Đường Trường Sơn Đông mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng nghiêm trọng (!)

Thứ Ba, 17/07/2018, 08:30
Đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài gần 700km chạy qua 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Thạnh Mỹ, tỉnh Quảng Nam và điểm cuối nối Cầu Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng. Sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, nhiều đoạn đường đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng…

Đường Trường Sơn Đông là trục giao thông chiến lược quan trọng chạy giữa quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh xuyên suốt 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, kết nối 9 quốc lộ ngang gồm quốc lộ 14B, 14E, 40B, 24, 19, 25, 26, 29 và 27. 

Chính vì thế, đây dự án không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh cả trước mắt và lâu dài mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc các tỉnh miền núi, vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa hiện còn rất khó khăn của 7 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng) mà tuyến đường đi qua.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm tuyến đường được đưa vào khai thác, sử dụng (từ 9-2016), nhiều đoạn trên tuyến đường này đã bị nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng nặng làm ảnh hưởng đến lưu thông của người dân. Điển hình như đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Trên đoạn đường này có tổng chiều dài khoảng 120km, chạy qua địa bàn 2 huyện MĐrắk và Krông Bông với mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Theo quan sát của PV Báo CAND, trên suốt tuyến đường từ Km436 đến Km550, nhiều đoạn bị sụt lún, nứt toác tạo thành những ổ gà lổm chổm, chi chít.

Đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Thái (tài xế chạy xe tải tuyến MĐrắk đi Lâm Đồng) cho biết, sau khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, các doanh nghiệp vận tải, người dân trong vùng rất vui mừng vì từ nay việc lưu thông hàng hóa, đi lại dễ dàng hơn. 

“Tuy nhiên, sau một thời gian thì tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn bị sụt lún, hư hỏng tạo thành những ổ gà, ổ voi khiến việc lưu thông hết sức khó khăn. Ngay bản thân tôi chạy xe thường xuyên qua đây nhưng ban ngày đi chậm qua đoạn đường này còn tránh được, chứ vấp phải ban đêm thì chúng tôi đành phải liều mình chạy qua mà thôi. Họ cứ đào lên, đào xuống sửa hơn 1 năm nay rồi, nhưng vừa mới sửa xong là đường lại hư như cũ”, anh Thái nói.

Trong khi tuyến đường đang bị xuống cấp nhanh chóng thì việc khắc phục, sửa chữa hư hỏng lại diễn ra một cách ì ạch. Điển hình như đoạn đi qua địa bàn xã Ea Lai, huyện MĐrắk bị đơn vị thi công cho cày xới lên rồi để đó, không hề có dấu hiệu được sửa chữa. 

Nhiều máy móc của Công ty Đông Hưng Gia Lai (nhận thầu sửa chữa đường Trường Sơn Đông cho Công ty CP 482 - Bộ Quốc phòng) để chơ vơ bên đường, không có bóng dáng công nhân thi công. Còn tại đoạn đường Công ty Tuấn Tú (nhận thầu sửa chữa đường Trường Sơn Đông cho Công ty 789 - Bộ Quốc phòng) đang thi công sửa chữa nhưng đơn vị này cũng chỉ cho máy móc và công nhân đổ nhựa lấp đầy các hố sâu một cách đơn giản, sơ sài. Vì thế, chất lượng đường cũng không được cải thiện mấy sau khi được sửa chữa. 

Trao đổi với PV, ông Đỗ Huy Thành - Phó cục trưởng Cục quản lý đường bộ III thừa nhận, qua gần 2 năm đưa vào sử dụng, mặt đường Trường Sơn Đông đã xuất hiện nhiều đoạn hư hỏng dạng ổ gà, ổ voi, sụt lún nặng… 

“Nhà thầu đã tổ chức sửa chữa nhưng qua kiểm tra, công tác sửa chữa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Cục Quản lý đường bộ III liên tục có văn bản gửi chủ đầu tư yêu cầu tiếp tục khắc phục các hư hỏng để đảm bảo chất lượng, an toàn giao thông. Tuy nhiên, đến nay việc sửa chữa các đoạn đường hư hỏng trên vẫn không đảm bảo”, ông Thành cho hay.

Cũng theo ông Thành, tuyến đường Trường Sơn Đông bị hư hỏng nặng nhất là đoạn tuyến do Công ty CP 482 - Bộ Quốc phòng thi công, mặt đường hư hỏng nặng và đang gây mất an toàn giao thông và công tác bảo trì, sửa chữa đường chưa được nhà thầu quan tâm. 

“Theo kiểm tra, các đoạn đường bị hư hỏng nặng nhất là từ Km495+200 đến Km499+500 và đường đầu các cầu Ea HMlay, Ea HMeay của huyên MĐrắk. Đặc biệt, trên các đoạn đường hư hỏng nặng, nhà thầu đã đào kết cấu cũ nhưng chưa được hoàn trả, để lại nhiều hố sâu gây mất an toàn giao thông. Không chỉ vậy, trên hiện trường không có các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khiến phương tiện, người dân đi lại hết sức khó khăn”, ông Thành nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Ban quản lý dự án 46 - Bộ Quốc phòng lại cho rằng, nguyên nhân dẫn đến đoạn đường này hư hỏng nặng là do lượng xe tải đi lại quá nhiều. 

“Các loại xe tải nặng chở mía và chở mì chạy qua đây rất nhiều, vì thế nó làm đường Trường Sơn Đông hư hỏng là điều hiển nhiên. Đoạn đường đang trong thời kỳ bảo hành nên chúng tôi sẽ chỉ đạo các nhà thầu thi công tiếp tục sửa chữa”, một lãnh đạo Ban quản lý dự án 46 cho hay.

Trong khi đóm theo tìm hiểu của PV Báo CAND, trên tuyến đường này, lượng xe cộ đi lại rất ít vì khu vực này chủ yếu là núi rừng và dân cư thưa thớt.

Nhiều người dân dọc theo đường Trường Sơn Đông cho rằng, với những xã nằm ở vùng sâu, vùng xa, đường giao thông có vai trò hết sức quan trọng, bởi lẽ không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh mà còn góp phần giúp cho đồng bào tiếp cận, giao lưu văn hóa. Chính vì người dân đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương khảo sát thực tế để có biện pháp khắc phục một cách sớm nhất tuyến đường đã bị hư hỏng.

Dự án đường Trường Sơn Đông dài khoảng 700km, là tuyến giao thông song song với đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1A được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Chủ trương xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông trên vùng cao nguyên rộng lớn kéo dài, có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược phòng thủ quốc gia, củng cố an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc…
Văn Thành
.
.
.