“Đột nhập”… lãnh địa khai thác vàng trái phép ở Đắk Nông

Thứ Bảy, 21/11/2020, 21:14
Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông truyền tai kể cho nhau về một “ông trùm” điều hành đường dây khai thác vàng trên đất rừng phòng hộ. Họ núp bóng trồng rừng nhưng lại dựng lán trại, đào hầm và khai thác vàng rầm rộ… nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết. PV Báo CAND vừa có chuyến thâm nhập và phát hiện ra nhiều điều bất ngờ…

Khu rừng phòng hộ giáp ranh giữa 3 xã Quảng Sơn, Đắk RMăng và Đắk Ha của huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông từ lâu được mệnh danh là “tam giác vàng” bởi nơi đây có trữ lượng vàng sa khoáng khá lớn. Cũng chính từ đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc thuê đất, mua bán đất làm dự án nhưng thực chất đã biến nơi đây thành lãnh địa khai thác vàng trái phép.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hầu hết những khu vực mà các đối tượng chọn làm lãnh địa khai thác vàng đều nằm ở địa bàn hiểm trở, đường đi lại khó khăn. Đặc biệt, những khu vực này thường được chúng rải người canh gác cẩn mật, chỉ có người dân địa phương quen biết mới có thể qua lại, chỉ cần có người lạ xuất hiện là được chúng cảnh báo hoặc tìm cách ngăn cản, gây chuyện, thậm chí bị xua đuổi, doạ nạt.

Khu vực lán trại của nhóm đối tượng khai thác vàng được dựng lên một cách công khai.

Sau nhiều ngày thuyết phục, chúng tôi được anh N.V.N. (một người dân địa phương) chấp thuận dẫn vào vùng lãnh địa khai thác vàng để tìm hiểu. Tuy nhiên, trước khi nhận lời, anh N không quên cảnh báo: “Gần đây, quanh khu vực này thường có khoảng chục dân “anh chị” từ nơi khác đến để khai thác vàng. Đường vào mỏ vàng phải đi qua nhiều ngọn núi cao, cheo leo, phải mất nửa ngày trời mới tới. Nơi đó, tuy gần quốc lộ nhưng không sóng điện thoại, trong đó toàn dân “anh, chị” tứ xứ tập trung về đây. Nếu họ phát hiện là nhà báo thì có thể bỏ mạng ở như chơi”, anh N. nói.

Trước khi đi, N. nhiệt tình dạy cho chúng tôi những từ lóng chỉ có dân buôn vàng lậu thường hay sử dụng trong giao dịch, đàm phán. Trời tờ mờ sáng, anh N. chở nhóm chúng tôi từ cửa rừng phòng hộ TP Gia Nghĩa vượt qua những triền đồi cao hun hút. Trời mưa tầm tã khiến đất đồi nhão nhoẹt, một người đi rừng lão luyện như anh N nhưng cũng liên tục bị té ngã. Nhiều đoạn dốc dựng đứng, chiếc xe gắn máy được độ chế, đôn nòng liên tục gầm rú mới vượt lên được đỉnh dốc. Sau gần nửa ngày băng rừng, chúng tôi cũng đã tìm đến những vị trí khai thác vàng.

Địa điểm khai thác vàng đầu tiên này nằm dọc theo một con suối, xung quanh được bao bọc bởi 4 ngọn núi cao chót vót. Di chuyển về hướng đầu nguồn, chúng tôi phát hiện một lán trại đã bị bỏ hoang, những chai nhớt chạy máy nổ, chén đũa, đồ dùng được vứt lại xung quanh. Nhìn thoáng qua, cứ ngỡ đây chỉ là một lán trại của công nhân làm dự án nông nghiệp, nhưng thực chất lại là lán trại của những người đào vàng. 

Theo hướng chỉ tay của anh N. đi thêm vài chục mét là một bãi vàng đang hoạt động khá nhộn nhịp. Bí mật tiếp cận, chúng tôi phát hiện có 2 người đàn ông đang nghỉ trưa bên trong lán trại. Cạnh đó, rất nhiều đường hầm khoét sâu vào lòng núi, 2 bên mái được gia cố che chắn bằng cây rừng rất kín đáo. Xung quanh lán trại đồ nghề khai thác vàng như: Máy nghiền đá, máy phát điện, các máng đãi, xe rùa… chất ngổn ngang.

Thấy người lạ, một người xưng tên S tỏ vẻ hoài nghi, liên tục chất vấn. Thế nhưng, với những kịch bản đã chuẩn bị từ trước, chúng tôi nhanh chóng vượt qua được “thử thách” ban đầu của nhóm người này. Trong quá trình trò chuyện, S luôn giới thiệu mình là ông chủ của mỏ vàng và đã hoạt động nghề này nhiều năm qua. “Mấy ngày nay mưa quá, anh em họ về hết chứ bình thường có hơn chục người làm”, S. cho biết. 

Theo S., đa số người đào vàng ở đây đều là người ngoại tỉnh, còn S. thì ở ngay TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. S. cho biết, toàn bộ khu vực rộng hàng chục hécta này đã được S. hợp đồng với chủ rừng (BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa - PV) nhận trồng rừng. Tuy nhiên, việc trồng rừng đâu không thấy, mà chỉ thấy S đưa máy móc, thiết bị và hàng chục con người vào ngày đêm đào bới để khai thác vàng trái phép.

Thấy chúng tôi tỏ ý muốn hợp tác làm ăn, bao tiêu “sản phẩm” vàng do chính S khai thác được, S liền cắt ngang câu chuyện rồi với tay lấy ra một thanh đá màu trắng, to bằng bắp chân để lên bàn, cho biết: “Ngoài vàng ra, ở đây còn có cả đá Thạch Anh. Cái này tụi tôi đào xuống và thấy cả tảng dài, nhiều vô số kể… Các anh mua mỏ này được bao nhiêu, hợp lý tôi bán hết”, S. chào mời không ngần ngại. 

Để tránh bị phát hiện, chúng tôi nói sẽ cho người trong nghề vào lại để đánh giá trữ lượng, giá trị rồi mới thương lượng về giá. Cuộc đàm phán chỉ diễn ra ít phút nhưng S đã hồ hởi ra mặt không kém. Trước khi chào tạm biệt, S không quên lời hẹn sẽ tiếp đón chúng tôi vào thời gian sớm nhất để cùng “hợp tác” làm ăn.

Rời khu lán trại của S., chúng tôi đem những hình ảnh ghi lại trao đổi với một lãnh đạo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa thì được người này cho biết, khu vực xảy ra khai thác vàng trái phép nằm ở khoảnh 8, lô 7, Tiểu khu 1704, quy hoạch đất lâm nghiệp, nằm trên địa bàn xã Đắk Ha, thuộc địa giới quản lý của đơn vị. Theo vị lãnh đạo này cho biết thêm, ông S. mà chúng tôi gặp chính là ông N.V.S. (trú tại TP Gia Nghĩa). 

“Trước đây, ông S. có đăng ký với đơn vị 5ha đất ở địa điểm này với mục đích trồng rừng. Qua báo cáo, đến nay ông S. chỉ trồng được vỏn vẹn 0,8ha rừng rồi để hoang. Còn việc ông S. tổ chức đưa máy móc, thiết bị, con người vào khai thác vàng trái phép thì chưa được nghe ai báo cáo lại. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”, vị lãnh đạo này nói.

Được biết, hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông chưa cấp phép cho bất kỳ một đơn vị hay tổ chức nào về việc khai thác vàng, kể cả giấy phép thăm dò. Tuy nhiên, việc các đối tượng vô tư vận chuyển máy móc, thiết bị và con người vào ngang nhiên khai thác vàng một cách rầm rộ trong suốt một thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng vẫn không hay biết. 

Việc làm này đã khiến người dân địa phương hoài nghi cho rằng, có hay không có việc bao che, làm ngơ cho một nhóm người trục lợi của chính quyền địa phương?

Văn Thành
.
.
.