Dân mất cơ hội nhà ở khi Phú Yên đấu giá bán sỉ 262 lô đất

Thứ Bảy, 08/12/2018, 09:11
Hơn 10 năm trước, ngày 20-7-2007, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị (KĐT) Nam Tuy Hòa thuộc địa phận hai phường Phú Đông, Phú Lâm, TP Tuy Hòa, có tổng diện tích hơn 394ha.

Sau một thời gian tìm kiếm nhà đầu tư, Công ty TNHH MTV Galileo Investmet Group Việt Nam đăng ký thực hiện dự án “Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa”, nhưng kết cục đã phải tạm dừng từ năm 2009 vì doanh nghiệp này không nộp tiền ký quỹ thực hiện dự án và không hoàn trả kinh phí lập quy hoạch chi tiết.

Mãi đến tháng 5-2016 UBND tỉnh Phú Yên giao cho Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KĐT Nam Tuy Hòa – giai đoạn 1, trên diện tích hơn 38ha, trong đó có 262 lô đất nhà ở liền kề, 196 lô biệt thự và 10 lô đất thương mại – dịch vụ nằm bên hữu ngạn hạ lưu sông Đà Rằng.

Dự án chưa hoàn thành, cuối năm 2016, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo tổ chức đấu giá bán sỉ 262 lô đất nhà ở liền kề mà không bán đấu giá riêng lẻ cho hàng ngàn người dân địa phương có nhu cầu xây dựng nhà ở như mục tiêu đầu tư dự án.

Một hội đồng đấu giá “đặc biệt” được thành lập do ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên làm Chủ tịch hội đồng tổ chức đấu giá với mức khởi điểm bình quân 614 triệu đồng mỗi lô đất có diện tích hơn 128m2.

Một góc Khu đô thị Nam Tuy Hòa, nơi có 262 lô đất nhà ở liền kề đã đấu giá bán sỉ.

Theo cơ quan chức năng, phương án đấu giá không hề đề cập đến những quy định tại điều 33 Luật Đầu tư 2014 và khoản 1, điều 21 Luật Nhà ở 2014 nên 3 ứng viên tham gia đấu giá đều không có đủ điều kiện theo quy định pháp luật, thế nhưng phương án đấu giá vẫn được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt tại quyết định số 3023/QĐ-UBND ngày 14-12-2016.

Lạ lùng thay, hơn 4 tháng sau đó, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 784/QĐ-UBND ngày 18-4-2017 sửa đổi quyết định phê duyệt phương án đấu giá nêu trên để bãi bỏ luôn quy định về điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá (!?).

Sau phiên đấu giá, ngày 6-6-2017, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 262 lô đất liền kề ở KĐT Nam Tuy Hòa. Theo đó, người trúng đấu giá với số tiền gần 162,5 tỷ đồng là bà Ngô Thị Điều (54 tuổi) trú ở 170 Lê Hồng Phong, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn (Bình Định), cao hơn mức khởi điểm 1,6 tỷ đồng, nhưng ngay sau đó người trúng đấu giá được “ưu ái” giảm giá hơn 8 tỷ đồng theo Quyết định số 872/QĐ-UBND ngày 28-4-2017 của UBND tỉnh Phú Yên về chính sách hỗ trợ 5% trên tổng giá trị mỗi khu đất, nên chỉ nộp gần 154,5 tỷ đồng.

Làm một phép tính đơn giản sẽ thấy giá bán bình quân mỗi lô đất chỉ gần 590 triệu đồng, thấp hơn so với mức khởi điểm bình quân trước khi đấu giá gần 6,5 tỷ đồng. Trong khi đó một nguồn tin cho biết sau khi nộp tiền vào ngày 12-9-2017, bà Ngô Thị Điều đã thông qua một số doanh nghiệp môi giới bất động sản để bán lại mỗi lô đất 1,1 đến 1,3 tỷ đồng...

Mặc dù trước khi giao cho BQL Khu kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KĐT Nam Tuy Hòa – giai đoạn 1, UBND tỉnh Phú Yên xác định nhu cầu nhà ở của người dân ở địa phương tăng cao, nhiều lần cử tri chất vấn HĐND tỉnh Phú Yên, nhưng khi giải trình cơ quan chức năng vì sao không tổ chức đấu giá từng lô đất để người dân có điều kiện xây dựng nhà ở, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Chí Hiến cho rằng thị trường bất động sản ở TP Tuy Hòa thời điểm năm 2016 không sôi động, nếu bán đấu giá từng lô thì không bán được toàn bộ khu đất có diện tích lớn, thời gian tổ chức kéo dài, tiền thu được không tập trung.

Mặt khác, nguồn thu ngân sách của địa phương năm 2016 vấp phải nhiều khó khăn, ngoài khoản tiền còn “treo nợ” tạm ứng trước đó tại Kho bạc Nhà nước, 230 tỷ đồng đã nhiều lần gia hạn thời gian hoàn trả, trong quý 4-2016 UBND tỉnh Phú Yên còn tạm ứng 234 tỷ đồng từ Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 12 tháng để có kinh phí triển khai thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KĐT Nam Tuy Hòa – giai đoạn 1.

Với lý do đó, UBND tỉnh Phú Yên đã bán đấu giá “trọn gói” 262 lô đất liền kề để giải quyết hai khoản tiền tạm ứng 464 tỷ đồng còn “treo nợ” tại Kho bạc Nhà nước. UBND tỉnh Phú Yên cũng lý giải việc hỗ trợ 5% trên tổng giá trị mỗi khu đất đấu giá là do thời gian đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 16 tháng nên cần có chính sách ưu đãi cho người trúng đấu giá khi chậm nhận được mặt bằng.

Người dân Phú Yên cho rằng, chính quyền địa phương đã có động thái “tiền hậu bất nhất” vì mục tiêu ban đầu của dự án này là giải quyết nhu cầu đất ở của người dân đang tăng cao, nhưng sau đó tổ chức đấu giá bán sỉ, tạo cơ hội cho cá nhân ở nơi khác đầu cơ đất đai, thu lãi cả trăm tỷ là không thể chấp nhận được.

Phan Văn Lương
.
.
.