Về vụ "dùng thủ đoạn gian dối để nhận tiền tỷ" nhưng không bị xử lý:

Có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ Sáu, 10/03/2017, 10:11
Ngày 7-2 và ngày 3-3, Báo CAND đã đăng hai bài phản ánh về việc, bà Vũ Thị Hoa (50 tuổi, trú tại thôn Triều Dương, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) tố cáo chị Vũ Hương Lý (42 tuổi, trú tại số nhà 17, ngõ 71/11 phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà qua việc dùng “sổ đỏ” giả thế chấp để vay 1 tỷ đồng, nhưng không bị các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý.

Ngoài hành vi lừa đảo bà Hoa, chị Lý còn bị nhiều người khác tố cáo đã nhận của họ tiền tỷ và hứa xin việc làm cho con, em họ nhưng không thực hiện được và cũng không trả lại số tiền đã nhận. Khi họ đòi thì chị Lý tìm mọi cách tránh mặt và thay đổi số điện thoại. Liên quan đến đơn của bà Hoa tố cáo chị Lý, cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Lữ đã ra thông báo “không khởi tố vụ án hình sự”. Còn Viện KSND huyện Tiên Lữ thì viện lý do là thời hiệu khiếu nại của đã bà Hoa hết nên không xử lý.

Để làm rõ tính pháp lý của sự việc này, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội).

PV: Luật sư có thể cho biết, tính pháp lý của sự việc này?

LS Giang Hồng Thanh: Qua thông tin trên Báo CAND, có thể thấy chị Vũ Hương Lý đã có hành vi huy động tiền từ nhiều người dưới nhiều hình thức như: thế chấp sổ đỏ giả, kêu gọi đóng góp cổ phần vào doanh nghiệp, làm trung gian xin việc… Tuy nhiên có một điểm chung là các hoạt động này đều không có thật, còn số tiền mà chị Lý huy động được thì vẫn do chị này chiếm giữ.

Việc làm này của chị Lý có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 139 BLHS. Điều luật quy định “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” (khoản 4, Điều 139).

Luật sư Giang Hồng Thanh.

PV: Luật sư thấy trong sự việc này, chị Lý có thủ đoạn gian dối không?

LS Giang Hồng Thanh: Trên thực tế, chị Lý đã dùng thủ đoạn gian dối (sử dụng sổ đỏ giả, nại ra vấn đề xin việc…) để qua đó lấy tiền của nhiều người. Những người bị chị Lý lấy tiền đã mất quyền kiểm soát đối với tài sản của mình. Khi bị phát hiện là gian dối, chị Lý hầu như không trả lại tiền cho ai. Không những vậy, chị Lý còn có biểu hiện bỏ trốn như đi khỏi địa phương, thay đổi số điện thoại. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy chị Lý có ý thức chiếm đoạt tài sản của những người đã đưa tiền cho mình.

PV: Nếu chị Lý không tạo niềm tin đối với những người đưa tiền cho mình về việc có khả năng thực hiện các nội dung đã cam kết, hoặc có khả năng trả lại tiền thì liệu những người này có đưa tiền cho chị Lý không?

LS Giang Hồng Thanh: Có thể còn có những thông tin khác liên quan đến vụ việc này mà chỉ những người trong cuộc mới nắm rõ. Và từ những thông tin thu thập được, cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Lữ đã ra quyết định “không khởi tố vụ án hình sự”. Tuy nhiên có một thực tế logic là với những việc làm gây thiệt hại đến tài sản của nhiều người, với giá trị lớn như vậy mà vẫn không bị xử lý thì chị Lý có thể sẽ tiếp tục sử dụng phương cách này để huy động tiền từ những người khác và không trả lại họ.

Không chỉ có vậy, nhiều đối tượng có dụng ý xấu sẽ bắt chước chị Lý để thực hiện hành vi tương tự, bởi lẽ họ thấy rằng cơ quan chức năng không làm gì được họ. Nếu tình trạng này xảy ra, chắc chắn tình hình an ninh trật tự sẽ phát sinh nhiều diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như tác động tiêu cực đến sự ổn định xã hội. Liệu đến lúc đó, cơ quan tố tụng huyện Tiên Lữ và tỉnh Hưng Yên còn có thể làm được gì nữa ngoài việc phải “chạy theo” để giải quyết hậu quả?

PV: Quan điểm của luật sư về việc Viện KSND huyện Tiên Lữ trả lời bà Hoa rằng “thời hiệu khiếu nại đã hết” nên không giải quyết?

LS Giang Hồng Thanh: Thông tin này còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Nếu như bà Hoa cho biết, sau khi nhận được quyết định “không khởi tố vụ án hình sự” do cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Lữ ban hành, bà Hoa đã làm đơn gửi Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ sự việc này.

Ngày 29-11- 2016, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã có Thông báo số 11/TB-PC 44 gửi bà Hoa thông tin đã chuyển đơn của bà đến Viện trưởng VKSND huyện Tiên Lữ để giải quyết. Thế nhưng trước đó 20 ngày (ngày 9-11-2016), VKSND huyện Tiên Lữ đã có Thông báo số 05/VKS-KT trả lời bà Hoa về việc hết thời hiệu khiếu nại. Đây là vấn đề cần phải xem xét lại.

Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: "Thời hiệu khiếu nại là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người khiếu nại cho rằng, có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại".

Như vậy nếu bà Hoa đã gửi đơn khiếu nại nhưng tới nhầm cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì thời gian này được coi là trở ngại khách quan, không tính vào thời hiệu khiếu nại.

PV: Theo luật sư, nếu cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Lữ và Viện KSND huyện Tiên Lữ không giải quyết sự việc này thì cơ quan nào sẽ giải quyết?

LS Giang Hồng Thanh: Hy vọng rằng, vụ việc này sẽ được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên thụ lý giải quyết đúng quy định của pháp luật, mang lại niềm tin cho người dân vào sự nghiêm minh của những cơ quan công quyền.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Nguyễn Hưng (thực hiện)
.
.
.