63 biệt thự tự phá dỡ, xây mới cơ quan quản lý không có hồ sơ, không xác định được thời điểm xây dựng; 19 biệt thự báo cáo là biến dạng hoàn toàn và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có hồ sơ đánh giá, thẩm định chất lượng; 2 biệt thự báo cáo là không tìm thấy nhưng thực tế đã tìm thấy; 48 biệt thự báo cáo đã phá dỡ, xây mới nhưng trên thực tế vẫn còn là biệt thự (16 biệt thự vẫn còn; 35 biệt thự chỉ sửa chữa, cơi nới, nâng tầng); 45 nhà (biệt thự) báo cáo không phải là biệt thự thì thực tế có 8 nhà là biệt thự…

Bên cạnh đó, mặc dù Thủ tướng, UBND TP có chỉ đạo dừng việc cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự, song Sở Xây dựng, UBND một số quận không thực hiện nghiêm túc, đã cấp phép để phá dỡ và xây dựng công trình mới ở 25 biệt thự cũ. Như vậy, đã có 88 căn biệt thự bị phá dỡ sai nguyên tắc.

UBND TP Hà Nội cũng chưa lập danh mục nhà cổ, biệt thự cũ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp thuộc diện nhà nguy hiểm, từ đó lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo Nghị quyết của HĐND.

Theo báo cáo giám sát, TP cũng chưa thực hiện được việc nghiên cứu thí điểm dùng ngân sách Nhà nước mua lại của các chủ sử dụng đan xen với trụ sở cơ quan, nhà biệt thự có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa gắn với lịch sử Thủ đô, đất nước đã xuống cấp để bảo tồn, tôn tạo lại theo nguyên trạng ban đầu theo Nghị quyết số của HĐND TP.

Lãnh đạo UBND TP cũng chưa có quy định về trách nhiệm, cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực cho việc đầu tư, hỗ trợ việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các biệt thự, công trình xây dựng trước năm 1954 có giá trị kiến trúc tiêu biểu và các biệt thự thuộc các nhóm đối tượng quản lý theo Đề án và Quy chế. Hiện nay, nhiều biệt thự, công trình kiến trúc trước năm 1954 ở cả 3 nhóm, nhất là nhóm 3 bị các chủ sử dụng xây dựng cơi nới làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan, không gian của biệt thự, nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để.

Cơ quan quản lý có dung túng, khuất tất khi thực hiện rà soát biệt thự cổ?

Quản lý nhà biệt thự liên tục là vấn đề “nóng” tại các kỳ họp HĐND TP. Thậm chí, một đại biểu HĐND TP đã từng thẳng thắn phát biểu: “Có sự buông lỏng quản lý biệt thự, bởi “nếu không có sự bao che, dung túng, thậm chí có sự dối trá của các cơ quan quản lý thì chắc chắn sẽ không có nhiều biệt thự xuống cấp như hiện nay”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP đã đề nghị thanh tra toàn diện việc quản lý biệt thự bởi nếu không làm nghiêm, không xử lý trách nhiệm cụ thể thì sẽ không quản lý và duy trì được các biệt thự. Cũng tại kỳ họp HĐND đầu năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực cho rằng, việc UBND TP loại 312 biệt thự khỏi Nghị quyết 18 là trái thẩm quyền và Nghị quyết của HĐND. Ông Dực dẫn chứng một số trường hợp cụ thể như ở 52 Ngũ Xá, 333 Hoàng Hoa Thám, 38 Hoàng Hoa Thám đều còn nguyên trạng nhưng báo cáo của UBND lại đánh giá “biến dạng hoàn toàn”.

Trở lại vụ việc sập nhà biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo gây thiệt hại về người và tài sản của người dân, mặc dù trước đó UBND TP  Hà Nội đã rà soát và báo cáo tại một kỳ họp HĐND TP,  xác định 312 biệt thự, trong đó có 218 biệt thự thuộc danh mục của Đề án quản lý nhà biệt thự trên địa bàn TP được HĐND TP thông qua năm 2008, không thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế và quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng trước năm 1954.

Nhưng sau vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo, UBND TP  lại yêu cầu tổng rà soát toàn bộ hiện trạng nhà biệt thự. Điều này khiến dư luận nghi ngờ, kết quả rà soát lần trước đã không đúng thực tế, thậm chí, có dư luận cho rằng, có sự mập mờ, khuất tất trong việc rà soát này.

Ngọc Yến
.
.
.